7 năm trôi qua, 85 mảnh đời bất hạnh, không nơi nương tựa đã có một gia đình, được ông chăm sóc và thương yêu.
Ông là Bùi Công Hiệp (60 tuổi, ngụ phường Phước Long, quận 9, TP.HCM) – chủ mái ấm Thiên Thần, nơi nuôi dạy 85 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi từ khi mới lọt.
Người “cha” của 85 đứa trẻ
Kể về quá trình ra đời của “ngôi nhà nhỏ” mang tên Thiên Thần, ông Hiệp cho biết năm 1983, sau khi xuất ngũ, ông xin làm bảo vệ cho một công ty nhà nước rồi ra ngoài, mở xưởng cơ khí.
36 năm, người đàn ông vất vả gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, nuôi dạy thành công 2 con nên người.
Vào độ tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi, nhớ lại lời thề dưới làn khói của bom đạn, cận kề với cái chết khi trước, ông Hiệp ngập ngừng bàn với vợ xin chuyển mục đích sử dụng, đổ đất xây mái ấm nuôi trẻ mồ côi trên mảnh đất 2.500 mét vuông – tài sản mà ông dành dụm cả cuộc đời.
Năm 2009, mái ấm Thiên Thần xin được giấy phép hoạt động. 3 năm sau, “ngôi nhà nhỏ” của trẻ mồ côi này chính thức cưu mang, nuôi dưỡng những đứa trẻ đầu tiên.
7 năm trôi qua, 85 mảnh đời bất hạnh, không nơi nương tựa đã có một gia đình, được chăm sóc và thương yêu. “Đặt tên nơi đây là Thiên Thần bởi vì tôi tin vào những thiên thần hộ mệnh, luôn tới dẫn dắt con người trong những lúc gian nan nhất”, ông Hiệp nói. [1]
Theo tìm hiểu, đa số trẻ vào cơ sở đều có gốc tích rõ ràng. Hoặc ông Hiệp nghe được thông tin ai có ý định cho con, bỏ rơi, ông tìm đến tận nơi khuyên can, đưa vào cơ sở của ông. Hoặc có người mẹ tìm đến tận cơ sở để gửi con. Phần lớn các bé đều được mẹ đứng tên trong giấy khai sinh. Những dấu vết, đồ vật trên người bé lúc nhận, ông Hiệp đều lưu giữ với mong muốn sau này con lớn lên muốn tìm lại mẹ sẽ dễ hơn.
“Có giấy chứng sinh nên tôi làm khai sinh theo họ mẹ, còn tên thì mình tự nghĩ ra. Nếu sau này họ ổn định cuộc sống, thậm chí có gia đình mới thì vẫn có thể yên tâm mình có một đứa con đang ở đây, muốn quay lại tìm con thì vẫn còn cơ hội gặp…”. – ông Hiệp nói.
Còn sức thì còn làm
Ở cơ sở Thiên Thần, tầng trên ông bố trí cho các bé còn nhỏ, chưa biết đi. Ở đây, có các đủ phòng, có đủ giường cho các bé. Tầng dưới ông bố trí cho các bé biết đi, biết tự sinh hoạt. Ông tự chế đồ chơi, cầu trượt, xích đu trong khu vui chơi trước hiên nhà.
Thấy ông, các bé reo lên “bố, bố” rồi ôm chầm lấy, thơm vào má. “Con thương bố, bố cho con nước ngọt hen”. “Ừ”. Tiếng cười nói mỗi lúc càng rộn ràng.
Kỷ niệm về mỗi bé, ông nhớ rành rọt. Như chuyện bé Kim Tâm. “Tết năm đó, trời lạnh lắm. 11h khuya, nghe tiếng chó sủa nhiều, tôi và cô Hạnh (bảo mẫu), một anh bảo vệ ra cổng xem có chuyện gì. Ngay cổng có một cái giỏ nhỏ, đứa trẻ còn chưa cắt rốn quấn khăn bông, khóc không thành tiếng. Tôi thấy có dáng người chạy vội xe máy hướng ra đường Nguyễn Duy Trinh. Thôi thì họ bỏ, mình nuôi. Tôi hối cô Hạnh đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng. Bé bị viêm phổi, có lẽ vì cái lạnh đêm đó”, ông Hiệp kể.
Còn bé Kim Bách, có người thấy một phụ nữ gầy ốm, tay ôm con, lang thang ngoài công viên, ăn mì gói, liền gọi điện báo ông Hiệp. Ông tức tốc đến ngay. Người mẹ mới 20 tuổi, ở Kiên Giang. Có thai, cô gái sợ gia đình mắng, trốn lên Sài Gòn. Gặp mẹ con Kim Bách, ông Hiệp thương cảm. Người mẹ xơ xác như bộ khung xương. Kim Bách sinh non tới 7 tuần, nặng có 2,1 kg.
“Bao nhiêu hoàn cảnh đáng thương lắm. Mình sao nỡ trách họ. Tôi nói các mẹ cứ đến thăm con, chăm con. Ai mang đến tôi cũng nuôi dù có tật nguyền, bệnh nặng”, ông nói.
