Lần đầu tiên ấn bản cuốn hồi ký hư cấu Những cảnh đời tỉnh lẻ của J. M. Coetzee gồm ba tập Tuổi thơ, Tuổi trẻ và Mùa Hè được xuất bản ở Việt Nam.
Rất ít nhà văn từng nhận nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, cũng như thu hút được nhiều người ngưỡng mộ trong thế giới văn học như J. M. Coetzee. Tuy nhiên, tác giả nổi tiếng này hiếm khi nói về bản thân mình cho đến khi Tuổi thơ xuất hiện năm 1997, kể lại câu chuyện về khởi đầu của một nhà văn trẻ với lối tự thuật bậc thầy và đầy gợi mở, rồi được tiếp nối với Tuổi trẻ dịu dàng, mãnh liệt và cuối cùng là Mùa Hè thật mới mẻ.
Câu chuyện của Những cảnh đời tỉnh lẻ – Tuổi thơ mở ra tại một thị trấn nhỏ ở Nam Phi vào những năm 1940, độc giả gặp gỡ John, một cậu bé không thoải mái với cha mình và bị cản trở bởi tình yêu vô điều kiện của mẹ.
Thế rồi đến Tuổi trẻ, cậu bé ngày nào – dù chỉ mới là một sinh viên khoa Toán ở Cape Town đã sẵn sàng trốn khỏi quê hương đến châu Âu và biến mình thành một nghệ sĩ. Tuy nhiên ở Luân Đôn, anh vỡ mộng, rồi trở thành một lập trình viên máy tính, sống trong các căn hộ ẩm ướt, buồn tẻ và bị ám ảnh bởi sự cô đơn, nỗi dằn vặt vì không thể sáng tác.
Nhiều thập kỷ sau, trong Mùa Hè, một nhà viết tiểu sử người Anh đã tìm gặp, trò chuyện cùng những nhân vật quan trọng trong cuộc đời của John Coetzee quá cố, với mong muốn viết nên một cuốn sách đặc biệt về tiểu thuyết gia tài ba này, nhất là giai đoạn sau khi ông trở về Nam Phi. Qua lời kể của những người được phỏng vấn, độc giả lại thấy được chân dung gần như đầy đủ nhất của John Coetzee: một người đàn ông vụng về vẫn sống với cha mình, một người đàn ông buồn tẻ.
Vẫn lối hành văn giản dị mà chất chứa sức nặng của cả cuộc đời, nhà văn đoạt giải Nobel – J. M. Coetzee mang đến cho chúng ta những áng văn chao đảo giữa thực tại và hư cấu. Những cảnh đời tỉnh lẻ là một bức chân dung hài hước mà đau đớn về cuộc đời người nghệ sĩ, dưới ngòi bút của một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế giới.
Theo DNSG