Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Startup Singapore tuyên bố xin mở ngân hàng ảo

Được thành lập vào năm 2014, Instarem xử lý giao dịch với tổng trị giá nhiều tỷ USD mỗi năm…

Startup Singapore tuyên bố xin mở ngân hàng ảo

Instarem, một công ty khởi nghiệp (startup) của Singapore trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới, đang tìm kiếm đối tác trong lĩnh vực cho vay để hoàn tất hồ sơ xin cấp phép ngân hàng chỉ hoạt động trong không gian kỹ thuật số.

Theo hãng tin Bloomberg, vào hôm thứ Sáu tuần trước, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương nước này, tuyên bố sẽ cấp tối đa 2 giấy phép ngân hàng số đầy đủ dịch vụ, và 3 giấy phép ngân hàng số bán buôn. Các ngân hàng được cấp phép sẽ chỉ có hoạt động trong không gian ảo.

Sau tuyên bố trên của MAS, đã có nhà mạng viễn thông SingTel, công ty ứng dụng gọi xe Grab, và công ty cung cấp các sản phẩm dành cho người chơi game Razer bày tỏ quan tâm. Tuy nhiên, Instarem là công ty đầu tiên cho biết sẽ nộp hồ sơ xin cấp phép ngân hàng số.

Ant Financial, công ty tài chính thuộc hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, cũng tỏ ra hào hứng với tuyên bố của MAS, cho rằng việc MAS cấp phép ngân hàng ảo sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp tài chính. Tuy nhiên, Ant Financial không cho biết kế hoạch cụ thể của mình là gì.

Được thành lập vào năm 2014, Instarem chịu sự quản lý của cơ quan chức năng Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Singapore, Canada, Hồng Kông, Ấn Độ, Australia và Malaysia. Mỗi năm, công ty này xử lý giao dịch với tổng trị giá nhiều tỷ USD cho các ngân hàng, định chế thanh toán và người sử dụng nhỏ lẻ trên toàn thế giới.

“Instarem vốn đã cung cấp các dịch vụ tương tự như giao dịch trong một ngân hàng, nên việc mở ngân hàng số sẽ là một sự mở rộng tự nhiên đối với chúng tôi”, Tổng giám đốc (CEO) Prajit Nanu nói với Bloomberg. “Một lĩnh vực quan trọng mà chúng tôi có khả năng hạn chế là hoạt động cho vay, và chúng tôi sẽ phải tìm đối tác có kinh nghiệm về cho vay và cùng trình độ về công nghệ”.

Theo Thăng Điệp

VnEconomy