Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Những giấc mơ dang dở…

Giữa những ngày cả xã hội sống trong ngày hội Hiến chương nhà giáo, nhưng nốt trầm của ngành vẫn còn đâu đó quá nhiều trong cuộc sống.

Tôi gặp Hoa vào một buổi chiều nắng nhạt, trận mưa lớn do hoàn lưu bão số 5 xé tan tác vườn cải vừa lên mầm. Mưa tạnh, nắng phất nhẹ, Hoa phải xới lại luống đất gieo lại hạt chạy đua với thời gian cho kịp mùa tết Dương lịch.

Cái ẩm ương của đất trời Trung Bộ khiến mẹ con Hoa làm mãi, làm mãi chẳng có dư, khi được mùa thì bị thương lái ép giá, mưa gió quét qua thì rau ráng hỏng cả, chẳng đủ bán.

7 năm trước, cả xóm nghèo ngưỡng mộ vì Hoa là một trong số rất ít con dân của xóm đỗ đại học, lại là Sư phạm, rất hợp với đứa lành tính lại tốt bụng như Hoa. 4 năm ròng rã đi và về giữa thành thị và nông thôn, Hoa đem về cho gia đình biết bao hứa hẹn.

Lấy về tấm bằng, rồi ngóng chờ đợt tuyển dụng giáo viên, nhưng số phận nghiệt ngã, thời buổi “ghế ít, đít nhiều” kiếm đâu ra một suất “nghề giáo” nơi vùng quê khó khăn này?

Thắc thỏm đợi chờ, Hoa cứ hy vọng “rồi sẽ đến lượt mình” nhưng đã 3 năm rồi, vì muôn vàn lý do, ước mơ viên phấn, bục giảng dần rời xa, cây rau, cây cỏ, vườn tược cứ cuốn lấy cô cử nhân sư phạm.

“Chẳng nhẽ nộp hồ sơ đi làm công nhân?” Hoa hỏi tôi, rồi tiếp “có khi em ở nhà trồng rau cho yên phận rồi kiếm tấm chồng gần nhà, thế là xong một đời người”.

Hoa chùng xuống sau đoạn hội thoại với tôi, ngân ngấn ở khóe mắt. Tôi không hỏi gì thêm nữa! Nắng chiều le lói xuyên qua đám lá tre xác xơ hắt xuống khoảnh sân hạt tròn hạt dẹt lác đác cỏ mọc, tôi cầm máy ảnh mà lòng rệu rã chẳng buồn bấm.

Có lẽ đây là một trong những người “thất nghiệp” kiệm lời nhất mà tôi gặp. Nhưng ngôn ngữ cơ thể đủ mạnh để khiến người ta thấu cảm được nỗi lòng chất chứa bấy lâu.

Vẫn còn rất nhiều cử nhân sư phạm còn thất nghiệp (Hình minh họa)

Hùng, quê Thanh Hóa, cùng học với tôi suốt quãng đường trên giảng đường đại học, nhà hắn nghèo, nghèo đúng nghĩa, nhưng bố mẹ lại rất giàu ý chí kiếm chút chữ để tương lai đàn con khấm khá hơn.

Thế là hắn đi học, học như điên mà trong túi không có lấy một xu dính túi giữa thành phố xa lạ. Để tồn tại, hắn quyết mua bằng được cái xe đạp cũ, mày mò đến bưu điện lấy báo về bán, thuở báo giấy còn thịnh.

Bất kể đông hay hè, mưa hay nắng hắn đều đặn dậy từ 5h sáng, vút lên bưu điện trung tâm đón lỏng xe thư báo, phải nhanh không thì hết khách. Bán xong mấy chục tờ báo tạt hàng bánh mì lấy một ổ, vừa đạp vừa nhai ngồm ngoàm đến lớp…

Rồi báo điện tử lên ngôi, khách mua báo giấy thưa dần, thưa dần rồi hết hẳn, hắn lại thất nghiệp. Hết bán báo hắn chuyển sang phục vụ quán cà phê, giữ xe nhà hàng, bồi bàn trong quán bar thâu đêm suốt sáng. Hắn nghị lực phi thường, nhất là khoản ước mơ rất kiên cố.

Tôi thường trêu nó “mày đi học như đi xuất khẩu lao động”, tết chẳng được về, hè lại càng không, bởi dịp đó nó kiếm được kha khá đủ cho nửa năm học…

Trông hắn càng ngày càng xanh và gầy, nhưng hoài bão thì chưa bao giờ dứt, hắn ước mơ trở thành một Tiến sĩ và giảng viên đại học. Thế rồi cù mài, giật gấu vá vai 6 năm, hắn có bằng Thạc sĩ loại giỏi.

Nhưng trời sao chưa tỏ thấy lòng hắn, xin hoài, xin mãi, xin muôn nơi, nhưng chỗ thì hứa, người thì hẹn, nơi bảo chưa cần, hắn biết người ta cần gì, nhưng cái họ cần thì hắn không có, lấy đâu ra vài trăm triệu?

Thế là ước mơ bị chặn lại, hắn gói gém bằng cấp, chút đồ cũ rích và bắt đầu phiêu du đến một thành phố khác, tìm cơ hội mới, nhưng đã 5 năm rồi, giấc mơ trở thành nhà giáo vẫn cứ trêu ngươi hắn. Có lẽ lần này hắn sẽ bỏ, bỏ thật!…

Tôi không định gom góp mấy chuyện thường nhật để làm mất không khí đầm ấm trong ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam hôm nay (20/11). Nhưng nghề giáo, nhà giáo và những góc khuất của nó đang hiện hữu trong từng hơi thở cuộc sống.

Trong khúc nhạc vui, đầy cao quý để tri ân “nghề cao quý” vẫn có quá nhiều nốt trầm, trầm đến se sắt cõi lòng, hàng vạn ước mơ trở thành giáo viên đã bầm dập, uất nghẹn ở đâu đó. Lỗi tại người học hay lỗi của nền giáo dục?

Do đâu mà 40.000 cử nhân sư phạm thất nghiệp? Có phải vì chúng ta thiếu đi một bản quy hoạch đào tạo giáo viên? Không một ai dự báo cung – cầu để ngăn chặn tuyển sinh ồ ạt?

Rồi thì thừa giáo viên, người đông việc ít, thế mới nảy sinh tiêu cực, muốn cầm phấn phải chung chi, muốn thực hiện ước mơ phải chấp nhận hợp đồng tạm bợ… để rồi xảy ra hàng tá chuyện đau lòng bấy lâu nay.

Nghề giáo vẫn cao quý đúng như bản chất của nó, rất rất nhiều tấm gương cô, thầy cần được xã hội vinh danh như những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Đó là cô giáo ở Lai Châu cắm bản vùng sâu, gửi con cho ông bà, 2 năm mới gặp gia đình một lần…

Đó là những thầy giáo trẻ, cõng con chữ lên núi cao, đèo văn hóa xuống vực sâu, không quản tính mạng, tuổi xuân để cống hiến vì sự nghiệp giáo dục. Rồi hàng vạn trẻ em lội suối, băng rừng, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, lấy chòi làm lớp, lấy vách núi làm trường…

Thế còn những người làm chính sách, chúng ta vẫn hoài mãi muốn ngợi ca tôn vinh sự hy sinh ấy? Liệu có công bằng? Tại sao vẫn mãi hy sinh, trong khi chúng ta có đủ tiềm lực để khang trang lại nền giáo dục, chăm lo cho đội ngũ giáo viên vùng khó?

Theo ENTERNEWS.VN