Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Nhật Bản hiến kế giúp Việt Nam giải quyết ô nhiễm môi trường

Những quy định rõ ràng, được chuẩn hóa và thực hiện một cách nghiêm túc, bắt buộc được xem là giải pháp “đinh” cho những vấn đề môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam.
Ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng sức khỏe người dân mà còn giảm mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Trên con đường phát triển tiếp theo của Việt Nam, môi trường suy thoái do ô nhiễm không khí và xử lý nước thải công nghiệp được nhận định là vấn đề đáng lo ngại.

Ô nhiễm môi trường không chỉ dẫn đến những mối nguy hại về sức khỏe cho người dân mà còn có thể ảnh hưởng đến mối quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam, ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), đánh giá tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ năm 2019 mới đây

Ông cho biết một ví dụ dễ thấy là sự suy giảm các dự án đầu tư từ các công ty nước ngoài. Vì vậy, để cải thiện môi trường, việc tăng cường các quy định của Chính phủ và đặt trọng tâm vào vấn đề cải thiện môi trường là vô cùng cấp thiết.

Quý cuối năm 2019, Hà Nội có “Chỉ số chất lượng không khí” (AQI) ở mức nguy hại nhất, theo sau là TP. HCM ở mức cao thứ ba. Trong khi khu vực đô thị ô nhiễm bởi khí thải xe máy, ô tô thì khu vực nông thôn lại phải chịu những hệ quả của tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch.

Theo số liệu báo cáo được PGS.TS Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường và đô thị, Đại học Kinh tế Quốc dân, đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn – Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường” giữa tháng 11 năm ngoái, thiệt hại của Việt Nam mỗi năm do ô nhiễm môi trường tương đương khoảng 5% GDP.

Ngoài ra, ô nhiễm nước cũng là một vấn đề nghiêm trọng khi hệ thống thoát nước từ các khu công nghiệp và hộ gia đình làm nồng độ chất ô nhiễm tại hầu hết hệ thống sông ngòi trong đô thị tăng cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quốc gia, JCCI trong báo cáo tại diễn đàn nêu rõ.

Để đối phó với vấn đề ô nhiễm trên, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản khi quốc gia này đã từng trải qua tình trạng “Các đảo bị ô nhiễm”.

Từ những năm 1960 đến những năm 1970, ô nhiễm môi trường là vấn đề nghiêm trọng tại Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng cao, đến mức báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đề cập: “Trong những năm 1960, Nhật Bản là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất”.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng đến nỗi đã làm xuất hiện nhiều mối nguy hại về sức khỏe trên phạm vi quốc gia , ví dụ như bệnh hen suyễn. Tại thời điểm đó, Nhật Bản đang tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm là xấp xỉ 8%, giống như Việt Nam hiện nay. “Đây là kết quả của việc ưu tiên phát triển kinh tế quá mức mà không xem xét tới các biện pháp đối phó với những tác động đến môi trường”, JCCI nhấn mạnh.

Khi ô nhiễm như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm tiếng ồn, độ rung, sụt lún đất, mùi khó chịu trở thành vấn đề được cả xã hội quan tâm, chính phủ Nhật Bản đã hạn chế phản ứng dữ dội của thế giới bằng cách sửa đổi “Đạo luật kiểm soát ô nhiễm môi trường” vào năm 1970.

Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Cho đến khi đó, Chính phủ mới miễn cưỡng áp dụng những tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt vì những tác động bất lợi có thể gây ra cho nền kinh tế. Chính phủ nước này cũng đã loại bỏ điều khoản về “Sự hài hoà giữa kiểm soát ô nhiễm và phát triển kinh tế” ra khỏi luật này và đã sửa đổi chính sách quốc gia từ ưu tiên công nghiệp sang ưu tiên về sức khỏe của người dân Nhật.

Luật này đã dẫn đến việc thiết lập các hướng dẫn về các biện pháp bảo vệ môi trường và các cơ quan chuyên ngành, được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ thông qua những ưu đãi về thuế và các khoản vay với lãi suất thấp. Kết quả là, ô nhiễm đã giảm mạnh trong một khoảng thời gian ngắn. Tính đến năm 1982, 99% thành phố đã không còn thuộc ngưỡng tiêu chuẩn ô nhiễm không khí.

Ông Nobufumi Miura cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên đặt ra những quy định rõ ràng và được chuẩn hóa, ví dụ như “ưu tiên sức khỏe hơn phát triển công nghiệp”. Cùng với đó, cần thực hiện và tăng cường các quy định một cách khoa học, hợp lý và hiệu quả, cũng như thúc đẩy việc thực hiện các công nghệ bảo vệ môi trường mới nhất để đáp ứng các quy định đó.

JCCI khuyến nghị cần xây dựng các điều luật và quy định về thiết kế tòa nhà, vật liệu xây dựng, phương pháp thông gió và tiêu chuẩn đánh giá quốc gia, cải thiện chất lượng không khí trong các không gian kín như nhà ở, trường học và văn phòng nơi mọi người dành hầu hết thời gian trong ngày để sống và làm việc. Quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn được đánh giá là việc làm cần thiết để nhanh chóng cải thiện chất lượng không khí.

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá công trình cao tầng vẫn đang và sẽ là các công trình tiêu thụ nhiều điện năng nhất. Thiết kế tòa nhà một cách hợp lý có thể góp phần hạn chế lượng điện tiêu thụ trong 25 năm tiếp theo của vòng đời tòa nhà.

Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn sơ khai với chỉ khoảng 40 công trình trong nước được cấp giấy chứng nhận công trình xanh, trong đó phần lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp.

Chính phủ trung ương và địa phương cần khuyến khích chủ công trình xây dựng xin cấp chứng chỉ công trình xanh. Bên cạnh các loại chứng chỉ công trình xanh quốc tế được sử dụng tại Việt Nam, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam đã phát triển chứng chỉ LOTUS.

Có những lo ngại rằng các quy định có thể cản trở quá trình tăng trưởng kinh tế nhưng nếu vấn đề về môi trường còn tồn tại như hiện nay, những tác động bất lợi sẽ ngày càng trở nên rõ ràng. Do đó, việc giải quyết ô nhiễm môi trường càng cấp bách hơn bao giờ. 

Theo The Leader