Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Nỗi lo lạm phát của doanh nghiệp

Trước sức ép của lạm phát, nhiều người nghĩ rằng chỉ có người tiêu dùng cuối cùng là chịu thiệt vì doanh nghiệp chuyển phần chi phí tăng thêm cho khách hàng. Nhưng thật ra, rất nhiều chủ doanh nghiệp cũng lo lắng không thua kém gì, thậm chí còn hơn. Họ cũng phải suy nghĩ đau đầu để tìm các giải pháp thích ứng.

Nỗi lo lạm phát của doanh nghiệp

Càng nhỏ càng lo

Khi lạm phát, chi phí đầu vào của doanh nghiệp sẽ tăng theo. Dễ thấy nhất là tăng ở giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí tổng hợp, và chi phí vay. Với những doanh nghiệp có chi phí tiền lương cao, áp lực đến chậm hơn nhưng mức độ thì rất đáng quan ngại. 

Trong số các rủi ro, có cả rủi ro bị mất nhân lực chất lượng cao do các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau qua tiền lương.

Không như nhiều người nghĩ là nước lên thuyền lên, chi phí tăng thì cứ chuyển sang cho người tiêu dùng gánh là được. Bởi vì nếu tăng giá, vượt khả năng sẵn lòng chi trả thì khách hàng sẽ giảm lượng mua hoặc chuyển sang sản phẩm thay thế khác.

Với những doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính, có dự phòng thì sức ép chi phí tăng có thể được giảm bớt do dùng nguồn lực hiện có để bù đắp. Ngoài ra, với lợi thế trong chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp lớn có thể đẩy một phần sức ép qua các nhà cung cấp, hoặc thậm chí khách hàng (cả upstream và downstream).

Trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ thì ngược lại. Vì không có nhiều nguồn lực tài chính nên họ phải thực hiện phần lớn các hợp đồng theo giá hiện tại, nghĩa là khi giá tăng thì phải trả theo mức giá mới. Vị thế yếu hơn nên trong các đàm phán các doanh nghiệp nhỏ cũng phải chịu phần thiệt hơn như thay đổi giá, điều kiện giao hàng, chính sách khuyến mãi.

Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ bị bóp càng mạnh khi lạm phát ngày một tăng. Và chính vì vậy, các doanh nghiệp phải đau đầu để tìm các giải pháp thích ứng, mong trụ được qua giai đoạn khó khăn.

Kinh nghiệm thích ứng

Vì lạm phát cũng mang tính chu kỳ nên trên thị trường có những doanh nghiệp đã cho thấy mình hiệu quả hơn các doanh nghiệp khác khi cùng đương đầu với lạm phát.

Đầu tiên phải kể đến những doanh nghiệp nhất quán với việc tập trung vào lợi nhuận cuối cùng của sản phẩm hay khách hàng. Các doanh nghiệp này thường áp dụng chiến lược giá cuối cùng (pocket-price-waterfall) để kiểm soát các chiến lược định giá và tạo doanh thu. Bởi vì, nắm được cụ thể ở những chỗ nào ảnh hưởng đến giá cuối cùng so với giá niêm yết sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc tập trung vào thay đổi các chi phí.

Lấy ví dụ như một sản phẩm có giá niêm yết là 100 đồng nhưng sau các điều khoản giảm giá, các khoản thưởng hay khuyến mại, hay các khoản chi phí gánh thay khách hàng, thì mức giá bỏ túi (pocket price) chỉ còn 50-60 đồng chẳng hạn.

TS. Võ Đình Trí - Trường ĐH Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global
TS. Võ Đình Trí – Đại học Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

Vì vậy khi lạm phát tăng cao, các doanh nghiệp này sẽ thường xem xét lại các chính sách khuyến mại, giảm giá. Khi đó, mặc dù các chi phí đầu vào tăng nhưng biên lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn có thể được đảm bảo, và doanh nghiệp có thể trụ được qua giai đoạn khó khăn. Khi lạm phát được kiểm soát và giảm thì các chính sách cũ có thể được áp dụng trở lại.

Với một số doanh nghiệp sản xuất, việc sắp xếp lại kế hoạch sản xuất cũng giúp doanh nghiệp giảm chi phí, từ đó không phải tăng giá sản phẩm đối với khách hàng. Lấy ví dụ như những đơn hàng số lượng nhỏ, thay vì trước đây có thể sản xuất theo nhu cầu của khách hàng thì bây giờ thời gian giao hàng kéo dài thêm, để đợi tối ưu hóa về công suất.

Các doanh nghiệp bán lẻ hay dịch vụ giao hàng cũng áp dụng phương thức này khi quy định số lượng tối thiểu của một đơn hàng. Trong trường hợp cần giao hàng gấp hay số lượng ít hơn quy định, lúc này khách hàng phải chấp nhận trả thêm phụ phí.

Các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng cũng tìm cách để đo lường mức độ nhạy cảm với giá (price-sensitive) của người tiêu dùng để điều chỉnh giá. Cách thức mà các chuỗi bán lẻ áp dụng là sẽ tăng giá ở những mặt hàng có độ nhạy cảm thấp, dù giá có tăng nhưng người tiêu dùng không có lựa chọn nào khác.

Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư cho việc cải tiến thay đổi mẫu mã của sản phẩm, từ nguyên liệu, đóng gói, cho đến đặc tính của sản phẩm. Ví dụ như một số sản phẩm vẫn giữ nguyên giá nhưng lại giảm số lượng, khiến cho người tiêu dùng thấy giá không đổi nhưng thực ra là giá đã tăng. Ví dụ một sản phẩm trước đây có giá 100 ngàn đồng cho 750gr, nhưng bây giờ cùng giá này chỉ còn 600gr. Việc thay đổi nhà cung cấp với danh tiếng thấp hơn cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp giảm bớt chi phí của mình.

Giải pháp phổ biến nhất được các doanh nghiệp sử dụng là cắt giảm và tối ưu hóa chi phí. Trong những thời điểm thuận lợi thì chi phí không phải là ưu tiên sống còn nhưng đối mặt với lạm phát, để đảm bảo biên lợi nhuận và khả năng cạnh tranh thì hầu như doanh nghiệp nào cũng tìm cách tối ưu chi phí. Đó có thể là phân loại kỹ lưỡng các loại chi phí để giám sát chi tiết hơn, xem xét lại các khoản chi nào là chiến lược hay không, và thay thế lao động bằng công nghệ khi chi phí tiền lương tăng.

Sau cơn mưa trời lại sáng

Các doanh nghiệp chỉ có thể thích ứng với lạm phát vì việc kiểm soát lạm phát là phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô của ngân hàng trung ương, của chính phủ. Mỗi khi lạm phát cao cũng là một đợt sàng lọc các doanh nghiệp yếu kém, chính vì vậy chỉ những doanh nghiệp có sự thay đổi để thích ứng nhanh hay đã có những chuẩn bị từ trước thì mới trụ lại được và đón nhận thành quả từ chu kỳ kinh tế mới kế tiếp.

Lạm phát ở mức độ vừa phải và trong tầm kiểm soát là một dấu hiệu tốt của nền kinh tế, và là có lợi cho doanh nghiệp vì một bộ phận người tiêu dùng sẽ có động lực chi tiêu sớm thay vì trì hoãn. Nhưng lạm phát cao sẽ khiến nền kinh tế chậm và thu hẹp lại. Các chính sách vĩ mô vì vậy cần sự hiệu quả để sớm hạ nhiệt lạm phát.

Có điều, các chính sách vĩ mô cũng phải đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế, luôn duy trì và khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, của các doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ.

Theo The Leader