Từ bỏ việc Nhà nước để quay về với nghề làm chả truyền thống của gia đình trong sự phản đối quyết liệt của người thân, Ngô Minh Văn muốn chứng minh cho thế giới biết được không điều gì mà người Việt Nam không làm được nếu có quyết tâm và niềm đam mê.
Đó cũng là cách để anh báo hiếu mẹ. Từ một cửa hàng nhỏ do mẹ làm chủ, sau gần ba năm tiếp quản, Ngô Minh Văn đã thuyết phục được Shark Tank Đặng Hồng Anh cam kết rót 1 tỷ đồng vào công ty. Hiện tại, với những cổ đông chiến lược song hành, Ngô Minh Văn đang xây dựng nhà máy sản xuất để đưa chả lụa Hai Lúa ra thế giới nhưng gần nhất là phủ rộng thị trường Việt Nam.
* Vì sao đang ổn định với công việc nhà nước, anh lại quay về với nghề truyền thống của gia đình?
– Có hai điều tôi muốn thực hiện trong thời tuổi trẻ, đó là làm điều mà mình thích và làm vì mẹ, người đã bao nhiêu năm tảo tần vất vả nuôi tôi thành người. Đó cũng là cách tôi báo hiếu đấng sinh thành.
“Không ai định hướng tôi phải làm gì và làm như thế nào. Mọi thứ đều rối tung khi tôi khởi nghiệp. Nhưng tôi nghĩ, khó khăn là những bài học kinh nghiệm, nếu ai cũng trải sẵn đường cho mình đi thì sẽ không có những bài học quý giá”.
Làm chả lụa là nghề truyền thống của gia đình và tôi muốn lập nghiệp cho riêng mình. Tôi muốn cho nhiều người trên thế giới biết đến một nghề truyền thống của Việt Nam và người Việt Nam có thể làm được tất cả nếu có quyết tâm và niềm đam mê. Hơn nữa tôi không muốn nghề truyền thống của gia đình mình bị mất đi khi mẹ và cậu không còn làm nổi nữa. Tôi tin với sức trẻ của bản thân, cộng với sản phẩm đặc trưng Việt Nam, tôi sẽ phục hưng nghề truyền thống của gia đình.
* Anh nói làm vì mẹ, cụ thể như thế nào?
-Mỗi người chỉ sống một cuộc đời và tôi chỉ có một người mẹ. Mẹ tôi đã dùng mấy mươi năm qua, từng tảo tần với tiệm bánh mì nhỏ để nuôi tôi khôn lớn và tôi hãnh diện vì điều đó. Mẹ là niềm cảm hứng để tôi làm mọi việc.
Tôi quay về với nghề của mẹ, chỉ một ước muốn duy nhất là làm cho việc kinh doanh lớn hơn, tạo nên thương hiệu chả lụa truyền thống để mẹ hãnh diện và tự hào. Trước đây, nếu như các tiệm bánh mì lấy chả lụa từ các cơ sở khác để bán thì mẹ tôi đã tiếp tục nghề làm chả của ngoại, tự làm chả để bán cùng. Bí quyết làm chả của ngoại đã tạo ra những cây chả thơm ngon, nhờ đó đã giúp bánh mì mẹ bán được nhiều hơn. Vì muốn giữ được “hương vị quê nhà” như vậy nên mỗi ngày, mẹ phải quần quật từ 4-5 giờ sáng đến tối khuya. Mấy mươi năm nay, mẹ đều như thế nên dù rất muốn được đi đây, đi đó nhưng vì mưu sinh, niềm mơ ước ấy đã không được thực hiện. Bởi vậy mà tôi quay về nghề của mẹ, gánh vác thay mẹ. Mặc dù hiện tại, tài chính chưa thật sự như mong muốn nhưng về tinh thần, tôi đã làm cho mẹ vui lên phần nào.
* Dù được xem là kế nghiệp gia đình nhưng sẽ không có nhiều thuận lợi đối với một người từng là công chức Nhà nước như anh?
– Đã biết nghề của gia đình từ những năm học cấp ba nhưng chỉ trong vai trò của người con giúp mẹ. Trở về với việc chính, tôi phải học lại tất cả mọi thứ, từ lựa thịt như thế nào và chế biến ra sao để sản phẩm giữ được hương vị truyền thống. Mỗi sáng sớm, tôi phải đến chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM) để có được thịt nóng cho sản xuất. Chả ngon hay không, phụ thuộc rất nhiều vào khâu nguyên liệu. Sau ba tháng học hỏi, tôi bắt đầu tiếp quản nghề của mẹ.
