Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Ông Nguyễn Đức Hưng – CEO Napoli Coffee: Người tiêu dùng nên vì sức khỏe của mình

Ngày 1/1/2020, Công ty CP Sản xuất – Thương mại – Xuất nhập khẩu Cà phê Napoli chính thức đạt con số 3.000 quán kinh doanh nhượng quyền với thương hiệu Napoli Coffee. Nhân sự kiện này, Doanh Nhân Sài Gòn đã gặp và trao đổi với ông Nguyễn Đức Hưng – Giám đốc Điều hành Công ty CP Sản xuất – Thương mại – Xuất nhập khẩu Cà phê Napoli về câu chuyện kinh doanh mà Napoli Coffee đang áp dụng.

* Năm 2019, sản phẩm cà phê của Napoli Coffee đã được bình chọn là sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu TP.HCM. Ông có thể chia sẻ về quá trình khởi nghiệp và xây dựng thương hiệu cà phê của mình?

– Hiện nay, đối với nhiều người sống ở các đô thị, cà phê không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống mà là đồ uống đặc biệt không thể thiếu, nhiều người không thể làm việc mà thiếu cà phê. Khi người ta đã ghiền, đã thích cà phê thì ngày nào họ cũng uống, ít nhất cũng một ly cà phê. Năm 1995, khi tốt nghiệp cấp 3, tôi đã thấy được nhu cầu dùng cà phê rất lớn tại TP.HCM nên đã mạnh dạn thành lập cơ sở chế biến cà phê. Khi ấy, Napoli Coffee sử dụng nguyên liệu hạt cà phê tại vùng đất cao nguyên đại ngàn Pleiku, Gia Lai – thủ phủ ươm trồng và chế biến cà phê với bí quyết lâu đời. Trải qua quá trình nghiên cứu phát triển, đội ngũ lãnh đạo Napoli Coffee đã xây dựng thành công các nhà máy chế biến sản xuất cà phê quy mô theo dây chuyền công nghệ hiện đại khép kín. Từng hạt cà phê Arabica, Robusta chín mọng được tuyển chọn kỹ lưỡng, thu hoạch tại chính vườn cà phê uy tín thuộc sở hữu của Napoli Coffee tại Buôn Ma Thuột và Gia Lai. Sau đó, với bí quyết rang xay mộc gia truyền, hương vị cà phê được giữ nguyên đặc trưng tự nhiên thuần khiết, cung cấp đến người tiêu dùng.

Những ly cà phê của chúng tôi không chỉ đơn thuần là thức uống quen thuộc mà còn phản ánh một phần nếp sống hiện đại của người Việt Nam trong khoảng không gian thoải mái. Chúng tôi đặt ra sứ mệnh mang đến những sản phẩm cà phê sạch với hương vị thơm ngon, nguyên chất, an toàn cho sức khỏe.

* Cho tới nay, rất nhiều nơi vẫn còn bán loại cà phê pha trộn, ông có nhận xét gì về việc này?

– Tôi từng uống cà phê không có vị cà phê, chỉ có vị gạo rang, ngô rang… Tò mò, tôi lân la hỏi chuyện mới biết, thành phần cà phê chỉ như phụ gia, còn chủ yếu là gạo rang, ngô rang cháy, vì thời đó sản lượng cà phê không có bao nhiêu, giá lại quá đắt. Tôi còn được uống loại cà phê người ta cho nước mắm khi rang để thêm đậm đà. Quả là nhiều người Việt mình có những “sáng kiến vặt” mà người nước khác không có. Rồi kinh tế thị trường dần đào thải những sản phẩm kém chất lượng, những loại cà phê không phải là cà phê. Người tiêu dùng là chủ thể của kinh tế thị trường, trong đó có tôi, nên đã được người kinh doanh “chiều chuộng”. Dù vậy, không bao giờ có công thức chung cho các loại cà phê rang xay.

Kinh tế thị trường dần đào thải những sản phẩm kém chất lượng, những loại cà phê không phải là cà phê. Người tiêu dùng là chủ thể của kinh tế thị trường, trong đó có tôi, nên đã được người kinh doanh “chiều chuộng”.

Tuy vậy, hiện nay, trên thị trường vẫn còn nhiều loại cà phê, các cơ sở sản xuất theo công thức: gồm bắp, đậu nành, cà phê, cộng với hóa chất có hương thơm và vị đắng cà phê. Tôi ngộ ra rằng, trước nay người dân mình sử dụng cà phê rang với thành phần cà phê thật còn quá ít, lạm dụng hóa chất tạo mùi vị, sử dụng lâu ngày sẽ ảnh hưởng sức khỏe.

