Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Người phụ nữ bỏ tiền túi mua xe cứu thương chạy miễn phí

Xót xa trước những hoàn cảnh khó khăn của các bệnh nhân ngoại tỉnh về Hà Nội chữa trị, bà Phan Thị Bính đã quyết định bỏ tiền túi mua một chiếc xe cứu thương vận chuyển bệnh nhân miễn phí.

Chia sẻ về lý do bà quyết định thành lập và duy trì nhóm xe cứu thương miễn phí này, bà Phan Thị Bính (SN 1956, trú quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) cho biết, cách đây gần 3 năm bà từng rơi nước mắt trước vụ việc xe cứu thương chở một bệnh nhân nhỏ tuổi bị chặn ở BV Nhi Trung ương.

“Không lâu sau đó là hình ảnh anh Lò Văn Muôn (quê Sơn La) phải trở thi thể em gái bó chiếu trên xe máy về nhà làm hậu sự đã ám ảnh tôi. Chính vì thế, tôi đã quyết tâm tìm hiểu, kêu gọi bạn bè, người quen để thành lập nhóm xe cứu thương miễn phí”, bà Bính cho hay.

Nghĩ là làm, bà Bính đã cùng người bạn thân Thái Thị Tám (SN 1964, trú quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) vượt hơn 2.000km lặn lội vào An Giang để tìm hiểu về mô hình nhóm thiện nguyện xe cứu thương miễn phí cũng như cách vận hành, các thủ tục cần thiết để đưa nhóm đi vào hoạt động.

Bà Phan Thị Bính

“Tôi và bạn khá may mắn khi được hội thiện nguyện tại đây hỗ trợ, giúp đỡ nhiều mặt. Sau khi tìm hiểu về cách thức hoạt động, tôi đã quyết định mua lại một chiếc xe hiệu Toyota cũ khoảng 600 triệu đồng để làm xe cứu thương. Số tiền này tôi chẳng kêu gọi ai cả, là tiền tích cóp của bản thân tôi và các con hỗ trợ chiếm khoảng 90% vốn mua xe, còn 10% còn lại là các thành viên trong nhóm và một số người vui vẻ ủng hộ”, bà Bính cho biết.

Theo bà Phan Thị Bính, khi nhóm thiện nguyện của bà được thành lập do bà làm nhóm trưởng, cách thức hoạt động đã được thống nhất, xe cũng đã có, thế nhưng vấn đề lớn nhất làm cả nhóm “dở khóc dở cười” ấy là chẳng có… lái xe.

“Nhóm thiện nguyện chúng tôi chủ yếu là nữ, đến lúc mua xe rồi mới nhớ ra là quên tính việc ai là người lái xe. Không có lái xe thì làm sao chúng tôi đi vào hoạt động? Thế là tôi lại phải liên hệ nhờ nhóm thiện nguyện miền Tây, may mắn có ông Mai Văn Toàn (SN 1964, quê An Giang) đã đồng ý ra Hà Nội hỗ trợ cho đến khi chúng tôi tìm được tài xế mới”, bà Bính nói.

Lái xe cuối cùng cũng có, thế nhưng theo bà Bính, việc khó nó cứ dồn việc khó, có đủ nhân lực, vật lực, cách thức hoạt động nhưng phải được sự cho phép của cơ quan chức năng. Sau khi đã đi đăng ký, hoàn tất thủ tục xin được hoạt động xe cấp cứu với đầy đủ quyền ưu tiên như: sử dụng đèn còi tín hiệu, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… như các chiếc xe chuyên dụng khác với cơ quan chức năng. Bà Bính cùng nhóm thiện nguyện tiếp tục phải đến từng phòng Công tác xã hội của các bệnh viện để đặt vấn đề chạy… miễn phí.

“Một số người còn mạo danh là trưởng nhóm thiện nguyện, thu tiền bất chính khiến nhiều người gọi điện chửi bới tôi cùng các thành viên. Hành động này làm các bệnh nhân, người nhà họ hiểu sai về mô hình xe cứu thương miễn phí cũng như hình ảnh của nhóm thiện nguyện.

