Trong khi chính phủ các nước trên khắp thế giới đang đau đầu giải quyết vấn nạn rác thải nhựa thì người dân Bangun – một ngôi làng hẻo lánh nằm ở đảo đông Java lại xem rác như tiền.
Một người dân làng Bangun ở Indonesia đang đầm mình dưới cái nắng như đổ lửa trong một bãi rác thải. Tuy nhiên gương mặt anh này tỏ ra khá hạnh phúc, nở một nụ cười tươi rói. Lý do là bởi công việc đang làm đã giúp anh có tiền nuôi các con ăn học.
Trong khi chính phủ các nước trên khắp thế giới đang đau đầu giải quyết vấn nạn rác thải nhựa thì người dân Bangun – một ngôi làng hẻo lánh nằm ở đảo đông Java lại xem rác như tiền vậy.
Gần 2/3 dân số làng này kiếm thu nhập từ việc phân loại và bán những chai, giấy gói, cốc nhựa cho các công ty địa phương. Sau khi Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu rác từ nước ngoài vào đầu năm nay, rác đổ về làng Bangun ngày một nhiều, được đưa đến chủ yếu từ các nước phương Tây gồm Mỹ, Anh, Bỉ cũng như Trung Đông.
“Tôi có 3 đứa con, tất cả chúng đều đang học đại học”, Keman nói trong khi đang đứng giữa một bãi rác khổng lồ, cao tới đầu gối. “Tôi có thể nuôi được cả 3 đứa ăn học như vậy là nhờ công việc nhặt rác chăm chỉ hàng ngày”, người đàn ông 52 tuổi nói.
Từng là trung tâm tái chế rác thải toàn cầu, quyết định cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc đẩy ngành công nghiêp này vào thế hỗn loạn. Và một lượng lớn rác thải đổi hướng vận chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á.
Nhập khẩu rác thải nhựa tại Indonesia đã tăng trong vài năm vừa qua, từ 10.000 tấn mỗi tháng vào cuối năm 2017 lên mức 35.000 tấn mỗi tháng vào cuối năm ngoái theo số liệu từ Greenpeace. Tổ chức này cũng cảnh báo rằng việc này sẽ đi kèm với những ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường cũng như sức khoẻ cộng đồng.
Muharram Atha Rasyadi – một chuyên gia tại Greenpeace nói rằng tình huống này “trở nên tồi tệ kể từ lệnh cấm của Trung Quốc”.
Siêu lợi nhuận
Khoảng 40 xe tải mỗi ngày tới Bangun để đổ rác ngay bên cạnh nhà của người dân trong làng hoặc trong những cánh đồng lớn – nơi hình thành nên những núi rác cao hơn mái nhà.
Suốt nhiều năm nay, người dân địa phương bới rác bằng những đôi tay trần, cào, xẻng và thường chỉ dùng thêm một chiếc khẩu trang mỏng.
Đứng giữa bãi rác rộng lớn, một người mẹ có tên Pumisna đang dùng đôi bàn tay đầy bụi bẩn để phân loại các mảnh nhôm, chai nhựa.
Công việc này có thể giúp những người như chị Pumisna kiếm được vài USD mỗi ngày. Ngoài ra đôi khi họ còn nhặt được những đồng ngoại tệ đã nhàu nát gồm cả USD, Euro và bảng Anh.
“Tôi kiếm tiền để mua sắm, trang trải việc học hành của các con và cả tiền ăn nữa”, người phụ nữ 35 tuổi nói khi đang ngồi dưới hiên nhà dột nát và chia rác vào những thùng khác nhau.
Một lãnh đạo địa phương là ông Ikhsan thì phủ nhận rằng ngành công nghiệp rác của ngôi làng đang ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng. Ông khẳng định những loại rác không thể tái chế sẽ được chuyển đến các xưởng chế biến đậu phụ gần đó để làm chất đốt.
“Rác đem đến lợi nhuận vô cùng lớn cho dân làng chúng tôi, nó giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương“, Ikhsan nhận định.
Lạc quan là vậy nhưng các nhà hoạt động môi trường lại chỉ ra một bức tranh hoàn toàn khác. Rác thải nhựa không thể tái chế sẽ được các nhà máy đốt vào ban đêm, thổi làn khói độc đi khắp ngôi làng. Trong khi đó, những mảnh nhựa siêu nhỏ sẽ lẫn vào nguồn nước sinh hoạt của người dân, gây hại đến sức khỏe.
Hiện tại, Indonesia là quốc gia gây ô nhiễm biển lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Nước này đã cam kết sẽ giảm 70% nguồn rác thải đổ ra biển vào năm 2025.
“Điều đó sẽ gây ra sự tốn kém vô cùng to lớn cho hệ thống y tế cũng như thế hệ con em chúng ta trong việc khắc phục hậu quả của sự ô nhiễm và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên”, nhà hoạt động môi trường Prigi Arisandi nhận định.
“Không chỉ Bangun, hơn 5 ngôi làng khác ở đảo Đông Java cũng đang tham gia vào ngành công nghiệp rác thải”, Arisandi bổ sung.
Trước tình hình đó, những tháng gần đây chính phủ Indonesia đã tăng cường giám sát chất thải nhập khẩu để chống lại việc dần trở thành bãi rác quốc tế. Họ đã gửi trả lại cho Pháp, Australia, Mỹ và Hong Kong những container vi phạm các quy tắc xuất nhập khẩu rác thải sinh hoạt.
Một số địa phương khác của quốc gia này thì tập trung hơn vào chất thải nhựa. Hành khách đi xe bus có thể sử dụng nhựa có thể tái chế để đổi lấy vé xe miễn phí ở Surabaya, thành phố lớn thứ 2 Indonesia. Đảo Bali, điểm nóng du lịch quốc gia thì đã ban hành lệnh cấm sử dụng loại nhựa không thể tái chế.
Dẫu vậy, đối với những người dân nghèo ở Bangun, “Rác là kho báu”, Keman nói. “Sau khi tìm kiếm, phân loại vào buổi sáng, đến tối chúng sẽ biến thành tiền”.
Phương Linh
Theo Trí Thức Trẻ/AFP