Sau 18 năm kể từ khi cây mắc ca du nhập vào Tây Nguyên, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, một người con trên mảnh đất Đắk Lắk đã biến giấc mơ đưa mắc ca Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế thành hiện thực.
Nguyễn Thị Thu Phương sinh ra và lớn lên ở huyện nghèo Krông Năng (Đắk Lắk), bố mẹ đều làm nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng, dù đã có việc làm ổn định nhưng Phương quyết định nghỉ việc trở về quê hương để làm việc cùng gia đình.
Năm 2016, số lượng cây mắc ca trên địa bàn Đắk Lắk rất ít vì người dân vẫn đang quen với việc trồng cây tiêu và cà phê…
Tuy nhiên, thời điểm này người cha của Phương lại là người nông dân tiên phong trồng thành công cây mắc ca tại Việt Nam. Cô ấp ủ ước mơ làm chủ được nguồn nguyên liệu, làm chủ chất lượng sản phẩm tới tay người tiêu dùng, giúp người dân ổn định đầu ra và nâng cao giá trị nông sản Việt.
Gần 1 năm đầu, Phương sử dụng mắc ca của gia đình thử nghiệm. Kết quả sản phẩm đều hư hỏng, phải bỏ đi, thiệt hại hơn 100 triệu đồng vì không biết cách chỉnh nhiệt, hạ ẩm, không tìm được máy móc hợp lí.
Tới cuối năm 2016, sau khi dùng thử những sản phẩm mắc ca nhập khẩu, nhận được sự góp ý từ mọi người, Phương dần tìm ra được máy móc, công thức chế biến mắc ca và xuất hiện nhiều đơn hàng mua lại.
Năm 2017, Phương tăng gia sản xuất, đầu tư thêm máy móc, thu mua nông sản của người dân, tạo thương hiệu Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương đáp ứng thị trường trong nước với phân khúc trung cấp chiếm 70% sản lượng và sau đó đã cho ra dòng thương hiệu Damaca cao cấp chiếm 30% sản lượng của công ty và chủ yếu phân phối ở thị trường nước ngoài.
Sau 2 năm phát triển, năm 2019, Phương thành lập Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương. Nhà máy khi ấy chỉ vẻn vẹn với diện tích 400 mét vuông. Tới nay được mở rộng lên 2000 mét vuông. Dù máy móc đã hiện đại hơn, nhưng nhằm đảm bảo chất lượng, quá trình soi và dập hạt vẫn được Phương duy trì cách làm thủ công.
Để bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, Phương kí hợp đồng liên kết với người dân, cam kết đầu ra. Hiện tại, công ty đang kí kết với 50 hộ dân và 1 hợp tác xã. Trong tương lai, Phương cùng công ty sẽ tư vấn huyện Krông Năng thành lập các tổ hợp tác để liên kết tốt hơn..
Với sản lượng hơn 100 tấn/ 1 vụ, không chỉ tăng giá trị cho sản phẩm quê hương, Phương còn tạo việc làm cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 5-8 triệu đồng/ 1 tháng.
Trao đổi với PV, Phương chia sẻ, những mẻ mắc ca đầu tiên được sấy thành công, cảm xúc của Phương dâng trào hạnh phúc.
“Tôi muốn khoe với mọi người sản phẩm của tôi không thua kém các sản phẩm mắc ca nhập khẩu trên thị trường. Tôi mừng vì có những thời điểm nản chí, nhưng tôi đã không bỏ cuộc”, Phương cho biết..
Sau 6 năm ra mắt, Công ty CP Damaca Nguyên Phương đã cho ra thị trường các sản phẩm từ mắc ca như: Mắc ca sấy, dầu mắc ca, sô-cô-la mắc ca và đang nghiên cứu cho ra thêm sữa bột mắc ca, nhân mắc ca tẩm các vị, các sản phẩm chế biến sâu có áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngày 9/11 vừa qua, Công ty CP Damaca Việt Nam chính thức kí hợp đồng phân phối độc quyền sản phẩm hạt mắc ca sấy tại thị trường nổi tiếng với sự khắt khe bậc nhất Nhật Bản là Công ty OLTY Co., Lt ( một công ty chuyên về xuất nhập khẩu và cung cấp thiết bị cho các siêu thị Nhật Bản).
Chuyến hàng hơn 6 tấn gồm 2.200 thùng sản phẩm hạt mắc ca trị giá gần 2 tỷ đồng đã phần nào chứng minh sự thành công của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tiền đề mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường đưa mắc ca Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Có thể nói Nguyễn Thị Thu Phương đã làm được điều mà hàng ngàn người nông dân đang mơ ước, hi vọng trong thời gian tới, mắc ca của huyện Krông Năng nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ được ra biển lớn.
Theo infonet.vietnamnet.vn