Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng giám đốc Techcombank: “Những kết quả lớn không bao giờ đến từ sự hời hợt”

“Đã lăn vào thị trường thì phải chấp nhận sự cạnh tranh, vì vậy, phải chuẩn bị. Cách tốt nhất để chuẩn bị là tôn trọng những gì đối thủ cạnh tranh đang có và học hỏi để mình mạnh hơn, tốt hơn”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Lê Quốc Anh – Tổng giám đốc Techcombank.

Trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay, Techcombank đang dẫn đầu về hiệu quả hoạt động. Suốt 5 năm, ngân hàng này giữ nhịp độ tăng trưởng không ngừng, trong đó có hai năm tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Còn tính theo quý, hết quý II năm nay, ngân hàng đã ghi nhận tăng trưởng15 quý liên tiếp.

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, Techcombank vẫn giữ phong độ đi lên và lợi nhuận xấp xỉ 5,7 nghìn tỷ đồng – cao kỷ lục trong bán niên hoạt động từ trước tới nay của ngân hàng 26 năm tuổi này.

* Thưa ông, để được xem là một trong những ngôi sao sáng nhất trên “bầu trời” ngân hàng, theo ông, bí quyết nào đã mang lại thành công này?

– Bí quyết của chúng tôi đó là niềm tin, tin vào con người Techcombank, vào khách hàng và vào tương lai phía trước. Nếu không có niềm tin, cứ bán tín bán nghi thì sẽ chỉ làm nửa vời, khi ấy kết quả sẽ không thể đạt được.

Chúng tôi luôn tự hào có đội ngũ hơn 10.000 người ngày hôm nay là thành quả quan trọng nhất mà ngân hàng tích lũy được, họ là những người đã xây dựng tên tuổi Techcombank hôm nay. Đội ngũ lãnh đạo rất thành công trong việc truyền cảm hứng cho cán bộ nhân viên tin tưởng vào đường hướng để cùng nhau xây dựng tầm vóc cho ngân hàng.

Theo tôi, người ta chỉ thành công khi làm việc một cách tận tâm, chuyên sâu; những kết quả lớn không bao giờ đến từ sự hời hợt. Việc xây dựng và giữ lòng tin phải xuất phát từ cả hai phía, nhưng với người lãnh đạo quan trọng hơn bởi nếu chẳng may vì một lý do nào đó, mình đánh mất niềm tin hay lòng tin của nhân viên thì việc vận hành sẽ chậm lại và thành công khó có thể đến.

Niềm tin giữa cán bộ nhân viên và lãnh đạo ngân hàng với nhau không chỉ dựa trên cảm quan mà luôn có sự đồng nhất giữa lời nói với việc làm. Mục tiêu mà chúng tôi cùng hướng đến không phải là tiền, mà là các dịch vụ trong ngân hàng và cao hơn đó là làm sao thay đổi được thói quen dùng tiền để cải thiện đời sống của người dân.

Ví dụ như chương trình “E-Banking 0 đồng” miễn phí giao dịch chuyển tiền. Nếu lúc đầu cán bộ nhân viên không hiểu, không tin thì ngân hàng sẽ không triển khai tốt, và chỉ khi có niềm tin rồi, họ giới thiệu cho khách hàng, khách hàng dùng thấy hay rồi lại giới thiệu cho người quen… Ngày càng có nhiều hơn khách hàng dùng dịch vụ, như năm nay Techcombank đã có thêm đến 1 triệu khách hàng mới sử dụng ngân hàng điện tử.

* Hơn chục năm trước, Techcombank đã chú trọng đến bán lẻ – một điều rất khác biệt so với các ngân hàng lúc bấy giờ, sau đó lại tập trung vào chiến lược đặt khách hàng là trọng tâm, phải chăng đây là mô hình nào đó của nước ngoài?

– Đúng vậy. Mô hình mà Techcombank đang áp dụng khá phức tạp và rất khác so với các ngân hàng trong nước khác. Ngay trong thời gian đầu triển khai, vượt qua những khó khăn đã đem đến cho chúng tôi sự thành công, đó là nâng cao chất lượng nhân sự.

Trong mô hình hoạt động hiện nay, nhân sự Techcombank được quản lý với mô hình hiện đại của các thị trường phát triển trên thế giới nên rất được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Hoặc như trong việc xây dựng định vị thương hiệu và đặt trải nghiệm của khách hàng làm trọng tâm, dù cách thức thực hiện phức tạp hơn, đòi hỏi sự chuyên sâu hơn của toàn bộ máy, song nhờ chuyên tâm, thống nhất của nhân sự nên kết quả đạt được vẫn cao hơn, từ đó dẫn tới những kết quả kinh doanh tốt hơn như thể hiện trong mấy năm vừa qua.

