Gần 20 năm trong lĩnh vực chuyên xử lý chất thải hữu cơ và tái chế thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường là một hành trình không ít thử thách, nhưng Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thảo vẫn giữ nguyên nhiệt huyết và còn nhiều ấp ủ táo bạo cho môi trường thành phố.
Dấn thân thử thách
* Hành trình hơn 19 năm với Sài Gòn Xanh, với ông điều gì đáng nói nhất?
– Chúng tôi góp mặt trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý môi trường và tái chế các sản phẩm hữu ích từ năm 2001. Nhìn lại hành trình từ lúc khởi nghiệp đến nay, những người sáng lập Sài Gòn Xanh thường hay nhắc nhau về một thử thách mà chúng tôi đã nỗ lực để giành thắng lợi cho môi trường thành phố. Năm 2013, nếu ai theo dõi thông tin về môi trường thành phố qua báo chí sẽ biết vụ 4.000 tấn bùn từ nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng gây ô nhiễm mùi hôi rất nghiêm trọng.
Công ty Sài Gòn Xanh đã được chính quyền thành phố mời thử nghiệm xử lý khối bùn gây ô nhiễm này, kèm với yêu cầu phải trả lại sản phẩm đất sạch thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là thách thức với Sài Gòn Xanh, mà còn là với môi trường của thành phố. Chúng tôi tâm niệm, nếu nỗ lực tìm kiếm giải pháp để xử lý thành công khối bùn này, thì không chỉ có 4.000 tấn bùn ở Bình Hưng được xử lý, mà thành phố sẽ có được một giải pháp xử lý môi trường đủ tin cậy để giải quyết vấn đề tương tự về sau.
Và chúng tôi đã thành công. Đó không phải là thành công riêng của Sài Gòn Xanh, mà là thành công chung của những người tâm huyết với công tác quản lý và bảo vệ môi trường thành phố. Sau vụ xử lý 4.000 tấn bùn thải ô nhiễm ở Bình Hưng năm 2013 bằng giải pháp sinh học thân thiện với môi trường và hiệu quả trong việc thu hồi tái chế, Sài Gòn Xanh được chính quyền thành phố trao sự tin tưởng để xây dựng và phát triển Nhà máy Xử lý Bùn thải Sài Gòn Xanh ở Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM).
*Nếu chỉ có quyết tâm và chí hướng của những người sáng lập, hành trình ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý môi trường và tái chế sản phẩm hữu ích có đủ làm nên thành công hay phải có thêm yếu tố nào khác, thưa ông?
– Năm 2001, hành trình của Sài Gòn Xanh được bắt đầu chỉ xuất phát với một dự định nhỏ, tham gia tái chế phụ phẩm nông nghiệp. Nhưng cũng chính từ trải nghiệm ban đầu nho nhỏ ấy, đội ngũ Sài Gòn Xanh đã dần phát hiện ra sức mạnh thật sự của việc áp dụng tối ưu những công nghệ sẵn có vào xử lý môi trường. Ở Sài Gòn Xanh, chúng tôi kiên trì theo đuổi quan điểm BAT (Best Available Technology) trong xử lý môi trường. Nghĩa là, kiên trì tìm kiếm những giải pháp khả dụng nhất chứ không nhất thiết phải là đắt tiền nhất để giải quyết hiệu quả vấn đề môi trường. BAT không phải là điều gì mới mẻ trong lĩnh vực môi trường trên thế giới, nhưng luôn mới mẻ ở từng bối cảnh áp dụng, chẳng hạn ở TP.HCM.
Khi đối mặt với thách thức xử lý 4.000 tấn bùn thải ở Bình Hưng mà tôi đã nói, thành công của Sài Gòn Xanh không phải tự nhiên có được, mà là “trái ngọt” thu hoạch được từ sự kiên định lựa chọn theo đuổi hướng đi nghiên cứu ứng dụng tối ưu những công nghệ tốt nhất hiện có (BAT). Đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên đã vươn lên làm chủ công nghệ khả thi, hiệu quả nhờ những đầu tư nghiên cứu đầy tâm huyết và những trải nghiệm bền bỉ.
* Sau lần trải nghiệm thử thách vào năm 2013, những người trẻ tuổi nhiệt huyết với môi trường năm nào liệu vẫn giữ nguyên được nhiệt huyết để tiếp tục dấn thân cho môi trường thành phố?
