Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Những người đem hàng tỷ USD làm từ thiện

Từ năm 2012, đã có 28 tỷ phú không phải người Mỹ ký với tổ chức Giving Pledge rằng họ sẽ cho đi ít nhất một nửa tài sản của mình cho từ thiện. 6 trong số đó đã đóng hơn 1 tỷ USD.

Tháng 10 năm ngoái, Forbes theo dõi và xếp hạng các nhà từ thiện tỷ phú lớn nhất ở Mỹ. Bill Gates và Warren Buffet, 2 nhà đồng sáng lập tổ chức Giving Pledge chia sẻ 2 vị trí dẫn đầu với số tiền thiện nguyện lần lượt là 35,8 tỷ USD và 35,1 tỷ USD. Vị trí thứ 3 thuộc về George Soros với 32 tỷ USD.

Một số ít tỷ phú không mang quốc tịch Mỹ, điển hình như nhà tài phiệt công nghệ Ấn Độ, Azim Premji đã tài trợ hàng tỷ USD cho những quỹ từ thiện trên đất nước họ và trên toàn cầu. Vào giữa tháng 3, Premji tuyên bố rằng ông đã chuyển cổ phần trị giá 7,5 tỷ USD từ tập đoàn công nghệ thông tin Wipro sang quỹ từ thiện của mình. Theo thống kê từ chính quỹ này, số tiền mà Premji đem tặng đã lên con số 21 tỷ USD.

Vợ chồng nhà Gates và Warren Buffett trong một hoạt động của Giving Pledge. Ảnh: Getty.

Bên cạnh đó, nhiều tỷ phú không mang quốc tịch Mỹ khác cũng tích cực tăng số tiền dành cho hành động thiện nguyện lên nhiều hơn.

Tại Australia, nhà sáng lập Fortescue Metals, Andrew Forrest cùng vợ đã quyên góp khoảng 600 triệu USD cho quỹ Minderoo của họ. Quỹ đã đưa ra sáng kiến nghiên cứu biển trong năm 2018.

Tỷ phú Nam Phi, Patrick Motsepe đã hỗ trợ hơn 500 triệu USD cho các dự án ở châu Phi liên quan đến y tế, nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, và âm nhạc. Năm ngoái, ông cam kết quyên góp 250 triệu USD cho cải tạo đất ở Nam Phi và 100 triệu USD cho các sáng kiến giáo dục.

Dưới đây là danh sách của Forbes về các nhà từ thiện tỷ phú không mang quốc tịch Mỹ lớn nhất, được đo bằng tổng số tiền quyên góp tính đến giữa tháng 3 năm 2019.

Azim Premji

Quốc tịch: Ấn Độ

Số tiền đã quyên góp: 21 tỷ USD

Thông qua quỹ của mình, tỷ phú Premji đã ưu tiên cải thiện hệ thống trường công tại một số khu vực ít được quan tâm nhất ở Ấn Độ. Ông thành lập Đại học Azim Premji ở Bangalore vào năm 2010, dự định tăng số lượng sinh viên từ 1.300 lên 5.000.

Azim Premji. Ảnh: AP.

Premji từng bỏ học Đại học Stanford danh giá vào năm 1966 để tiếp quản công việc kinh doanh dầu ăn của gia đình sau khi người cha qua đời. Nhưng 34 năm sau, ông vẫn lấy được bằng tốt nghiệp của Stanford. Premji đã chuyển lĩnh vực kinh doanh sang phần mềm điện tử và được biết đến với vai trò chủ tịch của Wipro, công ty có doanh 8,4 tỷ USD trong năm 2018.

Christopher Hohn

Quốc tịch: Vương quốc Anh

Số tiền đã quyên góp: 4,5 tỷ USD

Tỷ phú Hohn đồng sáng lập Quỹ Đầu tư vào Trẻ em (CIFF) vào năm 2002 với người mà sau này trở thành vợ ông, Jamie. Hohn từng làm việc cho quỹ phòng hộ Perry Capital từ năm 1996, đến năm 2003 thì thành lập CIFF.

Christopher Hohn. Ảnh: Bloomberg. 

“Nhiệm vụ nền tảng của CIFF là cải thiện cuộc sống trẻ em nghèo đói ở các nước đang phát triển, và điều này vẫn không thay đổi qua nhiều năm. Tôi muốn những khó khăn đều được giải quyết”, Hohn phát biểu trên trang web của CIFF.