* Nhưng khó khăn của một công ty còn non trẻ chắc không chỉ có vậy?
– Phải nói là quá nhiều khó khăn. Đến bây giờ tôi mới thấm thía nỗi cô đơn của những người làm kinh doanh. Dù khó khăn bủa vây khiến nhiều đêm mất ngủ nhưng không thể chia sẻ cùng ai, kể cả với vợ.
Bắt đầu sự nghiệp khi gia đình, dòng họ đều quay lưng là điều đáng buồn nhất. Ba phản đối, cả dòng họ bên nội cũng không ủng hộ quyết định của tôi. Họ không tin một người thiếu kiến thức kinh doanh, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này có thể thành công.
“Tôi muốn cho nhiều người trên thế giới biết đến một nghề truyền thống của Việt Nam và người Việt Nam có thể làm được tất cả nếu có quyết tâm và niềm đam mê”.
Vì không ai ủng hộ nên tôi không thể có sự hỗ trợ vốn từ gia đình. Mọi thứ đối với tôi quá khó khăn. May mắn là tôi có người mẹ hiểu và chia sẻ với niềm đam mê của mình. Mẹ đã bán mấy cây vàng dành dụm nhiều năm qua để tôi làm vốn khởi nghiệp. Bắt đầu với số vốn ít ỏi từ mẹ, tôi cùng cậu mua máy móc sản xuất, khởi sự kinh doanh.
Một điều khó nữa là thương hiệu mới, làm thế nào để khách hàng chấp nhận là cả một vấn đề. Không ai định hướng tôi phải làm gì và làm như thế nào. Mọi thứ đều rối tung khi tôi khởi nghiệp. Nhưng tôi nghĩ, khó khăn là những bài học kinh nghiệm, nếu ai cũng trải sẵn đường cho mình đi thì sẽ không có những bài học quý giá.
* Khó khăn như vậy làm sao anh có thể cùng Hai Lúa chinh phục người tiêu dùng TP.HCM và đến với những khách hàng ở Mỹ, Singapore chỉ sau chưa đầy ba năm hoạt động?
– Từ thực tế bản thân, tôi nghĩ, sẽ không thể lớn mạnh nếu làm theo cách cũ. Vì thế, tôi bắt đầu với những lớp học kinh doanh, marketing, tìm tòi học hỏi qua mạng và gặp gỡ những người giỏi để nghe họ tư vấn, hướng dẫn.
Khi đã có được lối đi và ổn định với chiến lược, đường hướng mới, tôi tham gia chương trình Shark Tank để gọi vốn đầu tư. Tháng 9/2018, tôi được ông Đặng Hồng Anh – Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cam kết rót 1 tỷ đồng vào dự án phát triển mở rộng Hai Lúa. Và cũng nhờ chương trình này, khách hàng tìm đến với Hai Lúa nhiều hơn.
Một khảo sát của chúng tôi thực hiện với khách hàng gần đây cho thấy, cứ 100 người được hỏi thì có đến 80 người cho biết sản phẩm ngon và sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Đó là lý do để tôi mạnh dạn nghiên cứu, đưa ra thị trường thêm những sản phẩm mới. Bên cạnh chả lụa và chả thủ truyền thống, tôi còn đưa ra thị trường chả lụa tép, chả lụa vuông, chả lụa mini, chả lụa hải sản, chả lụa chế biến từ heo rừng cho từng phân khúc khách hàng khác nhau như chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và khách sạn. Mặc dù Hai Lúa còn non trẻ nhưng chúng tôi tự tin có chiến lược linh hoạt, táo bạo và đang từng bước tiếp cận kênh khách sạn – một nhánh mới đầy tiềm năng trong tương lai.
Với những thành quả bước đầu, đã có những đối tác tại Mỹ, Úc đặt vấn đề chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất. Tôi cũng muốn đưa Hai Lúa ra nước ngoài nhưng hiện tại chưa phải là thời cơ chín muồi. Bởi, tôi muốn hòa nhập nhưng không hòa tan.
* Ra đời khi thị trường đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm chế biến, anh không lo sao?
– Đã kinh doanh thì không tránh được lo lắng nhưng tôi tin vào lựa chọn của mình. Doanh nghiệp lớn thì hệ thống cồng kềnh và những quyết định thường chậm. Chúng tôi nhỏ nên nhanh và linh hoạt trong mọi chiến lược phát triển.