– Tôi vẫn thế. Anh em ở Sài Gòn Xanh vẫn thế, dẫu cũng có một số ít anh em thay đổi hướng đi của cuộc đời, bước sang những lựa chọn khác. Tôi vẫn thường nói với anh em ở công ty là ước gì mình được gặp lại một cơ hội thử thách tương tự như năm 2013 đã từng, để mà thỏa chí lao vào giải quyết với đam mê và trách nhiệm. Làm ngành môi trường, không đam mê không được, không trách nhiệm không được.
* Ông đã giữ và truyền ngọn lửa nhiệt huyết ấy đến anh em trong công ty bằng cách nào?
– Câu hỏi đúng vào điều tôi và những anh em tâm huyết nhất ở công ty lo lắng. Đó là đội ngũ kế cận của công ty có giữ vững hướng đi, có kiên định với lựa chọn mà công ty đã xác lập được trong hành xử với môi trường? Trong lĩnh vực môi trường, giá trị doanh nghiệp không đơn giản là doanh thu. Tôi luôn nhắc anh em, mỗi đồng doanh thu có được của một doanh nghiệp môi trường sẽ tương ứng với bao nhiêu giá trị tích cực mà chúng ta làm được cho môi trường, vì môi trường. Khi đó đồng doanh thu đó mới thật sự có ý nghĩa.
Thế là tôi và mấy anh em nòng cốt của công ty bắt tay vào việc hệ thống hóa các giá trị mà doanh nghiệp mình theo đuổi, và muốn anh em trong công ty hiểu rõ để theo đuổi lâu dài. Chúng tôi gọi đó là hệ giá trị Sài Gòn Xanh, được khái quát trong ba từ khóa quan trọng: “tri thức”, “đạo đức”, “hành động”. Tri thức khoa học công nghệ, đạo đức hành xử với môi trường và hành động dấn thân để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
* Trong ba giá trị cốt lõi ấy, giá trị nào ông cho là khó khăn nhất, thử thách nhất để theo đuổi thực hiện?
– Là giá trị đạo đức hành xử với môi trường. Điều đó không hề dễ dàng chút nào, vì chỉ cần xao nhãng chút thôi là lệch hướng, là bị cám dỗ ghê gớm về doanh số, doanh thu, lợi nhuận, đẩy mình về phía ngược lại ngay thôi. Một hợp đồng xử lý môi trường kiểu làm ăn gian dối để lấy tiền bỏ túi mà lại góp phần phá hoại môi trường thì không bao giờ được phép có mặt trên bàn tổng giám đốc. Tôi luôn quán triệt với anh em, giá trị lớn nhất của doanh nghiệp môi trường là giá trị đạo đức, chứ không phải giá trị công nghệ. Và lợi nhuận đáng giá nhất mà doanh nghiệp phải theo đuổi là lợi nhuận về con người. Những gì làm hại con người, môi trường sống, dù có đem lại cơ hội kiếm tiền nhiều cỡ nào thì cũng phải kiên quyết khước từ. Tôi rất tự hào là anh em ở Sài Gòn Xanh luôn chia sẻ và ủng hộ quan điểm này của tôi.
* Ông vừa nói: “Lợi nhuận đáng giá nhất mà doanh nghiệp phải theo đuổi là lợi nhuận về con người”. Vậy chi phí để đạt được lợi nhuận đó sẽ như thế nào, thưa ông?
– Trước hết, đó là chi phí cơ hội, chính xác là cơ hội kiếm tiền. Khi công ty của bạn kiên quyết từ chối một hợp đồng dịch vụ môi trường béo bở nhưng chứa đựng những toan tính xấu cho môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ tặc lưỡi tiếc nuối cơ hội làm ăn. Thú thật, điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Rồi chi phí cho việc bảo vệ con người, những con người đã dấn thân cùng Sài Gòn Xanh, mỗi ngày đang cật lực lao động, tác nghiệp, nghiên cứu vì môi trường. Họ cực khổ chịu đựng công việc trong ngành môi trường, nhất là mảng xử lý chất thải vốn chẳng thơm tho gì, yếu tố độc hại rất cao. Tôi thường không tiếc chi phí để đảm bảo thu nhập ổn định, chăm sóc điều kiện làm việc cho nhân viên. Chẳng hạn, trong thời gian khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua, công ty mua bảo hiểm dịch bệnh cho nhân viên, cam kết giữ công việc và thu nhập cho người lao động, tìm cách hỗ trợ tài chính sau đợt giãn cách xã hội để giúp nhân viên công ty cùng gia đình vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ, những chi phí ấy đều rất đáng giá để có thể thu được lợi nhuận về con người một cách bền vững.
