Tốt nghiệp ngành tài chính kế toán tại TP.HCM, Võ Hùng Thái Thụy không xem nghề của mình chỉ gắn với những con số khô khan như nhiều người vẫn nghĩ, mà tự hào: “Ngành tài chính đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm để gắn với lĩnh vực đào tạo, tư vấn kinh nghiệm đầu tư, kêu gọi vốn và các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp suốt gần hai chục năm qua”.
Tôi làm việc tại nhiều công ty, trong đó có công ty tài chính của Singapore giúp tôi nhiều trải nghiệm. Bắt đầu từ vị trí thấp nhất và sau đó làm giám đốc tài chính. Công ty của họ đều hoạt động có quy trình, làm việc không chủ quan, mà được đào tạo rất bài bản, vận dụng luật rõ ràng với phương châm “Làm đúng ngay từ đầu, từ lúc lập kế hoạch”. Càng làm việc trong lĩnh vực tài chính, tôi càng thấy đam mê, càng ngộ ra vai trò quan trọng của tài chính trong doanh nghiệp…
* Với kinh nghiệm và trải nghiệm trong lĩnh vực tài chính, có dự án nào ông tư vấn, đầu tư không như mong muốn?
– Nhiều năm đi tư vấn, khai thông nguồn vốn cho doanh nghiệp, tôi đã giúp chủ đầu tư biết nguồn tiền xã hội nằm ở đâu, từ nguồn gián tiếp đến nguồn trực tiếp. Bản thân tôi cũng có một số dự án đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và trên sàn chứng khoán Việt Nam. Song cũng có thất bại. Bởi đầu tư tài chính là cuộc chơi mạo hiểm, khó tránh khỏi rủi ro. Trước đây, để đầu tư một dự án, tôi nghĩ chỉ cần kiến thức tài chính là đủ. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, không có một công thức chung nào cho đầu tư tài chính; chỉ có sự trải nghiệm, chủ động tự tin, cộng với kiến thức sẽ chỉ ra một quyết định đầu tư đúng đắn và khả thi.
Kinh nghiệm cho thấy, không có một công thức chung nào cho đầu tư tài chính; chỉ có sự trải nghiệm, chủ động tự tin, cộng với kiến thức sẽ chỉ ra một quyết định đầu tư đúng đắn và khả thi.
* Sau những thất bại, ông rút ra bài học gì?
– Đa số thất bại là do tôi chủ quan và đầu tư theo cảm tính. Thực tế, không ít doanh nghiệp Việt Nam thường đưa ra báo cáo tài chính với những con số rất đẹp và tiềm năng thị trường cũng rất khả quan. Nếu không tìm hiểu kỹ và không có sự tương tác làm việc thực tế, sẽ không biết được độ chính xác bao nhiêu phần trăm của các chỉ số đó thì rất dễ thất bại. Một kinh nghiệm khác mà cũng là yếu tố rủi ro khi đầu tư, đó là năng lượng của một doanh nghiệp cũng tùy thuộc vào độ tuổi của người lãnh đạo. Với một lãnh đạo doanh nghiệp, tâm trạng, độ tuổi và hoài bão của họ có sự ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Khi người chủ doanh nghiệp bị cạn hoài bão mà mình tư vấn đầu tư vào dự án đó thì khả năng thành công rất thấp. Theo kinh nghiệm của tôi, lúc đầu bạn có thể đầu tư theo cảm tính. Nhưng sau đó phải biết định lượng, cân nhắc từng yếu tố như chủ dự án là ai, họ có thực sự thấy thị trường của mình đủ lớn; hay cách tiếp cận thị trường có hiệu quả không, có đủ khả năng thu hút người tài không, có năng lực đưa dự án đến thành công không…
* Trong quá trình tư vấn, theo ông, điểm yếu và khó khăn nào mà các doanh nghiệp thường gặp?
– Đa số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thường được điều hành theo kiểu thuận tiện, nên khi cần vốn, thường làm theo cái gì có sẵn. Thông thường, họ dựa vào nguồn vốn tự có và nguồn vốn của người thân, ngân hàng. Nhược điểm của các nguồn vốn tự có là giới hạn. Còn nguồn vốn gia đình thì rất khó quản lý vì thường mâu thuẫn quyền lợi cũng như mong muốn bảo toàn đồng vốn, đôi lúc bất đồng với tư duy của người chủ doanh nghiệp, khi gặp khó khăn sẽ dễ phát sinh mâu thuẫn và làm khó doanh nghiệp. Với nguồn vốn ngân hàng, việc tiếp cận cũng rất nhiêu khê, đối diện với nhiều thủ tục và phụ thuộc nhiều vào tính khả thi của dự án.