Tôi không xem các “ông lớn” là đối thủ mà đi theo cách riêng của mình. Tôi công nghiệp hóa quy trình sản xuất nhưng vẫn giữ hương vị cho sản phẩm truyền thống. Tại Hai Lúa, các công đoạn như nêm nếm, gói chả được làm thủ công.
Trong ngành này, có bốn khâu quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm. Đó là khâu tiếp phẩm (nguyên liệu đầu vào phải tươi và phải được kiểm tra trực tiếp), khâu nêm nếm gia vị (phải nêm sống chứ không thể dùng máy móc), đóng gói và hấp. Trước đây, chả do mẹ làm được hấp bằng than nhưng giờ sản xuất với số lượng lớn phải dùng máy móc thay thế. Với Hai Lúa, chúng tôi tiếp cận được nguồn thịt heo nóng từ chợ đầu mối Hóc Môn và đích thân tôi nêm nếm, gia vị cho sản phẩm. Nhờ làm bán thủ công nên sản phẩm vẫn giữ được hương vị truyền thống – bí kíp hơn 40 năm của gia đình.
Với công suất hiện có, mỗi ngày Hai Lúa đưa ra thị trường một tấn chả lụa. Trong đó, riêng hệ thống Co.opmart chiếm đến 80%, phần còn lại bán tại 50 chợ ở TP.HCM. Chúng tôi cũng đã đàm phán với Big C Việt Nam, Satra, Lotte Mart… để đưa hàng vào những hệ thống phân phối của họ nhưng vì năng lực sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu đối tác đặt ra nên tạm thời kênh này đang để trống. Tôi muốn làm từ từ, chậm mà chắc.
Để tạo sự khác lạ cho sản phẩm, mới đây, chúng tôi đã ra mắt chả lụa, chả thủ hình vuông như bánh chưng truyền thống của Việt Nam. Đây là một sản phẩm truyền thống được hiện đại hóa một phần để bắt kịp xu hướng. Cùng với việc ra mắt sản phẩm mới, chúng tôi đang xây dựng nhà xưởng lớn tại Hóc Môn để có thể đáp ứng nhu cầu cho thị trường phía Bắc.
* Mở rộng đầu tư như vậy, Hai Lúa sẽ lấy nguồn vốn từ đâu?
– Tôi có gói đầu tư 20 tỷ đồng và rót theo tiến độ từ một người anh và một nhà tư vấn. Họ đầu tư khi nhìn vào hướng phát triển trong tương lai của Hai Lúa. Đầu tư chắc chắn có mạo hiểm nhưng với Hai Lúa, tỷ lệ rủi ro thấp vì chúng tôi đã có nguồn cung – cầu ổn định và có khả năng mở rộng. Hơn nữa, chả lụa không phải là sản phẩm mới mà đã được mặc định trên thị trường và tăng trưởng theo mùa, lễ, Tết.
Không chỉ sản xuất chả, chúng tôi dự định sẽ mở chuỗi cửa hàng bánh cuốn. Hiện tại, chúng tôi có ba cửa hàng bánh mì, bánh cuốn để khách hàng đến ăn có thể thử luôn sản phẩm mới của Hai Lúa.
* Với sự chuẩn bị kỹ càng đó, có thể hình dung Hai Lúa sẽ như thế nào trong tương lai?
– Kinh doanh thì ai cũng có tham vọng và tôi tin Hai Lúa sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đến năm 2020, chả lụa Hai Lúa sẽ có mặt tại thị trường phía Bắc mà trước tiên là Hà Nội. Không chỉ chinh phục thị trường trong nước, Hai Lúa sẽ tiến ra biển lớn, mà cụ thể là vào giữa năm 2022 sẽ xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới.
Để thực hiện kế hoạch này, một mình tôi sẽ không đủ sức mà phải có sự đồng hành của đội ngũ, đối tác và các nhà đầu tư. Không chỉ vậy, sản phẩm sẽ tiếp tục được cải tiến để có thể vừa giữ được hương vị truyền thống nhưng vẫn mang đặc trưng của những vùng mà mình hướng tới. Không chỉ đơn thuần với chả lụa, Hai Lúa sẽ phát triển thành công ty chuyên về thực phẩm mà ở đó có đầy đủ các sản phẩm ngành thực phẩm chế biến như thịt nguội, xúc xích, dăm-bon, pate, chả lụa, lạp xưởng…
Theo DNSG