* Techcombank từng có đối tác chiến lược nước ngoài, có hay không sự ảnh hưởng của họ đến chiến lược hoạt động của ngân hàng những năm gần đây?

– Có thể khẳng định rằng, chiến lược và chuyển đổi tại Techcombank là do tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên cùng định hướng, xây dựng và thực hiện, chứ không nhận được từ một đối tác hay nhà đầu tư chiến lược nào.

Trong giai đoạn 2016-2020, Techcombank thực hiện chương trình chuyển đổi, giai đoạn đầu tập trung định hướng kinh doanh và chuẩn bị nguồn nhân lực. Thành công chúng tôi có được là đã định hướng được cho toàn thể 10.000 cán bộ nhân viên cùng chung một mục tiêu, một định hướng như nhau, giúp mọi người hiểu và tăng được năng lực của bản thân, nhờ vậy tốc độ phát triển tăng rất nhanh.

* Trước giai đoạn chuyển đổi, Techcombank có khoảng ba năm khá chùng trên thị trường, đây là thời gian chuẩn bị sức bật cho giai đoạn sau này, hay bị ảnh hưởng bởi sự ra đi của HSBC?

– Vấn đề HSBC rút vốn khỏi Techcombank không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh. HSBC thoái vốn năm 2017 là có lý do riêng buộc họ phải rút khỏi rất nhiều nơi đầu tư trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Còn đối với Techcombank, những năm 2009-2015, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã ảnh hưởng tới Việt Nam nói chung và tất cả ngân hàng tại Việt Nam nói riêng, Techcombank cũng không ngoại lệ. Nhưng thời gian thị trường chùng xuống lại là thời điểm chúng tôi tập trung xây dựng chiến lược cho giai đoạn sau này.

Techcombank bắt đầu thay đổi về mặt tư duy, bắt tay vào xây dựng chiến lược, và chọn lại hướng kinh doanh. Ban lãnh đạo quyết định xây dựng chiến lược thay đổi đồng loạt, từ mô hình kinh doanh cho khách hàng bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp trung, vừa và khách hàng lớn…

* Trong chiến lược 2016-2020, Techcombank đã thực hiện được những gì?

– Mỗi chặng đường ta qua đều có khó khăn. Nếu dừng chân lâu quá thì sẽ chán không muốn đi nữa. Chúng tôi không thể đứng lại nơi nào lâu quá, hay là để mỏi chân không muốn đi nữa. Đến nay, nhìn lại chặng đường đã qua, Techcombank tự hào rằng đã đạt gần như 100% toàn bộ chỉ tiêu đề ra với mức tăng trưởng bình quân 20-30% mỗi năm.

Cụ thể, nếu nhìn vào báo cáo tài chính các năm 2016, 2017 và 2018, các chỉ tiêu tài chính đều đạt. Năm nay, chúng tôi cũng tự tin sẽ như vậy, thậm chí là dư sức. Để có được những con số này, có được những điều thể hiện ra bên ngoài mà mọi người thấy được, tất nhiên chúng tôi đã phải hoàn thành các chỉ số chiến lược trọng tâm.

Năm 2019 là giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển đổi ở Techcombank. Song song với những kết quả đạt được, ngân hàng cũng đang thực hiện số hóa toàn bộ mọi dịch vụ trong và ngoài ngân hàng. Dịch vụ của khách hàng sẽ được số hóa và tự động hóa một cách tối đa để trải nghiệm khách hàng nhanh hơn, tốt hơn, tiện hơn là mục tiêu chính mà chúng tôi đang hướng đến, cũng hướng với mục tiêu công nghệ hóa nhiều hoạt động mà Chính phủ đang thực hiện.

* Xin hỏi những khó khăn mà Techcombank đã trải qua là gì?

– Thành công lớn nhất của chúng tôi là nhân sự và khó khăn lớn nhất cũng là nhân sự. Đi đường mà muốn đi xa thì cần có người đồng hành, nhưng không phải ai cũng muốn đi và có khả năng đi đường dài. Để tìm được người đồng hành đi đường dài với mình, Techcombank phải là một tổ chức có những người sẵn sàng đi xa, đi nhanh, leo cao. Những người có thể trèo đèo, lội suối, vượt núi, băng sông với tinh thần luôn luôn khắc phục khó khăn, vượt qua vất vả. Những người có tố chất đặc biệt để gia nhập Techcombank và tất nhiên số người hội tụ đủ tố chất đó là rất hiếm. Đó là thách thức đối với chúng tôi khi tuyển chọn người có tố chất cao để cùng đồng hành làm việc.