Thực tế cho thấy, hầu hết doanh nghiệp thường không nhìn thấy nguồn cung tiền của xã hội. Giả sử có tìm thấy cũng không có chiến lược để tiếp cận. Trong khi đó, điểm khác lớn nhất của các doanh nghiệp nước ngoài là họ thường có luật sư, có người tư vấn để tiếp cận các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư một cách bài bản, rõ ràng, minh bạch. Đây chính là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư yên tâm rót vốn và thu hút các nguồn tiền khác từ xã hội. Vì vậy, tôi thường tư vấn cho các doanh nghiệp: “Nếu xem tiền là nước thì thay vì đi tìm nước, bạn nên tạo chỗ trũng cho nước chảy về”.
Nếu xem tiền là nước thì thay vì đi tìm nước, bạn nên tạo chỗ trũng cho nước chảy về.
* Và ông đã đi tìm “chỗ trũng” cho “nước” chảy về như thế nào?
– Nhìn thấy bức tranh thị trường tài chính rộng lớn cộng với nhu cầu của doanh nghiệp, tôi quyết định tiên phong, đi tìm “chỗ trũng” cho “nước” của mình và các doanh nghiệp chảy về. Tôi thấy nhiều người có tiền nhưng không có khả năng đánh giá dự án, nhiều người có ý tưởng hay nhưng không biết phát triển ý tưởng thành dự án một cách bài bản. Vì vậy, tôi bắt đầu tập hợp những người có tiền nhàn rỗi, lập ra cộng đồng những người có tiền, có kiến thức đầu tư và một cộng đồng có dự án tốt. Cộng đồng này phải biết rõ tiến trình dự án, phải biết thực hiện một cách hiệu quả những bước đi ban đầu, mô hình hóa mô hình kinh doanh trong thực tế hiệu quả… Để cụ thể hóa kế hoạch này, tôi đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, đào tạo; phối hợp với bạn bè để hướng dẫn và tư vấn cho những người có dự án tốt để họ biết cách trình bày ý tưởng một cách thuyết phục, từ đó thu hút nhà đầu tư.
* Nghề tư vấn tài chính áp lực không khác nghề “mai mối”, ông nghĩ gì về điều này?
– Riêng với tôi, tôi không nghĩ nghề tư vấn tài chính nhiều áp lực. Bởi tôi có hai lợi thế. Một là hoạt động trong cộng đồng doanh nhân lâu năm nên rất hiểu họ muốn gì. Hai là trải nghiệm thực tế trong lĩnh vực tài chính, nên tôi tiếp cận được nhiều góc nhìn của doanh nghiệp, biết được nhiều ý tưởng khác nhau, hiểu doanh nghiệp cần vốn như thế nào và cho tôi cái nhìn tổng thể hơn. Với hai góc nhìn, vừa là chuyên viên, vừa là doanh nhân, khi tiếp cận với các doanh nhân hoặc các dự án, tôi có thể nhìn thấy được ý tưởng độc đáo và tính khả thi của dự án. Biết dự án đó phù hợp với đối tượng khách hàng nào để tư vấn và đưa ra lộ trình thực hiện phù hợp với phương châm: “Làm đúng cái đang sai – làm tốt hơn cái đang có – làm cho có cái chưa có”.
* Tâm lý các doanh nghiệp thường đặt niềm tin vào các nhà tư vấn tài chính hoặc công ty môi giới nước ngoài. Đây cũng là một thách thức cho các công ty trong nước phải không, thưa ông?
– Hiện nay, các công ty môi giới, đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư đổ vào Việt Nam tìm cơ hội đầu tư ngày càng nhiều. Đây cũng là một thách thức đối với các công ty tư vấn, môi giới trong nước. Nói vậy, không có nghĩa các doanh nghiệp tư vấn tài chính trong nước không còn cơ hội. Ngược lại, lợi thế của các doanh nghiệp trong nước là người Việt nên thấu hiểu doanh nghiệp Việt hơn. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài thường xem doanh nghiệp nhỏ và vừa là khách hàng, còn nhà đầu tư trong nước lại xem họ là bạn hàng. Thời gian ban đầu hợp tác với các công ty tư vấn tài chính, có rất nhiều kế hoạch sẽ bị thay đổi theo thực tế, lúc đó, người Việt làm với người Việt sẽ dễ tương đồng, dễ thông cảm trong công việc hơn. Trong khi đó, người nước ngoài rất nguyên tắc, đã đưa ra kế hoạch ban đầu thế nào thì rất khó thay đổi và ít có sự linh hoạt.
* Nhiều năm trải nghiệm trong nghề tư vấn tài chính, “chất men” nào khiến ông luôn luôn tâm huyết với nghề?
– Làm nghề gì cũng có cái duyên, mà đã là duyên thì không bỏ được. Mỗi khi thấy dự án mình tư vấn hoặc môi giới thành công, tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc. Thậm chí, có doanh nghiệp thành công lại cho tôi góp thêm cổ phần. Và đây chính là công sức, giá trị mang ý nghĩa rất lớn mà tôi đã mang đến cho khách hàng.