Trăn trở “môi trường thông minh”…
* Dẫn dắt một doanh nghiệp về xử lý môi trường gần 20 năm qua, ông trăn trở điều gì cho môi trường thành phố?
– Tôi và anh em tâm huyết trong công ty luôn trăn trở với câu hỏi: Liệu thành phố chúng ta có đủ tầm nhìn và bản lĩnh để tiếp cận mục tiêu “môi trường thông minh” hay không. Có ba điểm quan trọng xoay quanh mục tiêu này.
Thứ nhất là cách tiếp cận về quản lý và xử lý “môi trường thông minh”, giữ cho môi trường tự nhiên sự cân bằng bền vững nhất. Thật ra, môi trường tự nhiên vốn có sẵn sự cân bằng và năng lực tự điều chỉnh. Quá trình sống của con người, nhất là ở đô thị đã làm tổn thương sâu sắc sự cân bằng này. Các giải pháp về xử lý môi trường không nên đơn giản chỉ là xử lý những vấn đề cụ thể phát sinh như mùi hôi, tình trạng dơ bẩn… mà phải hướng đến việc xử lý tuần hoàn để giữ sự cân bằng của môi trường và khai thác năng lực tự điều chỉnh của môi trường. Xét cho cùng, rác là những gì còn lại của tài nguyên mà con người đã lấy đi từ môi trường nhưng không sử dụng hết, v́ vậy cần nghiên cứu giải pháp để tận dụng tối đa tài nguyên này dựa trên ba nguyên lý: tái sử dụng – giảm thiểu – tái chế.
Vấn đề xử lý chất thải của TP.HCM nếu nhìn theo quan điểm này sẽ nhận ra nhiều bất cập trong chính sách và quyết định quản trị liên quan. Tôi và anh em ở Sài Gòn Xanh kiên trì theo đuổi cách tiếp cận “tuần hoàn – khép kín” trong xử lý rác thải. Tôi nghĩ, các tác động và điều chỉnh của con người đối với môi trường phải hợp quy luật tự nhiên, tìm được sự bền vững trong cân bằng của hệ sinh thái ở đô thị và trả lại cho môi trường tự nhiên nhiều nhất có thể.
Thứ hai là vấn đề lựa chọn công nghệ quản lý và xử lý môi trường phải hướng đến yêu cầu “thông minh”. Chạy theo những công nghệ được quảng bá là hiện đại nhất, đồng nghĩa với đắt tiền nhất nhưng lại quên mất những công nghệ sẵn có tốt nhất và phù hợp với điều kiện hiện có, sẽ là một sai lầm lớn trong cách tiếp cận công nghệ xử lý môi trường. Tôi và anh em ở Sài Gòn Xanh chọn cách khác như đã nói. Đó là nỗ lực tìm kiếm và phát triển công nghệ khả dụng nhất là BAT để tối ưu quá trình xử lý rác, trả lại cho môi trường tự nhiên nhiều nguồn lực nhất có thể – những nguồn lực mà chính con người đã lấy đi và tạo ra sự kiệt quệ, cũng như sự mất cân bằng của môi trường. Khía cạnh “môi trường thông minh” được đặt ra ở đây là “tìm được công nghệ khả dụng nhất với điều kiện Việt Nam (chứ không phải công nghệ hiện đại và đắt tiền nhất) để tối ưu hóa quá trình sử dụng và tận dụng tài nguyên”.
Thứ ba là vấn đề phân loại chất thải tại nguồn – vấn đề mà giới quản lý cũng như giới môi trường đều xem là nan giải, rất khó giải quyết. Nhưng tôi nghĩ nan đề này sẽ giải quyết được nếu đặt vào tầm nhìn phát triển năng lực công dân của thành phố theo định hướng “công dân thông minh”. Và tôi biết, thành phố cũng đang rất mạnh mẽ trong việc theo đuổi mục tiêu xây dựng “thành phố thông minh”, vậy thì không thể bỏ qua đòi hỏi “công dân thông minh”.
* Theo ông, nhận thức của người dân hiện nay trong việc ứng xử với chất thải thế nào?