Sau một quãng thời gian dài làm thiện nguyện, nhiều mạnh thường quân đã biết đến nhóm chúng tôi và ngỏ lời tài trợ, đóng góp cho nhóm. Đối với những mạnh thường quân, dù ít dù nhiều chúng tôi vẫn xin nhận lòng tốt và gửi lời cảm ơn đến họ”, bà Bính nói.

‘Hiện, chúng tôi có 10 tài xế. Mỗi chuyến, tôi cử 2 tài xế đi để đảm bảo thay ca, hỗ trợ nhau trên đường dài. Mỗi chuyến xe đi tỉnh xa chúng tôi thường mất hơn 1 triệu đồng tiền xăng xe’, bà Bính cho biết thêm.

“Đến nay, xe đã chạy được 250 chuyến vận chuyển bệnh nhân hoàn toàn miễn phí. Phía sau đó, không ít kỷ niệm…”, bà Bính nói.

Bà Bính kể, ám ảnh với bà nhất là chuyến xe của người con đưa cha về quê ở Cao Bằng.

Lúc bà đến viện, người cha đã yếu, không còn nói được nhưng ông vẫn cố rướn người lên để bày tỏ sự cảm ơn. Xe rời thành phố được một đoạn, người cha trút hơi thở cuối cùng, người thanh niên gục xuống, òa khóc.

‘Tiếng khóc ai oán vô cùng. Nếu hôm đó, tôi không đưa họ về quê, cảm giác áy náy sẽ theo tôi cả đời’, bà Bính kể.

Một chuyến xe khác là vào ngày 28 Tết năm 2018. Đó là một bệnh nhân 16 tuổi, bị ung thư xương. Cô gái được bệnh viện cho về nhà ăn Tết, sau đó cô phải trở ra Hà Nội để thực hiện phẫu thuật.

Xuất phát từ 9h tại Hà Nội nhưng phải mất 6 tiếng, xe mới về tới Thọ Xuân, Thanh Hóa do tắc đường.

Dù đã là 28 Tết nhưng trong nhà chưa hề sắm sửa được bất cứ thứ gì. Đồ đạc trong nhà không có nổi một vật có giá trị.

Về tới nhà bệnh nhân, họ vô cùng xót xa trước hoàn cảnh của gia đình. Bố của cô gái bị liệt nay cũng mắc căn bệnh ung thư, người mẹ ngẩn ngơ, không nhanh nhẹn như người bình thường. Sau cô bé 16 tuổi là 2 em nhỏ, đang tuổi ăn tuổi học.

“Khi chúng tôi chở bệnh nhân về tới nhà thì gia đình rất xúc động. Người chú ruột của bệnh nhân đứng lên thay mặt nói lời cảm ơn, anh ấy khóc”, bà Bính nghẹn ngào kể lại.

Chiếc xe cứu thương do bà Bính vận động và bỏ tiền túi ra mua.

Ngoài vận chuyển người bệnh vào cấp cứu tại bệnh viện, bà Bính còn liên hệ với phòng công tác xã hội của các bệnh viện để tiếp cận những người bệnh nặng, thậm chí người đã mất có hoàn cảnh khó khăn rồi đưa họ về quê nhà.

Không chỉ duy trì mô hình xe cứu thương, bà Bính còn phối hợp cùng các bệnh viện, thực hiện 2 đợt mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho 100 bệnh nhân miễn phí tại Hà Nội. Sau đó, sẽ tiến hành mổ từ thiện cho các bệnh nhân ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị…

Bà cũng tổ chức một nhóm thiện nguyện khác chuyên nấu cơm, phát cơm miễn phí dành cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại một số bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội. 

‘Hoạt động này giúp tôi yêu đời, khỏe mạnh hơn’, bà Bính nói, tay đặt lên ngực, nơi cách đây mấy năm trước, bà phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực vì căn bệnh ung thư…

Theo ENTERNEWS.VN