* Chưa nói đến phân biệt đâu là cà phê thật, cà phê giả. Ngay cả việc phân biệt giữa các loại cà phê nguyên chất, người tiêu dùng vẫn khó nhận biết?

– Cà phê có ba loại chính. Loại thứ nhất là Arabica, người Việt mình còn gọi là cà phê vối, ở Việt Nam có ba chủng Bourbon, Typica, Catimor. Hiện nay, loại cà phê này chiếm tới 2/3 sản lượng cà phê trên thế giới bởi năng suất cao, lượng caffeine thấp, lại thơm. Tên Arabica xuất phát từ chữ “aroma” là hương thơm. Loại thứ hai là Robusta, còn gọi là cà phê chè. Robusta là do từ “robust”, tức là “mạnh” do chứa nhiều caffeine. Loại thứ ba là Cherry, còn gọi là cà phê mít, gồm có hai giống chính là Liberica và Exelsa. Còn có mấy loại cà phê thương phẩm nữa nhưng không phổ biến lắm như Culi, Moka… Trong các khu bảo tồn rừng nguyên sinh ở Ethiopia có đến 5.000 loại cà phê hoang dã. Cà phê được trồng ở độ cao trên 600 mét so với mực nước biển cho chất lượng cao nhất. Vì thế mà ở Việt Nam, cà phê Cầu Đất ở Đà Lạt, có độ cao 1.600 mét ngon không đâu sánh bằng. 

Tôi kể dông dài vậy để thấy mỗi loại cà phê có cách chế biến khác nhau mà con người đã đúc kết mấy trăm năm qua. Chẳng hạn như cà phê Arabica có ba phương pháp chế biến thông dụng: Phơi khô tự nhiên để làm giảm độ ẩm trong hạt từ 65% xuống còn 12-12,5%, sau đó được xát bằng máy để loại bỏ vỏ ngoài, vỏ trấu. Chế biến bán ướt là quả cà phê được xát tươi bằng máy và đánh sạch một phần nhớt, không ủ lên men mà rửa sạch rồi mang phơi. Chế biến ướt phức tạp hơn, tốn nhiều nước, phần thịt giữa hạt và vỏ được loại bỏ hết. Chế biến thô xong là cà phê đã sẵn sàng cho rang xay. Không có cách chế biến nào là hoàn hảo tuyệt đối, nhưng nếu làm đúng quy trình cho mỗi loại cà phê, đặc biệt những nghệ nhân rang xay còn phối trộn tỷ lệ thích hợp giữa Arabica và Robusta để có loại cà phê ngon.

Không có cách chế biến nào là hoàn hảo tuyệt đối, nhưng nếu làm đúng quy trình cho mỗi loại cà phê, đặc biệt những nghệ nhân rang xay còn phối trộn tỷ lệ thích hợp giữa Arabica và Robusta để có loại cà phê ngon.

* Có vẻ con đường phát triển của Napoli Coffee khá thuận lợi?

– Quả thật, chúng tôi có một chút may mắn. Sau hơn hai thập niên hình thành và phát triển, Napoli Coffee đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu được yêu thích với lượng khách hàng trung thành ủng hộ khi nhắc đến cà phê từ chất lượng sản phẩm cho đến không gian trải nghiệm và dịch vụ. Cho tới nay, chúng tôi đã nghiên cứu và sản xuất được khoảng 50 sản phẩm cà phê mang bản sắc Việt. Sau hơn hai thập niên xây dựng và phát triển thương hiệu Napoli Coffee, đến năm 2019, công ty chúng tôi vinh dự được Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM công nhận danh hiệu sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu TP.HCM 2019.

* Từ khi nào, ông có ý tưởng bắt đầu làm nhượng quyền thương hiệu?

– Năm 2013, Starbucks Coffee vào Việt Nam mở quán đầu tiên tại khách sạn New World, quận 1, TP.HCM. Đi qua khu vực này, mọi người dễ nhìn thấy dòng người rồng rắn xếp hàng ở góc đường Phạm Hồng Thái và Nguyễn Thị Nghĩa chờ vô quán gọi tách cà phê nổi tiếng của hãng Starbucks. Hình ảnh này gợi một suy nghĩ mạnh mẽ trong đầu tôi về việc áp dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền và sản xuất ra sản phẩm cà phê sạch cho người tiêu dùng trong nước và cả ngoài nước. 

