Cuộc trò chuyện cùng doanh nhân Nguyễn Tuấn Khởi, nhà sáng lập The Sharing Group, về những thăng trầm trong 12 năm hoạt động của một doanh nghiệp xã hội, không chỉ có những khó khăn, thách thức mà nhiều hơn cả là “trái ngọt” mà anh và các cộng sự thu hoạch được để gửi đến cộng đồng.
Làm thiện nguyện, hoạt động cộng đồng từ năm 2005, Nguyễn Tuấn Khởi được chú ý bởi các hoạt động như Hành trình Đỏ – chiến dịch kêu gọi hiến máu cứu người. Trong hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát, các mô hình Bếp yêu thương, Khách sạn cộng đồng, Tủ lạnh cộng đồng, Cơm di động miễn phí… mà anh thức hiện đã góp phần lan tỏa sự sẻ chia và tinh thần hỗ trợ trong cộng đồng.
Khởi cũng là nhà sáng lập của Foodbank Việt Nam, hoạt động như một trung tâm chứa thức ăn cho các tổ chức từ thiện và các nhóm cộng đồng. Trong giai đoạn dịch bệnh, ngân hàng thực phẩm này đã cung cấp rau, củ, quả, thực phẩm cho hàng loạt mái ấm, viện dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội, nơi nuôi dưỡng trẻ em, người già, tàn tật… ở TPHCM. Đi qua những biến động mạnh mẽ của nền kinh tế và cả xã hội trong hai năm qua, vị doanh nhân 38 tuổi này nhìn nhận đó là thời điểm người chèo lái và những thuyền viên của mình đã nỗ lực hết sức, để có thể thích nghi và vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Tuấn Khởi hiện đứng đầu 10 công ty thành viên thuộc The Sharing Group, trong đó có sáu doanh nghiệp xã hội và bốn doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như truyền thông đa phương tiện, thực phẩm – nông nghiệp, công nghệ – y tế, giáo dục, thể thao, công nghệ vận tải, thương mại điện tử…
Đợt dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế chung, làm ảnh hưởng hàng loạt doanh nghiệp lớn, nhỏ, anh Tuấn Khởi cũng không ngoại lệ khi phải đóng cửa chuỗi 15 cửa hàng thực phẩm chuyên bán nông sản và thịt heo trong năm 2019-2020. Anh cho biết thời điểm đó mình đã tập trung nguồn lực, huy động toàn mạng lưới kết nối trước đây chung tay hiện thực hóa nhiều ý tưởng khác vì người nghèo, người gặp hiểm nguy từ đại dịch.
Bên cạnh đó, anh Khởi cũng gồng gánh nhiều chi phí vận hành và đối diện nỗi lo tài chính lớn hơn khi hoạt động với tính chất doanh nghiệp xã hội. Cụ thể, vì giao thương bị đứt quãng, tất cả ngành nghề lĩnh vực đều chững lại, việc hợp tác triển khai nhiều dự án với các bên bỗng dưng bị đình trệ. Theo anh Khởi, doanh nghiệp xã hội một phần phải tự lực, phần còn lại phải thường xuyên hợp tác với nhiều đơn vị, cơ sở khác để cùng cộng hưởng sức mạnh, nhưng khi nền kinh tế lao đao, những cánh tay nối dài đến với doanh nghiệp, hoạt động chung tay vì cộng đồng cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
“Chính doanh nghiệp tạo tác động xã hội bị ảnh hưởng lớn hơn vì lúc này ai cũng lo cho mình trước tiên. Con virus vô hình đó cũng làm nhiều người có xu hướng tích trữ sự an toàn cho bản thân hơn, không ai muốn cho đi nhiều hoặc san sẻ điều mình đang có vì thấy bao nhiêu cũng không đủ”, anh nhấn mạnh.
Tuy vậy, bếp yêu thương và ngân hàng thực phẩm, cùng nhiều dự án tiếp tế lương thực đến người cần vẫn được tiếp lửa và hoạt động xuyên suốt mùa dịch. Anh Khởi cùng thành viên trong công ty, mạng lưới tình nguyện viên, chủ kinh doanh làm nhiều mô hình khác như “Khách sạn cộng đồng” cung cấp chỗ ở miễn phí từ những khách sạn đóng cửa trong thành phố, “Tủ lạnh cộng đồng” chia sẻ thực phẩm từ người dư cho người thiếu, dự án “Cơm di động miễn phí”, “Bếp yêu thương” trao các suất ăn miễn phí cho người nghèo.
Đi cùng doanh nghiệp qua đại dịch, anh Khởi chia sẻ cách thức đối phó với bất lợi như trên nằm ở hai từ thích ứng. Nếu trước đây khi có bất kỳ ý tưởng, chương trình nào, anh sẽ kết nối cùng những doanh nghiệp lớn, đứng đầu trong mảng lĩnh vực đó để đồng hành tổ chức. Thì giờ đây, khi các đơn vị đó gặp khó trong dịch bệnh, anh xác định lại và mở rộng mạng lưới, tìm kiếm đến nhiều nhóm cộng đồng nhỏ hơn, cùng chung mục tiêu, đoàn kết lại thành bó đũa lớn đi qua cơn bão chung.
