Siemens muốn triển khai điện khí tại KKT Vũng Áng với tổng mức đầu tư 1,5-1,8 tỷ USD. Công ty Samsung C&T sẽ là đơn vị tổng thầu cho dự án xây dựng này.
Ngày 8/10, tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với Công ty Điện khí Siemens (CHLB Đức) và Công ty Samsung C&T (Tập đoàn Samsung Hàn Quốc) về các nội dung liên quan đến quá trình đầu tư dự án điện khí tại Hà Tĩnh.
Đại diện Siemens khẳng định, điện khí là xu hướng phát triển trong tương lai vì được đánh giá là sạch và có hiệu suất cao, chi phí vận hành bảo trì thấp hơn nhiệt điện than.
Công ty dự định triển khai dự án tại Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư khoảng 1,5 – 1,8 tỷ USD, bao gồm hệ thống hạ tầng cung cấp, chứa khí và nhà máy điện khí tại KKT Vũng Áng.
Công ty Samsung C&T sẽ là đơn vị tổng thầu cho dự án xây dựng nhà máy điện khí này tại Hà Tĩnh.
Theo đại diện Siemens, Hà Tĩnh là nơi đáp ứng được đầy đủ điều kiện xây dựng và phát triển của công ty do có hệ thống hạ tầng tương đối hoàn thiện tại KKT Vũng Áng; có thể dễ dàng kết nối đường dây 500 kV Bắc – Nam; địa phương cũng đã có các dự án nhiệt điện như Nhiệt điện Vũng Áng 1, Vũng Áng 2 và một số dự án điện mặt trời quy mô lớn…
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành liên quan đề nghị nhà đầu tư làm rõ thêm các yêu cầu về tiêu chuẩn công nghệ, môi trường, quỹ đất thực hiện dự án; giá nguyên liệu đầu vào; giá bán điện khi đưa vào vận hành; quá trình huy động vốn đầu tư…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng hoan nghênh sự quan tâm, dự định đầu tư của Công ty Điện khí Siemens và Công ty Samsung C&T. Những năm qua, Hà Tĩnh đã tập trung lãnh đạo, điều hành, phát triển kinh tế đạt mức tăng trưởng khá. Tỉnh cũng tập trung kêu gọi, nỗ lực xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào địa bàn.
Đặc biệt, tại KKT Vũng Áng đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đi vào hoạt động hiệu quả. Song song với việc phát triển nhiệt điện, điện mặt trời, Hà Tĩnh cũng đang có định hướng phát triển nhà máy điện khí trong thời gian tới.
“Hà Tĩnh luôn đồng hành và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong và ngoài nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn vì mục tiêu phát triển bền vững, gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh” – Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng nhấn mạnh.
Ông Hưng đề nghị doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các điều kiện đầu tư, cũng như yêu cầu mà các sở, ngành nêu; tập trung làm rõ thêm giá nguồn nguyên liệu đầu vào (khí thiên nhiên hóa lỏng – LNG); mức đầu tư của phía Công ty Điện khí Siemens và tỉ lệ góp vốn của các công ty khác tham gia dự án; định hướng về bảo vệ môi trường, đầu tư công nghệ…
Siemens là một trong những tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn nhất của Đức có lịch sử phát triển 170 năm, tập đoàn này đang hoạt động tại 190 quốc gia với nhiều lĩnh vực, trong đó có điện khí.
Siemens chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 1993 với việc mở hai văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, Siemens là công ty đứng đầu thị trường và dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực: nguồn điện, quản lý điện năng, dịch vụ nguồn điện, hệ thống vận chuyển, công nghệ tòa nhà, nhà máy số, công nghiệp quy trình và truyền động, y tế.
Theo Trí Thức Trẻ