Bên cạnh đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng trong bối cảnh mới, việc xây dựng thương hiệu trước hết cần ý chí mạnh mẽ và quyết đoán từ những người lãnh đạo.
Trong bối cảnh tầng lớp trung lưu được mở rộng nhờ thu nhập trung bình gia tăng, câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp cũng được nhắc đến nhiều hơn khi hành vi người tiêu dùng không chỉ dừng lại “ăn no mặc ấm” mà còn “ăn ngon mặc đẹp”.
Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Viêt Nam đã bắt đầu xuất hiện trong các bảng xếp hạng thương hiệu có giá trị của khu vực và thế giới nhưng số lượng vẫn còn rất khiêm tốn.
Điều này không chỉ phản ánh thực tế Việt Nam có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ “sáng cấy chiều gặt” mà còn cho thấy không ít doanh nghiệp chưa có ý thức đối với thương hiệu hoặc chưa biết bắt đầu từ đâu.
Theo ông Vũ Xuân Trường, thành viên ban cố vấn Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tư duy sản phẩm là tư duy đã tồn tại nhiều năm và trong bối cảnh hiện nay, tư duy quan trọng hơn là tư duy coi thương hiệu là một vũ khí để cạnh tranh.
Doanh nghiệp được nhận định cần có sự thay đổi từ kinh tế sản phẩm chỉ quan tâm đến khái niệm lợi ích sang kinh tế thương hiệu với sự quan tâm đến giá trị. Ông Trường cho rằng để phát triển thương hiệu, những nhân vật đứng đầu doanh nghiệp cần một tầm nhìn đủ lớn, đủ tâm và đủ dài để có thể nhìn thấy xu hướng của thị trường, từ đó chuyển hóa thành các mục tiêu và thực thi.
Trong quá trình ấy, “tiếp thị, sáng tạo sẽ là là những mũi khoan, chìa khóa mang lại thành công”, ông Trường chia sẻ tại tọa đàm “Làm gì để củng cố và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp ngành dầu khí?”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chú trọng đến tư duy thị trường, tư duy quản trị và tư duy lãnh đạo cùng với thay đổi nhận thức, hệ thống hóa quản trị chuyên nghiệp để có thể phát triển đột phá và vững chắc.
“Câu chuyện thương hiệu là câu chuyện dài, không thể một sớm một chiều”, ông Trường nhấn mạnh.
Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group, quan điểm thương hiệu đã thay đổi nhiều và đang chuyển dịch theo phương thức marketing hoàn toàn khác bằng cách xây dựng mối quan hệ với các khách hàng.
“Ngày hôm nay muốn làm thương hiệu phải tạo ra cuộc trò chuyện với khách hàng, hiểu khách hàng thông qua đối thoại trực tiếp với họ và chiến lược marketing là chiến lược kiểu hiện đại 4.0. Xây dựng thương hiệu chính là thổi hồn, biến thương hiệu đó thành con người”, ông Vinh cho hay.
Theo đó, bốn yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu bao gồm hành xử như một con người, biết sử dụng, ứng dụng dữ liệu để tiếp cận với các đối tượng khách hàng toàn cầu, chiến lược cá nhân hóa và phải có tính nhân văn.
Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, nhận định quản trị doanh nghiệp và thương hiệu là mối quan hệ không thể tách rời. Do đó, muốn nâng cao thương hiệu và phát triển bền vững phải gắn với quản trị doanh nghiệp.
Trong quản trị công ty, một trong những nguyên tắc quan trọng nhất là làm sao phát huy lợi ích không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của cán bộ công nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan. “Sự thay đổi phải là sự thay đổi của công ty, từ đó tăng khả năng cạnh tranh và phát triển thương hiệu”, ông Vũ Bằng nhấn mạnh.
Theo ông, muốn xây dựng và phát triển thương hiệu phải có tư tưởng đổi mới, tầm nhìn chiến lược, sự thay đổi theo thời gian và sự quyết đoán của lãnh đạo công ty.
“Quản trị tốt sẽ nâng cao giá trị và giá cổ phiếu công ty. Khi giá trị công ty được nâng lên, thương hiệu cũng tăng theo. Khi đã thương hiệu tốt, hoạt động tốt thì khả năng vay vốn, khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn”, ông phân tích.
Để tăng cường thương hiệu, trước hết cần có nhận thức và hiểu biết về quản trị công ty, trong đó có quản trị thương hiệu và quan trọng nhất là sự quan tâm và quyết định của ban lãnh đạo. Bên cạnh đó, trên cơ sở đánh giá hiểu biết quản trị để xây dựng lộ trình quản trị công ty.
Minh bạch được đánh giá là yếu tố quan trọng bởi khi tạo được sự minh bạch, thị trường sẽ hiểu doanh nghiệp hơn và trong trường hợp có sự cố, doanh nghiệp đó có thể vượt qua.
“Cuối cùng, dưới góc độ Nhà nước, cần phải có hoạt động giám sát gian dối thương hiệu và tiêu chuẩn cũng như cần có chính sách bảo vệ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp”, ông Bằng nhấn mạnh.
Theo TheLeader