“Ngoài ra, tôi cũng tập trung tìm cách biến đổi sản phẩm, chuyển đổi hóa sang công nghệ. Tài sản giờ đây nằm trên không gian mạng, ít phụ thuộc vào con người. Động thái đóng 15 cửa hàng offline ngay khi có tín hiệu cũng là cách giảm thiểu thiệt hại hơn một chút, dồn nguồn lực phát triển vào nền tảng số để tạo ra hệ thống linh hoạt hơn chứ không giới hạn không gian, thời gian, địa lý”, CEO Nguyễn Tuấn Khởi bày tỏ.
Khởi tâm niệm trong hai năm khó khăn vì đại dịch, anh có thể nhìn rõ những bất ổn luôn rình rập trong xã hội, gần nhất là dịch bệnh, và trong tương lai có thể sẽ là thiên tai, chiến tranh… Ngay thời điểm bất ổn, doanh nghiệp xã hội sẽ xuất hiện và có mặt nhiều hơn. Cụ thể, trong giai đoạn vừa qua, Khởi cùng những cộng sự của mình đã làm việc với năng suất cao hàng chục lần so với bình thường và cho ra nhiều ý tưởng sáng tạo khác nhau.
Hiểu rõ vấn nạn lãng phí thực phẩm trên toàn cầu, ngay khi ra mắt Foodbank Việt Nam 2018 với hai sứ mệnh là chống lãng phí thực phẩm và không để ai bị đói, anh Khởi đã giúp cho nhiều bếp ăn từ thiện ở các cơ sở viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội cho người già, trẻ em, người khuyết tật duy trì hoạt động.
Gần đây nhất, Foodbank Việt Nam giúp bếp cơm đỏ lửa, cho người dân khó khăn trong dịch Covid-19 có những suất cơm ấm lòng. Được biết, mô hình Foodbank hoạt động như tổ chức phi lợi nhuận. Từ việc có sẵn nguồn thực phẩm do anh vận động, tạo mạng lưới liên tục nhiều năm ở nhiều nơi như mạnh thường quân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh… anh chủ động được nguồn cung cấp, vì thế các hoạt động tại bếp ăn thiện nguyện, phân phát thực phẩm cho người nghèo không bị đứt quãng.
“Mô hình này đã có trên thế giới và khi đem về Việt Nam, chúng tôi ứng dụng khá hiệu quả. Cụ thể, những thực phẩm gần hết hạn hay những món rau củ quả chỉ bị hỏng một phần ở rất nhiều cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, thay vì nằm trong kho rác, chúng tôi sẽ xin doanh nghiệp quyên góp hoặc mua lại với giá hỗ trợ, giá gốc. Đây là chiến dịch chia sẻ thực phẩm trong một vòng tròn khép kín để từ nơi dư thừa sẽ đến tay người thiếu thốn mà không bị bỏ phí”, anh kể.
Sau khi triển khai nhiều dự án liên quan đến mạng lướng chia sẻ thực phẩm cho người nghèo với giá thành rẻ, anh nhận thấy vẫn còn sự lãng phí rất lớn trong tiêu thụ thực phẩm, và điều đó thôi thúc cho sự ra đời của Foodshare, mạng xã hội trong ngành thực phẩm vào ngày 15-10 sắp tới. Đây được xem là bước đi mới nhằm tăng cơ hội cho người nghèo có thêm bữa ăn ngon với giá thành rẻ và hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm.
Foodshare hoạt động như “Facebook của ngành thực phẩm” với nhiều tính năng kết nối. Trong đó Foodshare Market như một nền tảng kết nối mua bán nhằm chống lãng phí thức ăn, hướng đến người khó khăn cần hỗ trợ lương thực, có điểm tương đồng với các ứng dụng như Too Good To Go (Đan Mạch), Karma (Thụy Điển), The Food Life (Pháp)… Đồng thời, đây còn tạo diễn đàn cho mọi người chia sẻ thực phẩm với nhau giá rẻ và tìm hiểu thêm thông tin về thực phẩm mỗi ngày.
Chẳng hạn, một đơn vị, cá nhân nào đó vì nhiều lý do cần thanh lý, bán nhanh lô hàng với giá giảm 30-50%, thông qua Foodshare, người cho nhu cầu sẽ tìm đến và mua về sử dụng thay vì thực phẩm bị thải bỏ, hoặc người bán sẽ tìm được tổ chức từ thiện để quyên góp. Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng người nông dân trong “giải cứu” nông sản, anh Khởi hy vọng khoảng vài năm nữa, mạng lưới kết nối từ nhà sản xuất, bán lẻ đến người lao động, người có nhu cầu của Foodshare sẽ được mở rộng.
Qua 12 năm đi lên từ một doanh nghiệp xã hội, nhà sáng lập của The Sharing Group vẫn nhớ về những ngày đầu thành lập công ty cùng tâm nguyện tuổi trẻ: “Đến nay, tôi vẫn tự tin rằng lợi nhuận lớn nhất tập thể mình có được là tạo ra giá trị xã hội mang tính tiếp nối”.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, vị doanh nhân thế hệ 8x hy vọng những thế hệ làm kinh doanh đi trước hãy động viên, tạo điều kiện cho những thế hệ tiếp nối 9x, 10x có không gian cho sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm. “Hãy rộng lượng hơn với họ và ủng hộ những người trẻ vì chính họ mới là người làm chủ tương lai”, anh bộc bạch.
Theo thesaigontimes.vn