Những doanh nhân có tiếng trong giới làm ăn, ông Đoàn Nguyên Đức, Đỗ Quang Hiển, Nguyễn Đức Hưởng, bà huỳnh Bích Ngọc đều là sinh năm 1962 (Nhâm Dần).
Bà Huỳnh Bích Ngọc
Bà Huỳnh Bích Ngọc sinh năm 1962 tại Bến Tre. Bà hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa và được giới kinh doanh mệnh danh “nữ hoàng mía đường”.
Năm 1991, khi ông Đặng Văn Thành quyết định chuyển sang lĩnh vực mới là ngân hàng, bà Ngọc mới chính thức quản lý tiếp và sau đó là sự ra đời của Thành Thành Công.
Tại thời điểm bấy giờ, Thành Thành Công được xem là một trong hai cơ sở kinh doanh Cồn có quy mô lớn nhất ở TP. HCM.
Năm 1999, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh, Công ty TNHH SX-TM Thành Thành Công được thành lập trên cơ sở phát triển của Cơ sở Cồn Thành Công. Trong giai đoạn này, Thành Thành Công ưu tiên phát triển hệ thống phân phối trải rộng cả nước, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh,
Sau gần 10 năm trong ngành mía đường, bà Huỳnh Bích Ngọc cùng con gái Đặng Huỳnh Ức My đã đưa thương hiệu TTC Sugar chinh phục hơn 50% thị phần ngành đường tại Việt Nam, đưa sản phẩm vươn ra 21 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Singapore… vốn là những nơi đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức)
Bầu Đức đang giữ vài trò chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai. Năm 1990, bầu Đức bắt đầu khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Khi hoạt động kinh doanh có hiệu quả ông chuyển qua nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như: trồng và chế biến gỗ, mủ cao su, sản xuất đá granit.
Ông đã trở thành ông chủ của Tập đoàn tư nhân nổi tiếng trong nước và quốc tế – Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Thừa thắng xông lên Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mở rộng địa bàn ra kinh doanh các tỉnh trong cả nước và bổ sung ngành nghề kinh doanh mới là du lịch, địa ốc…
Bầu Đức vốn nổi tiếng là người mê bóng đá, Từ năm 2001, bầu Đức đã bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ đồng đầu tư cho bóng đá. Nhờ bóng đá Hoàng Anh Gia Lại nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước.
Bầu Đức được xem là người đầu tiên ở Việt Nam mua máy bay với giá lên tới 7 triệu USD.
Năm 2008, lần đầu tiên, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nhìn lại hành trình của chính mình, ông nói: “Thời thế thế thời, không ai nói trước được. Đôi khi nhìn vậy không phải vậy. Và dù mình có đang thành công cũng không nên nói nhiều, vì tương lai chưa biết được thế nào”.
“Với cổ phiếu HNG, công ty xác định không phải là công ty tài chính nên chủ trương cầm cổ phiếu là không có, HAGL sẽ bán để thu tiền trả nợ. Chưa kể, nếu có đối tác phù hợp HAGL có thể phát hành thêm để tất toán luôn 10.000 tỷ nợ hiện nay”, bầu Đức dí dỏm. Nói vui là vậy, nhưng với ông: “Nợ rất nhục nhã, và tôi phải quyết tâm, quyết tâm trả nợ”.
Ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển)
Ông Đỗ Quang Hiển sinh năm 1962, tốt nghiệp khoa Vật lý, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1993, ông đã quyết định nghỉ công việc “bàn giấy” để lao vào kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… với dấu mốc là thành lập Công ty Công ty TNHH Công nghệ và thương mại T&T.
Năm 2006, doanh nhân Đỗ Quang Hiển bước chân vào lĩnh vực ngân hàng với khoản đầu tư vào Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, tiền thân của ngân hàng SHB. Từ mức vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, đến nay, vốn điều lệ của SHB đã tăng lên mức 19.260 tỷ đồng, tương đương mức tăng lên tới… gần 40 lần sau khoảng 15 năm và đang dự định sẽ tăng tiếp lên 26.674 tỷ đồng ngay trong năm nay.
Năm 2006 là năm ông Đỗ Quang Hiển chính thức bước chân vào ngành ngân hàng, cũng là năm ông thành lập Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá T&T Hà Nội. Chỉ sau 3 năm thành lập, CLB này đã lên 3 hạng từ hạng 3 lên hạng chuyên nghiệp và giành quyền thi đấu ở V-League từ năm 2009.
Hiện, cơ ngơi đồ sộ của “bầu” Hiển trải dài trên rất nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm: tài chính đầu tư; bất động sản; nông nghiệp, hạ tầng giao thông, cảng biển & logistic; năng lượng và môi trường; y tế, giáo dục và thể thao,…
Ông Nguyễn Đức Hưởng
Ông Nguyễn Đức Hưởng khá nổi tiếng trong giới tài chính ngân hàng, với 25 năm kinh nghiệm và để lại dấu ấn ấn tượng tại LienVietPostBank. Ông cũng là người sát cánh cùng ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Him Lam trong nhiều lĩnh vực kinh doanh.
Ông là một trong những người gây dựng và phát triển thành công LienVietPostBank, với khoảng 10 năm gắn bó. Tên tuổi của ông gắn liền với LienVietPostBank – được xem là ngân hàng tốt nhất trong nhóm 3 ngân hàng được thành lập mới cách đây 10 năm. Tháng 3/2018, ông rời vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này vì lý do cá nhân.
Sau một thời gian khá kín tiếng, ông Hưởng dần quay trở lại qua một số sự kiện gần đây. Ông Nguyễn Đức Hưởng được chính chủ tịch HĐQT CMS Phạm Minh Phúc đề cử giữ chức danh thành viên HĐQT. Ông Hưởng sẽ giữ chức danh trên cho đến kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất để tham gia vào công tác giám sát các hoạt động của Ban điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Như vậy, sau ba năm rời vị trí Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng bất ngờ trở lại thị trường.
Ông Nguyễn Duy Hưng
Ông Nguyễn Duy Hưng thường được mọi người biết đến gắn liền với hình ảnh Công ty chứng khoán SSI đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Xuyên Thái Bình (PAN); Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM); Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH NDH Việt Nam.
Tính đến thời điểm ngày 25/1/2022, giá trị vốn hóa tài sản của ông Nguyễn Duy Hưng ở mức 5.249 tỷ đồng.
Năm 1998, ông Nguyễn Duy Hưng mở công ty tư nhân với số tiền 250 triệu đồng chuyên cung cấp dịch vụ làm sạch cao ốc và công trình công cộng có tên PAN Pacific. Năm 2006, PAN chính thức lên sàn. Đến năm 2013, công ty này tăng vốn điều lệ lên 200,5 tỷ đồng, gấp 800 lần so với lúc mới thành lập và bắt đầu chiến lược kinh doanh vào lĩnh vực cốt lõi là nông nghiệp và thực phẩm.
Năm 1999, chứng khoán SSI ra đời và là công ty tư nhân đầu tiên được cấp phép thành lập. Đến năm 2022, Vốn điều lệ của SSI đạt mức 9.847,5 tỷ đồng. Tính đến nay, SSI là ông vua trong ngành chứng khoán Việt Nam. Ông Nguyễn Duy Hưng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba nhờ những đóng góp cho sự phát triển thị trường chứng khoán.
Theo vietnamnet.vn