– Thực tế đến nay cho thấy, nhận thức và hành vi của người dân về ứng xử với chất thải còn chưa tương xứng với yêu cầu xây dựng thành phố thông minh. Xét về nguyên nhân, khía cạnh sâu xa nhất vẫn là việc thành phố chưa thật sự tìm kiếm và áp dụng được một chuỗi giải pháp đầy đủ về xử lý rác khiến cho việc phân loại chất thải tại nguồn nếu có làm được cũng trở nên vô nghĩa, vì rác phân loại rồi lại không có hướng xử lý đúng. Còn xét trên bề mặt, thì khía cạnh trực tiếp là người dân còn chưa tích cực tham gia vào việc phân loại rác.
Giải pháp cho khía cạnh thứ nhất thì thành phố cần chọn cách tiếp cận “tuần hoàn – khép kín” để xây dựng giải pháp tổng thể cho việc xử lý rác thải nói riêng và giữ gìn môi trường thành phố nói chung. Còn giải pháp cho khía cạnh thứ hai cần đến một giải pháp xã hội “thông minh” với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hiện đại, của kịch bản công nghệ “vạn vật Internet” (IoT) có khả năng kết nối với từng hộ dân cư và điều hướng hành vi của người dân trong ứng xử với rác thải hằng ngày ở ngay gia đình họ.
Khía cạnh “môi trường thông minh” ở đây chính là sử dụng hỗ trợ ICT và IoT để kết nối với cư dân và điều hướng hành vi ứng xử với rác thải tại nguồn theo mong muốn của nhà quản lý.
* Trăn trở lớn như vậy có trở thành những hành động cụ thể trong hoạt động doanh nghiệp, để biến thành hiện thực không, thưa ông?
– Kiên trì theo đuổi quan điểm tiếp cận “tuần hoàn – khép kín” và áp dụng BAT, đến nay Nhà máy Xử lý Bùn thải Sài Gòn Xanh ở khu Đa Phước, huyện Bình Chánh mỗi ngày đang tiếp nhận và xử lý khoảng 1.000 tấn bùn theo cách tiếp cận “tuần hoàn – khép kín”, nỗ lực “trả lại” cho môi trường nhiều tài nguyên nhất có thể từ bùn thải. Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học một cách có hệ thống dựa trên BAT, Sài Gòn Xanh đến nay đã làm chủ được nhiều công nghệ khả dụng nhất để xử lý bùn thải và trên nền tảng chung đó, có thể áp dụng để xử lý rác hữu cơ một cách hiệu quả. Các tài nguyên được “trả lại” cho cuộc sống là những sản phẩm hữu ích từ bùn thải như đất trồng cây và phân hữu cơ (Tribat), khí biogas dùng để phát điện (đang trực tiếp sử dụng tại nhà máy và đang liên hệ bán sản lượng điện thừa cho điện lực) hoặc có thể làm nhiên liệu cho lò đốt rác (phương án đang xin chạy thử nghiệm tại nhà máy).
Ngoài đất, phân bón và khí biogas, quy trình công nghệ xử lý bùn còn cho phép trả lại những sản phẩm phụ khác như gạch không nung, đất san lấp dùng trong xây dựng (thu hồi trực tiếp trong quá trình xử lý bùn) và các sản phẩm gốc dầu như nhựa tái chế (thu hồi và xử lý qua công nghệ phù hợp).
Đối với yêu cầu ứng dụng ICT và IoT để phát triển một giải pháp xã hội điều hướng hành vi ứng xử với rác của công dân thành phố, chúng tôi lên kế hoạch hợp tác nghiên cứu cùng với đối tác IT thiết lập một ứng dụng (app) điện thoại thông minh để vận hành một kịch bản tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại cộng đồng dân cư với sự tham gia của họ một cách chủ động và thuận tiện hơn.
Về cơ bản, có thể hình dung những tính năng cơ bản của app điều hướng này là kết nối giữa chính quyền với nhà cung cấp dịch vụ môi trường và người dân, hỗ trợ và khích lệ người dân xử lý chất thải đúng cách, khích lệ trách nhiệm của người dân bằng các cơ chế trao đổi và thưởng phù hợp, tạo kênh phản ánh trực tiếp của người dân đối với trường hợp vi phạm… Bằng sự điều hướng thông qua app, nhà quản lý cũng có thể kiểm soát tốt hơn các luồng di chuyển của rác thải trên địa bàn thành phố và có phương án quản trị thích hợp.
* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ đầy tâm huyết.
Theo DNSG