Làm nghề gì cũng có cái duyên, mà đã là duyên thì không bỏ được. Mỗi khi thấy dự án mình tư vấn hoặc môi giới thành công, tôi luôn cảm thấy vui và hạnh phúc.
* Nếu nhờ ông một tư vấn đắt giá cho doanh nghiệp, ông sẽ tư vấn điều gì?
– Làm doanh nghiệp phải có chữ tín. Đã nói sao thì phải làm vậy. Doanh nghiệp khi chưa phát triển thì nên tìm các nhà đầu tư trong nước để hợp tác làm ăn. Khi doanh nghiệp lớn mạnh, cần sự đột phá nhanh thì cần mời gọi vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Khi hợp tác với các công ty nước ngoài, các doanh nghiệp Việt cần định giá đúng doanh nghiệp trong thời gian nhất định (5 năm, 10 năm) để chào giá không bị… “hớ”. Bên cạnh đó, tất cả sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp phải được bảo hộ từ nền tảng đến thương hiệu. Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ tư vấn giỏi, xác định đúng thời điểm bán cổ phần để có giá tốt.
Làm doanh nghiệp phải có chữ tín. Đã nói sao thì phải làm vậy. Doanh nghiệp khi chưa phát triển thì nên tìm các nhà đầu tư trong nước để hợp tác làm ăn. Khi doanh nghiệp lớn mạnh, cần sự đột phá nhanh thì cần mời gọi vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
* Gần đây, rất nhiều nhà đầu tư đang muốn rót vốn cho các startup. Theo ông, điều gì quan trọng nhất để startup có thể thành công?
– Phong trào khởi nghiệp của các doanh nghiệp startup đang phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, theo thống kê, có đến 90% startup “chết” trong năm đầu tiên vì thiếu kỹ năng và không có nhà đầu tư hỗ trợ. Vì vậy, các startup cần được đào tạo bài bản về kỹ năng, kiến thức và rèn luyện phẩm chất. Sự trung thực, dũng cảm là yếu tố quyết định đến 70% thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp, trong khi kiến thức chỉ chiếm 10%, kỹ năng chỉ chiếm 20%. Sự trung thực, dũng cảm được xem là yếu tố quan trọng vì các doanh nghiệp startup thường phải đối diện với muôn vàn khó khăn, nếu không vượt qua được khó khăn thì không tạo được lòng tin của nhà đầu tư.
Theo thống kê, có đến 90% startup “chết” trong năm đầu tiên vì thiếu kỹ năng và không có nhà đầu tư hỗ trợ. Vì vậy, các startup cần được đào tạo bài bản về kỹ năng, kiến thức và rèn luyện phẩm chất. Sự trung thực, dũng cảm là yếu tố quyết định đến 70% thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp, trong khi kiến thức chỉ chiếm 10%, kỹ năng chỉ chiếm 20%.
* Ông có nhận xét và lời khuyên gì cho các bạn trẻ khởi nghiệp?
– Các bạn trẻ ngày nay được đào tạo, tiếp cận kiến thức, kỹ năng làm việc tốt hơn, nhất là kỹ năng làm việc nhóm. Nhưng muốn startup thành công, các bạn cần có tinh thần bền bỉ, kiên trì, vượt khó… Trước tiên là để tự rèn mình, sau đó để khuất phục được các nhà đầu tư. Một điểm đáng ngại cần phải đề cập đến là, đa số bạn trẻ ngày nay chỉ muốn làm chủ, không muốn làm nhân viên. Các bạn cần sự trải nghiệm từ những công việc nhỏ nhất, vị trí khiêm tốn nhất để trải nghiệm. Sự trải nghiệm này sẽ mang đến cho các bạn những kinh nghiệm startup đáng giá nhất. Một điểm đáng lo nữa là, đa số startup thất bại đều dễ nản chí. Nếu dễ nản chí, sự quay trở lại vạch xuất phát rất khó khăn. Cho nên, đã xác định khởi nghiệp, các bạn trẻ phải luôn nằm lòng phương châm “thất bại là mẹ thành công”.
* Ông có thể chia sẻ một kinh nghiệm thành công mà ông đúc kết được?
– Ngày xưa, tôi vào đời bằng vị trí một nhân viên bình thường, cố gắng khiêm tốn học hỏi, một thời gian, tôi tích lũy được nhiều kỹ năng giao tiếp, phát triển được nhiều mối quan hệ. Từ số vốn quý giá này, tôi đã biết duy trì và phát triển các mối quan hệ để tạo hệ thống chân rết vững chắc cho công việc bây giờ.
* Cảm ơn ông về cuộc chuyện trò này!
Theo DNSG