Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Siêu lợi nhuận của công ty thẻ nhựa lớn nhất Việt Nam

Chỉ có vốn điều lệ khiêm tốn 100 tỷ đồng, Công ty MK Smart thu về lợi nhuận 95 tỷ đồng trong năm 2016.

Theo số liệu của Vụ Thanh Toán (NHNN), tính đến hết quý 1/2019, Việt Nam có khoảng 158 triệu thẻ ngân hàng đã phát hành. Với dân số 100 triệu dân, tính trung bình mỗi người dân sở hữu gần 1,6 chiếc thẻ.

Đó mới chỉ là số lượng thẻ ngân hàng đang lưu hành trên thị trường. Với việc Chính phủ khuyến khích thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, những chiếc thẻ nhựa ngày càng trở nên phổ biến. Ngoài thẻ thanh toán ngân hàng như thẻ ATM hay thẻ tín dụng, thị trường thẻ còn có 2 mảng quan trọng khác là thẻ SIM viễn thông và các loại thẻ đại chúng – như thẻ nhân viên, thẻ chìa khoá khách sạn, các loại thẻ VIP, thẻ thành viên hay thẻ bảo hành sản phẩm… Với tổng số lượng thẻ còn lớn hơn nhiều lần so với thẻ ngân hàng.

Thị trường thẻ có quy mô càng lớn, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thẻ càng ăn nên làm ra. Hiện tại, có khoảng hơn chục nhà cung cấp trong và ngoài nước đang chia nhau miếng bánh phát hành thẻ. Trong đó, MK Smart của Việt Nam có thị phần lớn nhờ tham gia thị trường khá sớm và là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đủ năng lực sản xuất thẻ thông minh theo chuẩn của VISA và Master Card, đồng thời đủ năng lực và công nghệ để sản xuất thẻ gắn chip.

Năm 2007, MK Smart nhận được 4 triệu USD đầu tư từ quỹ Mekong Capital. Quỹ này sau đó đã thoái toàn bộ vốn vào năm 2013. Đến năm 2015, Dai Nippon Printing, công ty chuyên cung cấp các giải pháp in ấn và thẻ thông minh của Nhật Bản, rót 1 tỷ Yên (tương đương khoảng 200 tỷ đồng) để mua lại 36,33% cổ phần tại MK Smart.

Sau khi có nguồn vốn đầu tư từ đối tác Nhật, MK Smart tiến hành mở rộng hoạt động thông qua việc xây dựng thêm nhà máy và thực hiện các đơn hàng thẻ thông minh từ các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại khu vực Đông Nam Á. Đến nay, công ty có 2 nhà máy sản xuất thẻ với tổng công suất khoảng 140 triệu thẻ mỗi năm.

Đáng chú ý, dù chỉ có vốn điều lệ khiêm tốn 100 tỷ đồng, hoạt động sản xuất thẻ mang về cho MK Smart lợi nhuận rất cao. Năm 2016, công ty đạt doanh thu 448 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với năm 2015. Việc mở rộng quy mô và thực hiện các hợp đồng với khách hàng nước ngoài đã giúp MK Smart tăng hiệu quả tài chính. Biên lợi nhuận gộp năm 2016 đạt 33,2%, tăng mạnh so với mức 24% năm trước đó.

Lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2016 đạt 95 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với mức 35 tỷ đồng năm 2015. Công ty ghi nhận lãi lũy kế tính đến cuối năm 2016 đạt 208 tỷ đồng

Tính đến cuối năm 2017, MK Smart dẫn đầu thị phần thẻ ngân hàng với 80% số lượng thẻ nội địa phát hành. Mặc dù vậy, hơn một nửa doanh thu của công ty lại đến từ các thị trường nước ngoài.

Với việc thúc đẩy hoạt động số hóa, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt, thị trường thẻ trong nước tiếp tục cho thấy nhiều dư địa phát triển. Trong năm nay, các thẻ ATM tại việt Nam sẽ được chip hóa theo chuẩn EMV, dự kiến khoảng 30% số lượng thẻ ATM trên thị trường sẽ được chuyển đổi sang thẻ chip và đến năm 2021, toàn bộ 75 triệu thẻ ATM được đổi sang thẻ chip. Đây là cơ hội lớn của MK Smart khi công ty gần như độc quyền trong lĩnh vực sản xuất loại thẻ này tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, tương lai của những công ty sản xuất thẻ như MK Smart không chỉ toàn gam màu sáng. Những ý tưởng chia tay với chiếc thẻ nhựa trong thanh toán điện tử đã nhen nhóm ở vài nước phát triển, với sự hậu thuẫn của các đại gia công nghệ (Big Tech) và các startup công nghệ tài chính (Fintech).

Hàng loạt công nghệ đang thúc đẩy tiến trình bỏ qua chiếc thẻ vật lý trong thanh toán (cardless), ít nhất cũng đang tồn tại khoảng 3 xu hướng nổi bật. Đi từ phổ biến nhất là tích hợp chiếc thẻ vật lý vào trong thiết bị di động.

Có thể thấy một vài tên tuổi nổi bật như Apple Pay (Apple), Samsung Pay (Samsung), Paypal Here (Paypal), Local Register (Amazon), Square Register (Square)… Các dịch vụ này đều đã có mặt tại Mỹ. Riêng Samsung Pay đã vận hành ở Việt Nam, với gần 400.000 người dùng, 500.000 giao dịch, giá trị thanh toán gần 350 tỷ đồng sau 6 tháng đầu đi vào hoạt động

Xu hướng kế tiếp là ví điện tử. Tại Việt Nam, với sự xuất hiện của hàng chục loại ví điện tử, người dùng ngày nay không cần tới thẻ mà chỉ cần khởi động ứng dụng trên điện thoại là có thể trả các hóa đơn, mua các loại vé, thẻ quà tặng…và nhận thêm điểm tích lũy, giảm giá.

Một “sát thủ” khác là QR code, với tính tiện lợi và đơn giản có thể khiến người dùng không cần mang theo chiếc thẻ nhựa. Tại Trung Quốc, gần một tỷ người đang mua sắm và thanh toán bằng các ứng dụng điện thoại, chủ yếu qua hình thức QR code. Thành quả này nhờ vào “tứ trụ” công nghệ BATX, tức Baidu – Alibaba – Tencent – Xiaomi. Tại Việt Nam, QR Code cũng đang phát triển rất nhanh tại các ngân hàng, hệ thống bán lẻ, cửa hàng,…

Theo The LEADER