“Tôi tin rằng Gojek sẽ vô địch khu vực Đông Nam Á. Nên như vậy và cần như vậy. Ngay cả khi các đối thủ cạnh tranh của Gojek có thể có rất nhiều tiền, tôi nghĩ tiền không phải là tất cả”, nhà tài phiệt – ông trùm ngành năng lượng của Indonesia, Garibaldi Thohir, người vừa được bổ nhiệm là Ủy viên Chủ tịch để lãnh đạo Ban giám đốc không điều hành của Gojek chia sẻ.
Cuối tuần trước, tại Jakarta, công ty mẹ của GoViet là Gojek đã tuyên bố sẽ tập trung vào chiến lược mở rộng thị trường quốc tế, nâng tỷ trọng của thị trường ngoài Indonesia lên bằng với tỷ trọng thị trường trong nước, so với tỷ lệ 20% – 80% hiện nay.
Việt Nam được coi là một trong những thị trường trọng điểm trong chiến lược này, với công ty liên kết GoViet, và hiện đang chiếm 60% tổng số người dùng trên thị trường quốc tế của Gojek.
Đây là một phần nội dung của bản kế hoạch và tầm nhìn của Gojek, được hai đồng CEO mới của Tập đoàn là ông Kevin Aluwi và ông Andre Soelistyo công bố, sau khi Founder kiêm cựu CEO Nadiem Makarim từ chức, sau khi vị này được Tổng thống Indonesia bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hoá.
Theo bản kế hoạch này, Gojek sẽ trở thành một công ty toàn cầu thực thụ, cân bằng giữa tăng trưởng và phát triển bền vững, tập trung hơn nữa vào người dùng, và xây dựng một nơi làm việc đẳng cấp thế giới.
Việt Nam là thị trường quốc tế đầu tiên và phát triển nhanh nhất của Gojek. Vào tháng 8/2019, sau đúng một năm hoạt động, GoViet đã công bố cán mốc 100 triệu cuốc xe, kết nối hơn 125 nghìn đối tác tài xế với hàng triệu khách hàng và 70 nghìn đối tác nhà hàng. Trong 2 tháng qua, GoViet đã phát triển thêm 25 nghìn đối tác tài xế và hơn 10 nghìn nhà hàng, tăng thêm hàng trăm nghìn người dùng với hàng triệu chuyến đi mới.
Bất chấp việc liên tục thay CEO, GoViet cho biết công ty đang tập trung đẩy mạnh việc cải thiện trải nghiệm khách hàng về tính an toàn và tính tin cậy, hoàn thiện các quy trình và cơ chế quản trị mới theo chuẩn mực toàn cầu, và chuyển dịch dần từ mô hình “tăng trưởng dựa trên khuyến mại” sang “tăng trưởng dựa trên sản phẩm” theo định hướng của tập đoàn.
Kế hoạch của Gojek bao gồm trở thành một công ty toàn cầu, tiến tới IPO (Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng). Để đạt được điều đó, Gojek sẽ tập trung vào việc phát triển ba nhóm sản phẩm chính là Dịch vụ vận tải, Thanh toán và các dịch vụ tài chính, và Giao nhận thực phẩm. Gojek cũng có kế hoạch đầu tư vào các công cụ và sáng kiến mới cùng với các nền tảng công nghệ mới.
Gojek đang tiến gần đến mục tiêu huy động 2 tỷ USD từ nay đến cuối năm từ các nhà đầu tư lớn như Google, Tencent, JD, Mitsubishi, Visa, AIA, Astra, etc.
“Tôi tin rằng Gojek sẽ vô địch khu vực Đông Nam Á”, nhà tài phiệt – ông trùm ngành năng lượng của Indonesia, Garibaldi Thohir, người vừa được bổ nhiệm là Uỷ viên Chủ tịch để lãnh đạo Ban giám đốc không điều hành của Gojek, chia sẻ trong một bài phỏng vấn. “Nên như vậy và cần như vậy. Ngay cả khi các đối thủ cạnh tranh của Gojek có thể có rất nhiều tiền, tôi nghĩ tiền không phải là tất cả.”
“Chúng ta cần nhìn nhận mọi việc ở góc độ sự tăng trưởng”, ông Garibaldi nói thêm. “Sự tăng trưởng của Gojek ở Việt Nam và Thái Lan là phi thường. Ở Đông Nam Á, Indonesia hiện đang là thị trường lớn nhất. Ai có thể chiếm lĩnh được thị trường Indonesia thì sẽ trở thành nhà vô địch, vì Indonesia đại diện cho 1/2 thị trường Đông Nam Á.”
Việc Việt Nam chiếm tới 60% tổng số người dùng trên thị trường quốc tế của Gojek không có gì kỳ lạ. Ngoài Indonesia, Gojek hiện chỉ hoạt động tại Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Xét về dân số, Việt Nam có 96 triệu dân, trong khi số dân ở Thái Lan ở mức 68 triệu, còn dân số của quốc đảo sư tử Singapore là gần 6 triệu người.
Bên cạnh đó, Gojek với thương hiệu GoViet, gia nhập thị trường Việt Nam vào giữa năm 2018, khi thị trường đã được “educate” (tạm dịch: khai phá) bởi Uber, Grab và một loạt các startup gọi xe Việt từ trước đó.
Theo Trí Thức Trẻ