Các bé đến tuổi đi học, ông tự tay đưa đi, đón về. Trong cơ sở, ông làm đủ thứ chuyện từ sửa điện, lau nhà. Ông tự mày mò học tiếng Anh để buổi tối kèm cho các bé. “Tôi không chủ trương kêu gọi ai giúp, mình đã tự nguyện thì lặng lẽ mà làm, mình còn sức thì còn làm. Một lần có công ty đến đưa tôi 250 triệu với điều kiện tôi ký hợp đồng độc quyền cho họ sử dụng hình ảnh các bé ở đây. Tôi mời họ đi ngay tức thì. Ở đây, ai muốn đến thăm chơi, ai muốn chụp hình tùy thích, miễn đừng sử dụng vào mục đích xấu, kinh doanh là được”. [2]
Nuôi dạy trẻ thành người tử tế
Nguồn kinh phí để điều hành cơ sở ông Hiệp lấy từ nguồn thu nhập của gia đình. Điều rất vui là trong gia đình ông gồm vợ và 2 con đều nhất trí với công việc thiện nguyện ông làm và cũng đã chung tay với ông đến từng chi tiết nhỏ.
Chúng tôi cùng ông bước lên tầng trên nơi các bé từ 2 – 5 tuổi đang sinh hoạt. Cửa mở. Trước mắt chúng tôi, các bé mỗi đứa một chiếc chiếu nhỏ ngồi ngay ngắn thành 3 hàng. Trước mặt chúng là những dụng cụ học tập khác nhau. Đứa thì loay hoay tay cầm chày giã vào chiếc cối. Đứa mò mẫm với từng con chữ. Đứa say sưa với những món đồ lạ mắt …
‘Anh biết phương pháp giáo dục này không?’. Ông Hiệp hỏi không đợi chúng tôi trả lời, ông nói tiếp, đây là phương pháp mới có tên là Montessori.
Đặc điểm nổi trội của phương pháp này là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do trong khuôn khổ cho phép – trong việc hình thành nhân cách trẻ. Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho học sinh các kiến thức khoa học công nghệ tiến bộ và hiện đại.
Để có những buổi học như thế này – ông nói tiếp – “chúng tôi đã đầu tư rất nhiều. Có 4 cô giáo chuyên trách về phương pháp giáo dục này trực tiếp chăm các cháu và chúng tôi cũng đã tốn một khoản tiền khá lớn để có dụng cụ học tập.
Điều quan trọng với chúng tôi là kết quả học tập của các bé. Nuôi chúng, không phải chỉ nuôi chúng lớn mà phải nuôi chúng thành người. Chúng tôi đã xác định, chúng là những đứa con thân yêu nên chúng tôi không ngần ngại gì khi đầu tư để chúng có tương lai tươi sáng hơn”, ông Hiệp cho biết.
Nhìn các bé vùi đầu vào những điều học hỏi mới, trong thâm tâm chúng tôi liên tưởng đến lúc chúng trưởng thành, một ngày mai nhiều triển vọng. [3]
Vượt quá suy nghĩ ban đầu là chỉ nhận nuôi khoảng mười mấy trẻ, mái ấm Thiên Thần hiện tại là “mái nhà thật sự” cho tất cả những đứa trẻ đã và sẽ lớn lên tại đây, ai tìm đến, ông Hiệp đều dang tay mà giúp đỡ.
Đừng gọi đây là cơ sở bảo dưỡng trẻ em, đây là nhà của các con, nơi sẽ nuôi các con lớn, cho ăn học và trưởng thành, ra đời làm ăn, lập nghiệp, cưới vợ, gả chồng… Nếu thất bại, các con có thể quay lại đây, vì đây là nhà của các con, các con có quyền trở lại”, nhìn những đứa trẻ rồi nở nụ cười hiền hậu, ông Hiệp khẽ nói.
Năm học 2019-2020 này, mái ấm Thiên Thần có 3 em học lớp 2, 12 bé vào lớp 1, dự kiến năm sau có thêm 18 bé. Các em đi học đều do ông Hiệp tự lo học phí chứ chưa được hỗ trợ miễn giảm diện nghèo, mồ côi. Mong ước của ông là các con có hộ khẩu để tiện cho việc học hành. Hiện, ông đã xin nhập hộ khẩu cho 65 con, nhưng chỉ có 10 đứa được toại nguyện.
“Tôi đang nghĩ về kế hoạch tương lai cho các con của mình mỗi ngày. Tôi đang muốn xây thêm nhà để nhóm trẻ lớn và sơ sinh ra ở riêng, cần mở thêm lớp học ở trung tâm cho các con còn nhỏ, xây hồ bơi, khu vui chơi để các em vừa học tập, vừa vận động để phát triển cả về thể chất, tinh thần… Để có cơ ngơi đầy đủ cho gia đình này, còn bộn bề lắm. Nhưng cứ cố gắng hết sức thì sẽ có người hỗ trợ, chung sức với mình thôi”, ông Bùi Công Hiệp, chủ mái ấm Thiên Thần tâm sự. [4]
Theo ENTERNEWS.VN