Cũng trong năm 2013, tôi may mắn gặp vị lãnh đạo hãng Starbucks trao đổi về nhận thức sử dụng cà phê của người dân trên thế giới và Việt Nam. Từ đó, chúng tôi quyết định sản xuất cà phê nguyên chất. Thoạt đầu, chúng tôi gặp khó do vị cà phê nguyên chất chưa hợp khẩu vị với nhiều người Việt và do giá chưa phù hợp làm giảm doanh thu. Để khách thấy tận mắt cà phê nguyên hạt xay tại chỗ, chúng tôi đặt cối xay cà phê trước quán, phục vụ thật lịch sự, ân cần, tiện lợi, vì thế dần chiếm được tình cảm của người tiêu dùng.

* Chế biến các sản phẩm cà phê mang đậm chất cà phê Việt nhưng thương hiệu lại mang hơi hướng Tây. Vì sao vậy thưa ông?

– Trong quá trình phát triển thương hiệu và sản phẩm cà phê, tôi rất thích phong cách người Ý, do vậy tên sản phẩm Napoli Coffee là suy nghĩ đam mê hương vị cà phê phong cách Ý – lịch lãm mạnh mẽ và quyến rũ. Với hơn 24 năm kinh nghiệm cùng thế mạnh về chuỗi hệ thống Napoli Coffee nhượng quyền rộng lớn. Cho đến nay, Napoli Coffee không ngừng đẩy mạnh thương hiệu nhượng quyền và phát triển sản phẩm mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Theo tôi, đây là mô hình “kinh doanh chia sẻ” cần được nhân rộng, vì mọi người tham gia đều được hưởng lợi từ các tiện ích do mô hình kinh doanh tiên tiến này mang lại. 

* Trong những buổi trò chuyện với bạn bè, ông thường nói mình có sứ mệnh mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, ông có thể nói rõ hơn về ý tưởng này?

– Những ly cà phê của chúng tôi không chỉ đơn thuần là thức uống quen thuộc mà còn phản ánh một phần nếp sống hiện đại của người Việt Nam trong khoảng không gian thoải mái. Chúng tôi đặt ra sứ mệnh mang đến những sản phẩm cà phê sạch với hương vị thơm ngon, nguyên chất, an toàn cho sức khỏe. Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 10.000 công ty chuyên kinh doanh, sản xuất cà phê. Một số công ty có doanh số lớn như Trung Nguyên Coffee, NestCafe, VinaCafe… 

Hiện nay, Napoli Coffee đang áp dụng mô hình kinh doanh nhượng quyền, với sản phẩm là cà phê sạch, cà phê nguyên chất, cà phê mang đi, cà phê rang xay, cà phê take away. Về thuận lợi, chúng tôi có đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư, các nhà quản lý có chuyên môn khởi tạo và phát triển nhằm đem lại ly cà phê nguyên chất, cà phê sạch, trong không gian hiện đại bậc nhất với giá ly cà phê thấp nhất mà mọi người bình thường đều có thể thưởng thức mỗi ngày. Về thiết kế, Napoli Coffee với chuỗi quán của chúng tôi được định vị như chuỗi không gian đẹp nhất, đầy đủ nhất, dễ dàng vận hành, giúp các bạn khởi nghiệp tránh rủi ro, chi phí thấp nhất và đang thành công tại 3.000 quán Napoli Coffee trong nước và tại một số quốc gia trên thế giới.

Theo đánh giá chung, hiện thiết kế quán Napoli mang phong cách độc đáo, thi công nhanh, phù hợp với sinh viên, giới bình dân, văn phòng, công sở. Thương hiệu, logo Napoli Coffee đã được cấp bảo hộ độc quyền, sản phẩm đã cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và đã xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới, là thức uống của các nguyên thủ, các lãnh đạo, tại hội nghị APEC, tiểu vùng sông Mekong.

Thiết kế quán Napoli mang phong cách độc đáo, thi công nhanh, phù hợp với sinh viên, giới bình dân, văn phòng, công sở.

Slogan hiện nay của Napoli Coffee: “Hãy uống cà phê sạch vì sức khỏe và hạnh phúc của bạn”. Slogan này được phổ biến đến toàn thể nhân viên của công ty và tất cả nhân viên của 3.000 quán đang nhượng quyền của Napoli Coffee.

Theo DNSG