Giai đoạn sắp tới, Techcombank sẽ phải tìm thêm những người làm việc từ trong và ngoài nước về làm việc cùng với ngân hàng để giúp đi xa hơn và nhanh hơn. Khi Techcombank có thể đi xa hơn, nhanh hơn, mạnh hơn thì khi đó giúp đỡ được cộng đồng nhiều hơn.

* Techcombank nay đã 26 tuổi, trong những kết quả ngân hàng đã làm được thì điều gì cá nhân ông và tập thể ban lãnh đạo cảm thấy tâm đắc nhất?

– Hiện Techcombank có lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức cao nhất. Lợi nhuận trước thuế trong hệ thống cũng đã đứng thứ hai mặc dù quy mô tổng tài sản đứng hạng 7 trong ngành ngân hàng Việt Nam. Bởi vậy, điều mà tôi cảm thấy hài lòng nhất đó là ngân hàng vượt lên và đạt mức hiệu quả hoạt động cao nhất trong nước và ngang hàng với tầm khu vực. Đây là điểm trọng yếu trong bài toán giá trị tổng thể cho Techcombank.

Phương châm và mục tiêu làm việc của Techcombank là dẫn dắt sự thay đổi của người Việt Nam trong đời sống tiêu dùng của họ. Trong bối cảnh Nhà nước kêu gọi người dân giảm sử dụng tiền mặt thì Techcombank đã và đang tích cực đưa ra các công cụ, giải pháp để giúp khách hàng giảm lượng tiền mặt sử dụng. Kết quả được thể hiện ở số lượng giao dịch qua kênh điện tử của Techcombank với dung lượng giao dịch tăng hơn 20 lần trong ba năm qua – một vận tốc thay đổi hành vi khách hàng nhanh đến chóng mặt. Điều đó đồng nghĩa với việc Techcombank vừa đáp ứng được đòi hỏi của Chính phủ, cùng lúc giúp người dân giảm chi phí giao dịch hàng ngày. Trong ba năm qua, chúng tôi đã trả lại cho người dân hơn 600 tỷ đồng chi phí giao dịch qua các chương trình Banking 0 đồng.

Thành công của Techcombank trong việc giảm chi tiêu bằng tiền mặt còn kéo theo rất nhiều ngân hàng khác cùng đi theo chương trình miễn phí giao dịch cho người dùng. Đây mới là tác động lớn nhất Techcombank làm được trong các năm qua, đó là lan tỏa tới các ngân hàng khác. Điều này cũng làm chúng tôi vô cùng tự hào. Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng tất cả mọi ngân hàng và mọi giao dịch qua hệ thống điện tử đều sẽ được miễn phí hết.

Điều chúng tôi tâm đắc nữa chính là sự trải nghiệm của người dân thông qua các hoạt động do Techcombank tài trợ như các chương trình thể thao, các phong trào khuyến học, vượt khó… Điển hình là, hiện nay hầu như cuối tuần nào cũng có một ngân hàng hay doanh nghiệp nào đó tài trợ một sự kiện thể thao dành cho quần chúng, qua đó kết nối đời sống của người dân với các phong trào thể thao, sống lành mạnh và đẩy cao tinh thần vượt trội.

* Vậy các ông có bị áp lực luôn luôn phải dẫn đầu và luôn luôn tìm ra cái mới?

– Tôi không nghĩ đó là sự dẫn dắt mà đó là sự đồng hành, có người cùng chí hướng, cùng mục tiêu. Cũng giống như khi hát, nếu mình hát dở, người ta không hát theo, nếu mình hát hay thì người ta sẽ cùng hát, giọng đồng ca sẽ càng cao, càng hay hơn, vì thế tôi không thấy đó là áp lực mà là động lực.

* Nhiều năm liền, Techcombank tăng trưởng với tốc độ nhanh không ngừng. Giai đoạn tới đây, chiến lược của các ông thế nào để giữ vững vị thế và vượt trội hơn nữa?

– Mọi người thường hay hỏi, nếu chạy nhanh mãi thì liệu có đuối sức hay không? Rõ ràng để đủ sức mình phải luyện tập bền bỉ, đó là chuyện cần phải làm. Ở thị trường tài chính Việt Nam, khi bàn đến tăng trưởng, chúng ta hãy xem xét thêm góc cạnh về khả năng phát triển của thị trường và nhu cầu của người dân về dịch vụ tài chính. Cái khó của chúng tôi là tăng trưởng thế nào để đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bởi vậy dưới góc nhìn của tôi, những gì Techcombank đạt được không phải là sự tăng trưởng do mình cố tình đẩy, mà chỉ là chúng tôi cố sức chạy theo nhu cầu người dân. Khi nhu cầu của người dân được đáp ứng thì hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng lên.