Carlos Slim

Quốc tịch: Mexico

Số tiền đã quyên góp: 4,2 tỷ USD

Ông trùm viễn thông Carlos Slim là một trong những người đưa ra lời phê bình đến tổ chức Giving Pledge. “Nhiều vấn đề sẽ được giải quyết thông qua các hoạt động phát triển kinh doanh. Từ thiện không giải quyết được đói nghèo. Bao nhiêu tiền mà hoạt động từ thiện đã lãng phí trong những năm qua? Hàng nghìn tỷ USD”, Slim nói vào năm 2011.

Carlos Slim. Ảnh: Getty. 

Tuy vậy, vị tỷ phú này tin tưởng vào các hình thức thiện nguyện khác. Phát ngôn viên của Slim cho biết, từ năm 2006 đến nay, người giàu nhất Mexico đã tài trợ 4,2 tỷ USD cho quỹ Carlos Slim. Theo báo cáo của Forbes, phần lớn số tiền đó đến từ cổ tức ông thu được từ một số tập đoàn lớn nhất Mexico.

Trong 6 năm qua, ông đầu tư 160 triệu USD cho những dự án nhằm cải thiện điều kiện sức khỏe và giáo dục. Quỹ của tỷ phú này cũng hợp tác với một số tổ chức phi lợi nhuận, bao gồm Quỹ Clinton và Quỹ Gates.

Li Ka-shing

Quốc tịch: Hồng Kông

Số tiền đã quyên góp: 3,2 tỷ USD

Kể từ năm 1980, quỹ của Li Ka-shing đã quyên góp hàng tỷ USD cho giáo dục, dịch vụ y tế và các nghiên cứu trên 27 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, nơi ông được sinh ra.

Li Ka-shing. Ảnh: Getty. 

“Khi nhận được Giải thưởng Thành tựu Trọn đời từ Forbes năm 2006, tôi chia sẻ với mọi người rằng tôi xem quỹ từ thiện của mình như đứa con thứ 3. Tôi hy vọng có thể thuyết phục được những người có tiềm lực ở châu Á cùng chung tay đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng”, Li trả lời Forbes năm 2017.

Hansjoerg Wyss

Quốc tịch: Thụy Sỹ

Số tiền đã quyên góp: 1,9 tỷ USD

Wyss thành lập nhà sản xuất thiết bị y tế Synthes và bán nó cho Johnson & Johnson năm 2012 với giá 20,2 tỷ USD bao gồm tiền mặt và cổ phiếu. Tỷ phú này không chỉ cống hiến cho việc bảo vệ môi trường tại châu Âu mà còn ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ.

Trong mục op-ed của tờ New York Times vào tháng 10/2018, ông cam kết sẽ đóng góp 1 tỷ USD cho việc bảo tồn đất đai và đại dương để bảo vệ 30% bề mặt trái đất vào năm 2030.

Hansjoerg Wyss. Ảnh: Forbes.

“Mỗi người trong chúng ta – những công dân, những nhà hảo tâm, và những nhà lãnh đạo – nên cảm thấy có vấn đề khi nhưng nỗ lực bảo vệ thiên nhiên của chúng ta trong thực tế còn quá nhỏ bé’, Wyss viết.

Stephan Schmidheiny

Quốc tịch: Thụy Sỹ

Số tiền đã quyên góp: 1,5 tỷ USD

Schmidheiny nắm vai trò chủ tịch tập đoàn vật liệu xây dựng do cha ông sáng lập, Swiss Eternit, từ năm 1976 khi ông chỉ mới 29 tuổi. Từ năm 2003 đến nay, ông quyên góp khoảng 1,5 tỷ USD cho công việc thiện nguyện.

Năm 1992, Schmidheiny giúp Liên Hiệp Quốc tổ chức hội nghị đầu tiên về môi trường và sự phát triển. Kết quả của hội nghị là 600 triệu USD được đầu tư cho các dự án trên thế giới cho sự phát triển bền vững.

Stephan Schmidheiny. Ảnh: Forbes.

Năm 2012, tỷ phú này bị một tòa án tại Italy kết án vì chi nhánh tập đoàn Eternit tại quốc gia này dính đến 2.000 cái chết có liên quan với chất amiăng. Tòa án Tối cao Italy đã thay đổi quyết định và tha bổng cho ông vào năm 2014.

Theo Zing.vn