Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Sở hữu cơ sở vật chất tốt hơn, vì sao khách sạn truyền thống vẫn thua homestay?

Homestay đang ngày càng phổ biến, cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời với chi phí hợp lý. Nhưng ở chiều ngược lại, loại hình lưu trú này đang là mối đe dọa không nhỏ với các khách sạn truyền thống.

Xuất hiện tại sự kiện Ngày du lịch trực tuyến 2019, chị Nguyễn Thảo Anh, Contract manager của Tripi kể một ví dụ nhỏ về sự ảnh hưởng của homestay đến khách sạn truyền thống như sau.

“Tôi có một người bạn ở Ninh Bình. Anh có 1 cái bungalow mở ra cách đây 7-8 năm gì đó. Trong những năm 2013 – 2014 tỷ suất lấp đầy vào khoảng 90%. So với hiện tại, con số đã không còn khả quan được như vậy”.

Không tiết lộ chi tiết về tình hình kinh doanh của người bạn nói trên, nhưng chị Thảo Anh cho biết nguồn cơn sự đi xuống bắt đầu từ khoảng 2014-2015, khi Airbnb xuất hiện, tạo ra xu hướng lưu trú tại các homestay thay vì khách sạn truyền thống. Từ chỗ ban đầu hướng đến phục vụ đối tượng chủ yếu là du khách nước ngoài, mong muốn trải nghiệm sinh hoạt như một người bản địa, mô hình homestay ngày càng phát triển và được ưa chuộng bởi chính nhu cầu trải nghiệm của người Việt.

Theo báo cáo Homesharing Vietnam Insights 2019 công bố gần đây của Outbox Consulting, chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm, số lượng homestay/phòng đăng ký cho thuê trên Airbnb tại Việt Nam tăng gấp hơn 40 lần, từ con số 1.000 trong năm 2015 lên tới hơn 40.000 vào đầu năm 2019. Tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, tốc độ tăng tưởng mỗi năm luôn dao động quanh khoảng 100%.

“Homestay có cơ sở vật chất chưa chắc bằng khách sạn truyền thống, tuy nhiên họ có điểm khác là đi sâu vào trải nghiệm khách hàng. Mỗi homestay thường có quy mô nhỏ nhưng nhờ vậy, họ có thể quan tâm tới từng khách. Chưa kể, thiết kế trong homestay lại đi sâu vào văn hóa khác biệt của từng khu vực”, đại diện Tripi lý giải sức hút của homestay với khách hàng.

Ngoài ra, nhiều người trẻ hiện nay cũng cho biết so với khách sạn truyền thống, homestay có giá cả hợp lý hơn. Đặc biệt, khi du lịch theo nhóm, việc thuê cả căn nhà sẽ tiết kiệm hơn và họ có toàn quyền sử dụng dịch vụ tại đó mà không phải chia sẻ với bất kỳ một người lạ nào.

Chưa kể các dịch vụ trọn gói tại khách sạn như bữa ăn cố định trong ngày, giới hạn thời gian thuê phương tiện di chuyển… sẽ chi phối lịch trình khiến khách hàng rơi vào tình trạng bị động. Trong khi thuê homestay, họ có thể chọn lựa tham gia hoặc bỏ qua các dịch vụ đi kèm để linh hoạt thay đổi lịch trình chuyến du lịch của mình.

Để tạo ra hướng đi mới cho khách sạn trong cuộc chiến cạnh tranh gay gắt với homestay, đại diện Tripi đưa ra một số biện pháp như sau:

Tăng tính trải nghiệm cho khách hàng: Theo đó, các khách sạn nên đi sâu vào tính bản địa, văn hóa vùng miền, dùng công nghệ để giao tiếp với khách hàng nhanh hơn và thuận tiện hơn. Ví dụ dùng khóa từ để việc ra vào phòng ở dễ dàng hơn.

Đa dạng hóa kênh bán hàng: Khách hàng hiện nay có xu hướng mua online dựa trên hai yếu tố là hình ảnh và review, do đó khách sạn truyền thống nên đa dạng các kênh online từ bán trên các OTA (Online Travel Agent), xây dựng website đặt phòng trực tuyến cho đến bán phòng qua fanpage Facebook

Hướng tới môi trường: Xu hướng du lịch xanh hiện đang lên ngôi. Để tận dụng xu hướng này, các khách sạn có thể áp dụng một số biện pháp giúp hạn chế rác thải nhựa như thay chai nước nhựa bằng bình thủy tinh, có hệ thống cung cấp nước lọc chung cho khách hàng,…Việc này vừa giúp khách sạn tiết kiệm chi phí, vừa tạo ấn tượng tốt với khách hàng khi hàng trăm chai nhựa mỗi ngày có thể giảm đi.

Nhật Anh

Theo Trí Thức Trẻ