Hoạt động của Grab hiện nay mở rộng từ gọi xe, sang giao đồ ăn, thanh toán di động, tạo ra nguồn thu nhập cho trên 9 triệu người tại Đông Nam Á.
Đồng sáng lập Grab – một trong những startup công nghệ giá trị nhất Đông Nam Á hiện nay nói rằng mảng kinh doanh thanh toán và gọi xe của họ vừa giúp ích cho xã hội lại vừa tạo ra ý nghĩa về mặt tài chính.
Tan Hooi Ling nhấn mạnh rằng ý tưởng về “con đường đến mục tiêu có lãi” và “tính kinh tế” – thường được nhắc đến trong những cuộc tranh luận về giá trị của các công ty công nghệ Mỹ như Uber và WeWork “không có gì mới lạ” với Grab.
Điều được nhắc đi nhắc lại nhiều lần với những công ty này “không ảnh hưởng gì tới việc chúng tôi nghĩ như thế nào về tương lai của Grab”, Tan khẳng định.
Hoạt động của Grab hiện nay mở rộng từ gọi xe, sang giao đồ ăn, thanh toán di động, tạo ra nguồn thu nhập cho trên 9 triệu người tại Đông Nam Á. Thời điểm năm 2012, Tan và người bạn học Harvard của cô là Anthony Tan đã thành lập nên ứng dụng đặt xe gọi là Grab tại Malaysia để giải quyết “một vấn đề rất lớn là an toàn”.
“Nếu bạn tìm kiếm trên Google hãng taxi tồi tệ nhất thế giới khoảng 7 năm trước, 2 trang đầu tiên chắc chắn là ở Kuala Lumpur”.
Ý tưởng đến từ một bài tập xây dựng doanh nghiệp tại Harvard. Mô hình này tập trung vào việc phục vụ và mang lại lợi ích cho những thị trường có thu nhập thấp, thường là những quốc gia đang phát triển.
“Chúng tôi nhận ra bạn vừa có thể xây dựng các doanh nghiệp bền vững có lợi nhuận, vừa mang lại lợi ích kinh tế xã hội và giá trị cho khách hàng”.
Doanh nghiệp mà Grab nhắm tới xây dựng phải có 2 tiêu chí. Vừa “cần có tài chính ổn định” vừa “cần bổ sung thêm giá trị theo nhiều cách khác nhau như giá trị kinh tế, giá trị xã hội và giá trị giáo dục”.
Grab mở rộng rất nhanh chóng nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh trong khu vực. Công ty đã gia nhập thị trường Philippines, Singapore và Thái Lan vào năm 2013, tới năm 2014, chúng tôi tiếp tục xuất hiện tại Việt Nam và Indonesia.
Dịch vụ thanh toán và giao đồ ăn ra đời vào năm 2016. Grab đã đạt đến cột mốc lớn vào năm ngoái khi mua lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á của Uber. Công ty đã thu hút được nhiều khoản đầu tư từ những công ty lớn như Softbank và Toyota.
Grab hiện hoạt động ở 8 quốc gia trong khu vực. 9 triệu người kiếm được thu nhập thông qua nền tảng của công ty bao gồm lái xe và các đối tác nhà hàng của dịch vụ gọi đồ ăn.
Grab đóng góp 5,8 tỷ USD cho nền kinh tế Đông Nam Á vào năm trước. “Một vài nhà hàng đã tăng gấp đôi doanh thu thông qua chúng tôi trong khi đó 21% lái xe không có việc làm trước khi gia nhập Grab”.
Công ty hiện đã có lãi ở “một số mảng kinh doanh lâu năm tại một vài thị trường chính” tuy nhiên công ty vẫn phải đầu tư rất nhiều để thu hút khách hàng và đối tác và điều này được hỗ trợ bởi nguồn tiền mạnh.
Công ty gần đây được định giá 14,3 tỷ USD và chưa nhắm tới mục tiêu IPO. Với dự đoán nền kinh tế internet ở Đông Nam Á phát triển lên mức 300 tỷ USD trong năm 2025 từ mức 100 tỷ USD năm 2019, Grab sẽ không bỏ qua cơ hội này. Trước mắt công ty vẫn sẽ tập trung vào thị trường Đông Nam Á.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/Nikkei