Là phụ nữ làm kinh doanh, tôi chỉ muốn làm một người nội trợ tử tế cho cộng đồng. Tử tế tức là làm thật, con cháu mình ăn gì cộng đồng ăn nấy, bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn TH chia sẻ.
LTS: Khảo sát của VCCI cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ ngày càng tăng. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp do nữ làm chủ không thua kém doanh nghiệp do nam giới làm chủ, có những lĩnh vực còn nổi trội hơn. Tại đây là các chia sẻ của một số nữ doanh nhân nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 về vai trò cũng như nguyện vọng của phụ nữ trong việc đóng góp cho nền kinh tế của đất nước và cho cộng đồng.
Đầu tư nuôi bò sữa và xây dựng thương hiệu sữa tươi sạch TH True Milk vào năm 2008 với việc nhập khẩu công nghệ chăn nuôi bò sữa của Israel và hàng nghìn con bò sữa từ New Zealand, TH True Milk đang tiếp tục đầu tư sản xuất các loại sữa chất lượng cao với tổng vốn 1,2 tỷ USD tính đến năm 2020. Đầu năm 2020, Tập đoàn TH lại nhập khẩu 4.500 con bò sữa cao sản thuần chủng Holstein Friesian (HF) từ Mỹ về trang trại Tân Đáo để đến cuối năm 2021, tổng đàn bò sữa của TH đạt 70.000 con.
* Ngoài nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi, bà đang ấp ủ những dự định gì, thưa bà?
– Tham vọng của tôi là làm nông nghiệp công nghệ cao với các loại sữa và rau củ quả sạch cùng thực phẩm chức năng có quy mô khoảng 3 tỷ USD. Hiện, các sản phẩm của TH được sản xuất, chế biến tại Việt Nam nhưng đóng gói và làm thương hiệu ở Mỹ vì Mỹ là thị trường tiêu thụ sữa lớn nhất thế giới với 20 tỷ USD mỗi năm.
* Theo bà, trong cuộc cách mạng về nông nghiệp, điều gì là quan trọng nhất?
– Đổi mới tư duy làm nông nghiệp là số một, sau đó là đất đai và chìa khóa vàng là ứng dụng công nghệ cao. Quan trọng nữa là doanh nghiệp nông nghiệp phải làm đầu tàu, dẫn dắt nông dân, cộng đồng phát triển bền vững theo chuẩn giá trị khép kín.
* Ngoài thị trường Nga, TH đã xuất sản phẩm sang Trung Quốc, đầu tư vào Úc. Con đường TH ra nước ngoài chắc hẳn không bằng phẳng…
– Gian nan nhất là ở trong nước. Chúng tôi phải đấu tranh với tiêu chuẩn, quy chuẩn sữa không rõ ràng suốt 10 năm vẫn chưa xong. Các doanh nghiệp như TH cần sự minh bạch để cạnh tranh sòng phẳng. Chúng tôi rất cần một bộ tiêu chuẩn nông sản, thực phẩm quốc gia theo thông lệ quốc tế. Có được vậy, người tiêu dùng được hưởng lợi, người sản xuất tự tin khi xuất sản phẩm ra nước ngoài.
* Theo bà, để nữ doanh nhân phát huy vai trò lãnh đạo, Nhà nước cần hỗ trợ gì?
– Để tạo lập các chuỗi nông, lâm, thủy sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trọng điểm, tôi kỳ vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ và một số địa phương thực hành sản xuất sạch. Đó cũng là cách giúp nữ doanh nhân xuất khẩu được sản phẩm vào các thị trường đòi hỏi chất lượng rất cao. Đơn cử như sữa tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tôm xuất đi Mỹ, Canada, châu Âu, hoa quả có thể chế biến sâu.
* Chia sẻ của bà nhân Ngày 8/3?
– Là phụ nữ làm kinh doanh, tôi chỉ muốn làm một người nội trợ tử tế cho cộng đồng. Tử tế tức là làm thật, con cháu mình ăn gì cộng đồng ăn nấy. Tôi sản xuất thực phẩm nên biết sản phẩm nào là tốt và luôn mong muốn một ngày nào đó, thấy thương hiệu TH là khách hàng yên tâm mua.
Hạnh phúc giản đơn nhất của phụ nữ làm kinh tế là một gia đình đầm ấm và tôi chúc cho chị em hãy luôn giữ ngọn lửa đó trong căn nhà của mình.
Theo DNSG