Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Startup Tala giúp hàng triệu người nghèo vay không thế chấp hơn 1 tỷ USD thông qua smartphone

Là một trong số ít những dịch vụ cung cấp tín dụng cho người nghèo, ứng dụng Tala của nữ doanh nhân Soriya đến nay đã phục vụ hơn 4 triệu khách hàng và được định giá hơn 800 triệu USD.

Trên toàn cầu, có hơn 4 tỷ người rơi vào tình trạng không có bất kỳ tài sản nào để đảm bảo khoản vay phát triển cuộc sống và 1,7 tỷ người trong số đó thậm chí không thể mở tài khoản ngân hàng.

Theo Diego Zuluaga, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Tài chính và Tiền tệ Thay thế thuộc Viện Cato (Cato Institute’s Center for Monetary & Financial Alternatives), nếu nền kinh tế thế giới cho phép hàng tỷ người nghèo tiếp cận các định chế tín dụng và đầu tư ở các nước phát triển, tài sản tài chính có thể gia tăng đến 100 nghìn tỷ USD trong vòng 50 năm tới.

Để đáp ứng nhu cầu này, người phụ nữ Mỹ gốc Ấn Shivani Siroya đã tạo nên ứng dụng cho vay Tala. 

Nhà sáng lập kiêm CEO của Tala tốt nghiệp ngành tài chính tại Đại học Columbia và làm chuyên viên phân tích của Credit Suisse và UBS. 

Đến năm 2006, Siroya chuyển sang làm việc cho Liên Hiệp Quốc trong vai trò nhà phân tích các khoản tín dụng vi mô ở khu vực hạ Sahara và Tây Phi. Cô theo dõi hồ sơ tín dụng của hàng nghìn phụ nữ nghèo và nhận thấy toàn bộ hệ thống ngân hàng nơi đây đều từ chối những khoản vay của họ.

Nếu ngân hàng chỉ thấy rủi ro trong nhóm khách hàng này, Soriya lại tìm thấy cơ hội. Trong vai trò tình nguyện viên của Liên Hiệp Quốc, cô phỏng vấn hơn 3500 phụ nữ về cách họ kiếm tiền, nhu cầu chi tiêu, thói quen tiết kiệm và kỳ vọng vay mượn.

Đến năm 2011, Soriya bắt đầu xây dựng ứng dụng Tala như một cơ chế tài chính vi mô cung cấp tín dụng cho người nghèo ở các nước đang phát triển. 

Công ty của Soriya thu thập dữ liệu về cước gọi di động thay cho chấm điểm tín dụng, theo dõi thói quen chi tiêu của người vay, đặc biệt là cách họ chi trả cước phí điện thoại để quyết định mức độ rủi ro và sự cần thiết của khoản vay.

Tala nhận được hơn 200 triệu USD đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm như quỹ Revolution Growth của tỷ phú Steve Case, Paypal, Data Collective, Lowercase Capital và RPS Ventures của Kabir Misra.

Hiện tại, công ty phục vụ hơn 4 triệu khách hàng ở các nước Kenya, Philippines, Tanzania, Mexico và Ấn Độ với tổng giá trị khoản vay lên đến hơn 1 tỷ USD. Giá trị của mỗi khoản vay dao động từ 10 đến 500 USD. 

Hầu hết khách hàng của Tala dùng tiền để mua sắm những nhu yếu phẩm hằng ngày hoặc đầu tư kinh doanh nhỏ lẻ. Nguồn tín dụng hiếm hoi này thực sự giúp cho hàng triệu người cải thiện cuộc sống của mình.

Lãi suất cho vay của Tala nằm ở mức 10-15% một tháng. Hiện công ty được định giá hơn 800 triệu USD và có khoảng 600 nhân viên trên toàn cầu. Các chuyên gia ước tính doanh thu của Tala trong năm 2019 khoảng 100 triệu USD. Công ty cũng công bố kế hoạch tiếp cận sâu hơn thị trường Tây Phi, Đông Nam Á và châu Mỹ-Latin. Một số sản phẩm mới của Tala, như bảo hiểm y tế vi mô và chương trình giáo dục tài chính sẽ xuất hiện trong năm 2020.

Người phụ nữ nghèo ở châu Phi hay một cặp vợ chồng sinh sống trong khu ọp ẹp thuộc miền Nam Philippines có thể tìm được ứng dụng Tala cho vay thông qua smartphone. Có một trường hợp “thoát nghèo” nhờ Tala là cô Dingle (Philippines)

Sau khi đăng ký và kiểm tra, Tala cho gia đình cô này vay 20 USD trong 1 tháng với lãi suất 15%. Họ dùng số tiền này mua hamburger và hotdog, bán lại cho mọi người. Sau khi trả hết vốn và lãi vay, cô còn lời 4 USD. 

Những khoản vay tương tự của Tala giúp Dingle tiếp cận cơ hội kinh doanh. Hiện tại, Dingle đang vay Tala 250 USD nhằm kinh doanh thức ăn. Lợi nhuận hàng tháng của cửa hàng cô là 280 USD và cải thiện đáng kể thu nhập gia đình. Ba vợ chồng Dingle đã chuyển đến quận Batasan Hill (thành phố Quezon) để sinh sống trong căn hộ 2 phòng ngủ.

Ứng Minh

Theo Trí Thức Trẻ