Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Ông chủ chuỗi Pizza ở Hà Nội: Trong thời dịch, chìa khóa nằm ở cải tiến và marketing, CEO đi bán hàng là chuyện bình thường, đừng sĩ diện!

“Trong cuộc chiến với dịch bệnh, tiết kiệm, tối ưu chi phí có thể coi là biện pháp phòng thủ. Tuy nhiên, vẫn cần những mũi “tấn công” để duy trì doanh số. Để làm được điều đó thì không gì tốt bằng sáng tạo, cải tiến và marketing”, vị CEO chia sẻ.

Dịch Covid-19 được ví như sự kiện “thiên nga đen” của năm 2020, cũng là cuộc sàng lọc tự nhiên đối với doanh nghiệp ở hầu khắp các lĩnh vực. Nhà hàng, khách sạn, du lịch hay những chuỗi F&B, từ ngành dịch vụ đến sản xuất, tất cả đều đang vật lộn tìm giải pháp, chỉ mong sống sót qua dịch bệnh.

Một trong những giải pháp đầu tiên được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tính đến là cắt giảm nhân sự, như một nỗ lực tiết kiệm tối đa chi phí. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến doanh nghiệp tụt hậu hoặc gặp khó vì không có tiềm lực sẵn sàng để phát triển thời kỳ hậu dịch bệnh.

Vậy đâu mới là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt bão Covid-19? Dưới đây là 3 gạch đầu dòng mà doanh nhân Hoàng Tùng, ông chủ của chuỗi Pizza Home và nhà đầu tư chuỗi bánh ngọt Papa Gâteaux đã áp dụng hiệu quả cho doanh nghiệp của mình.

1. Quyết liệt cắt bỏ, tối ưu, tiết kiệm

Đây vẫn là phương án trước nhất mà hầu hết các doanh nghiệp áp dụng.

Đầu tiên, cắt bỏ mặt bằng không hiệu quả. Với những điểm bán này, trước thời dịch bệnh có thể cầm cự hoặc lãi một chút. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh còn kéo dài, việc cắt giảm là bắt buộc. Một phần để tối ưu chi phí, một phần để tập trung dòng tiền và tâm trí cho các điểm bán khác.

Thứ hai, tối ưu tiền nhà. Theo ông Hoàng Tùng: “Thời điểm này, tiền nhà là khoản quyết liệt phải tối ưu. Đàm phán với chủ nhà xin giảm tiền thuê. Ngồi vào bàn đàm phán với tinh thần sẵn sàng bỏ điểm, như vậy bargaining power (quyền thương lượng – PV) sẽ cao. Mà nếu chủ nhà quá cứng rắn thì cân nhắc bỏ điểm.

Xét cho cùng quan hệ đi thuê và cho thuê đó là quan hệ ĐỐI TÁC, hơn nữa là giữa người với người. Sự trợ giúp khi khó khăn rất cần thiết, thậm chí phải làm. Đối tác không sẵn sàng chia sẻ khi khó khăn đồng nghĩa với việc lúc tốt họ sẽ sẵn sàng tăng giá, sẵn sàng sút bạn ra ngoài đường. Đối tác như vậy không cần phải quá mặn mà.”

Thứ ba, tiết kiệm chi phí, bao gồm rà soát lại các khâu sản xuất, những thất thoát do sự vô ý thức hay buông lỏng như điện nước, phí ship, hàng hủy, hàng tồn,…

2. Cải tiến cái cũ, sáng tạo cái mới

Ông Tùng chia sẻ lại triết lý tâm đắc: “Như Peter Drucker từng nói: “Bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào cũng có hai chức năng cơ bản: Tiếp thị và Đổi mới”. Thế nên khi nào bối rối thì mình hay nhớ đến câu nói này của ông và tập trung vào hoạt động cải tiến sản phẩm và marketing.”