* Đời sống của người dân ngày càng cao và họ có xu hướng sử dụng nhiều hơn các dịch vụ, bao gồm cả của các ngân hàng nước ngoài. Trong tương lai, các ông đã có chiến lược gì để cùng cạnh tranh với các đối thủ như vậy?

– Phương châm của chúng tôi là luôn tôn trọng đối thủ cạnh tranh. Tôn trọng không có nghĩa là sợ, nếu sợ thì chưa đánh đã thua rồi, tôn trọng giúp mình có sự chuẩn bị nghiêm túc. Chúng tôi rất hiểu sự phát triển ở bên ngoài, cũng như các hiệp ước của Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Thái Bình Dương, của Việt Nam với châu Âu. Những hàng rào bảo vệ ngành tài chính của Việt Nam ngày càng mờ đi, đó là những điều kiện của những hiệp ước đó. Sự cạnh tranh của thị trường tài chính sẽ không đơn thuần chỉ là những ngân hàng trong nước, mà còn là các ngân hàng trong khu vực, các ngân hàng quốc tế. Đây là một lý do chính mà chúng tôi đặt ra chương trình chuyển đổi và phát triển theo xu hướng nhu cầu của người Việt Nam để có sự chuẩn bị sẵn sàng, luôn đáp ứng mọi nhu cầu của người Việt để họ luôn gắn bó với ngân hàng Việt Nam, với Techcombank.

Chúng tôi không ngại về sự cạnh tranh, đã lăn lộn trong thị trường thì phải chấp nhận sự cạnh tranh, cách tốt nhất là chuẩn bị, là tôn trọng những gì người ta đang có và học theo, để mình chuẩn bị mạnh hơn, tốt hơn.

* Ban lãnh đạo ngân hàng có nghĩ đến việc đưa Techcombank ra quốc tế phục vụ các doanh nghiệp Việt và khách hàng nước ngoài như các ngân hàng khác đang làm hay không?

– Câu trả lời ngắn gọn là có, nhưng mà lại là không. Vì hiện giờ trong nước vẫn còn tới 2/3 người dân chưa tiếp cận ngân hàng, vậy tại sao mình lại đi phục vụ người khác trong khi người trong nước mình chưa giải quyết được? Vậy nên câu trả lời “có” là mình có nghĩ đến hay không thôi. Giống như đôi khi mình nhìn lên cung trăng thấy chị Hằng ngồi trên đó, cũng muốn lên đó nhưng vấn đề đi phi thuyền lên cung trăng còn quá xa vời.

* 2/3 người dân chưa tiếp cận được dịch vụ, phải chăng là ông đang nói đến đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn? Khu vực này cũng đang được nhiều ngân hàng triển khai, vậy chiến lược của Techcombank sẽ thế nào?

– Trước sau gì chúng tôi cũng phải tiến đến khu vực nông thôn và sẽ dùng công nghệ, số hóa để đến với các khách hàng này chứ không thể dùng cách truyền thống, bởi như vậy chẳng bao giờ so sánh được với những ngân hàng có mạng lưới và nguồn lực sẵn có. Chúng tôi biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, trong đó điểm mạnh là công nghệ thông tin thì sẽ tận dụng cái đó để đem đến giải pháp cho người dân.

Có người hẳn nghĩ rằng sẽ là nghịch lý khi mà công nghệ đến vùng sâu, vùng xa vẫn còn khá khó khăn, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi đọc các bản báo cáo của Viettel hay Vinaphone… thì thấy rằng mạng lưới đã được phủ sóng khắp nơi. Ở đâu đâu người ta cũng dùng điện thoại, dùng công nghệ 3G, 4G, thậm chí mới hơn của tôi, vậy nên tôi nghĩ đó không phải là vấn đề. Vấn đề mà chúng tôi phải giải quyết đó là làm sao mang được ngân hàng đến với người dân miền xa qua công nghệ, chứ không phải vì liệu họ có điều kiện hay không.

Một trong những chiến lược mà chúng tôi sẽ áp dụng để mở rộng thị trường đó là hợp tác để cùng phát triển. Để có được sự đồng hành ấy thì cũng phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng. Chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp, chuẩn bị tốt để bứt phá tới khu vực này trong một tương lai không xa.

Theo DNSG