Nghiên cứu, phát triển và kiểm nghiệm sản phẩm liên tục được cụ thể hóa bằng việc:

– Bắt “trend” bánh mì thanh long của ông Kao Siêu Lực, Pizza Home thực hiện ngay chiến dịch quảng bá Pizza Thanh long trên 8 đài truyền hình và 20 đầu báo, hầu hết đều miễn phí.

– Papa Gâteaux làm bánh mì thanh long (tuy đi sau ABC trong Sài Gòn nhưng vẫn là đơn vị đầu tiên tại Hà Nội triển khai), ngày bán được vài trăm ổ.

Những sản phẩm mới của PIzza Home và Papa Gâteaux thời dịch Covid-19.

– Tạo ra sản phẩm ngắn hạn cho dịp lễ 8/3: Pizza trái tim khổng lồ.

– Tạo thêm các combo mới cho khách hàng ăn tại chỗ và mang đi.

– Tạo ra các sản phẩm nguyên liệu (bánh pizza/burger và nguyên liệu) để các gia đình có thể làm tại nhà.

– Tạo ra các sản phẩm làm sẵn pizza đông lạnh để khách hàng có thể mua số lượng nhiều và về nhà nướng ăn dần.

– Tạo ra sản phẩm thú vị: Burger hình Corona, bánh Cookie hình Corona nhằm hút traffic từ khách hàng.

Sản phẩm mới làm được kiểm nghiệm liên tục với tinh thần Lean và Fast – Tinh gọn và Nhanh.

3. Marketing: Tối ưu kênh cũ, mở rộng kênh mới

Thứ nhất, rà soát kiểm tra lại tất cả các kênh bán hàng xem nó đã tối ưu hay chưa. Đơn giản như đôi khi kiểm tra lại fanpage của mình cũng đã thấy có thể cải tiến được rất nhiều.

Thứ hai, kết hợp bán chéo với các ứng dụng giao hàng thứ ba như GrabFood, GoFood,… Đóng gói sản phẩm, nếu cần hãy tạo ra sản phẩm mới để chỉ chuyên bán cho kênh này. Hãy chăm chỉ xây và chắt chiu từng dòng tiền. Qua được thời điểm khó khăn hiện tại thì đây sẽ trở thành kênh dẫn tiền tốt trong tương lai.

Thêm nữa, cần mở rộng kết hợp với các đối tác bán chéo. Trước kia, khi làm ăn tốt thì không ai cần ai nhiều. Nhưng giờ tốt nhất là nên hợp sức dựa vào nhau để tạo ra các sản phẩm combo chéo giữa nhiều thương hiệu, cùng nhau khai thác tệp khách hàng của nhau, cũng như có thêm sản phẩm mới để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Đặc biệt, theo vị doanh nhân, trong tình thế khó khăn thì việc chính CEO bán hàng và tham gia hoạt động marketing là chuyện rất bình thường, là việc phải làm và đừng sĩ diện.

“Trước giờ facebook cá nhân của tôi hiếm khi đăng sản phẩm nhưng giờ cũng phải đăng những sản phẩm mới để tăng sức đẩy cho các chương trình (hãy làm một cách văn minh, đừng spam là được).”

Nhờ đó, trong khi nhiều chuỗi F&B, nhà hàng khác phải đóng cửa hàng loạt, thậm chí không biết đối phó với dịch bệnh như thế nào thì với chuỗi pizza, bánh ngọt, ông Tùng cho biết bản thân có rất nhiều thứ để làm, kinh doanh khá ổn định.

“Trong cuộc chiến với dịch bệnh, tiết kiệm, tối ưu chi phí có thể coi là biện pháp phòng thủ. Tuy nhiên, vẫn cần những mũi “tấn công” để duy trì doanh số. Để làm được điều đó thì không gì tốt bằng sáng tạo, cải tiến và marketing”, vị CEO chia sẻ.

Như Darwin từng nói: “Người sống sót sau cùng không phải kẻ mạnh nhất hay thông minh nhất, mà là người dễ thích nghi để thay đổi nhất.”

Thùy Dương

Theo Trí Thức Trẻ