Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Nghịch lý đào tạo ngành ngân hàng: Sếp phải thao tác nhiều hệ thống công nghệ cùng lúc, tân cử nhân đi làm lại chỉ đạt yêu cầu 20-25%

Tại Hội thảo “Phát triển nhân lực ngành tài chính – ngân hàng trong kỷ nguyên 4.0” do TheSaigonTimes và ĐH Hoa Sen tổ chức, các chuyên gia về nguồn nhân lực và lãnh đạo ngân hàng cho rằng ngành tài chính – ngân hàng vẫn là điểm sáng trong bức tranh nghề nghiệp tương lai, tuy nhiên, đội ngũ nhân sự và công tác đào tạo phải nỗ lực rất lớn để đáp ứng.
Trong tương lai, tài chính – ngân hàng vẫn được dự báo là ngành hot

Ngành ngân hàng tiếp tục là chủ đề nóng

Bái toán mà ngành tài chính – ngân hàng phải đối mặt trong thời gian sắp tới chính là xây dựng đội ngũ nhân lực xứng tầm để bắt kịp công cuộc chuyển đổi số, đồng thời giải quyết câu chuyện thừa thiếu cục bộ nhân sự.

Các chuyên gia trấn an các ngân hàng rằng việc số hóa sẽ không ảnh hướng đến nguồn nhân lực của ngành. Đây còn là thuận lợi cho nhân viên có dữ liệu tốt hơn để giao tiếp và thấu hiểu khách hàng.

Tuy nhiên, vấn đề được các chuyên gia và doanh nghiệp quan tâm là công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành tài chính – ngân hàng.

Theo ông Trần Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế cho biết đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm ngành ngân hàng chỉ đạt yêu cầu 20-25% về kỹ năng và kiến thức. Hầu như các ngân hàng phải tốn công sức đào tạo lại mới. 

Thậm chí, một số lĩnh vực chuyên sâu thiếu rất nhiều ngân lực và ngân hàng phải trả chi phí thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn. Khảo sát các ngân hàng tại Việt Nam cho thấy có 3 vị trí rất khó tuyển dụng là quản trị rủi ro, quản lý và đầu tư.

Ông Nguyễn Hải Triều – Giám đốc kinh doanh của ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết các ứng viên ngành ngân hàng phải đầu tư về hiểu biết công nghệ và điều này rất quan trọng, vì nhiều ngân hàng có hệ thống công nghệ phức tạp. Bản thân ông Triều đôi khi phải thao tác 7 hệ thống cùng lúc với chiếc laptop do HSBC cấp, có cấu hình mạnh như cho game thủ.

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp tăng mạnh

Các chuyên gia nhân sự và lãnh đạo ngân hàng chia sẻ câu chuyện về ngành tài chính – ngân hàng

Ông Trần Anh Tuấn đưa ra dự báo đến giai đoạn 2020-2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính ngân hàng tăng 20%/năm. Tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực nói chung của nhóm này đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 5% tổng số nhu cầu tuyển dụng (khoảng 15.000 lao động).

“Tuy nhiên, ngành ngân hàng ít có hiện tượng nhảy việc nhưng bị sa thải nhiều, (việc thay đổi công việc của nhân sự – PV), gọi là chuyển dịch đúng hơn. Vì nhảy việc nhiều phải kể đến các ngành gia công, trình độ lao động thấp”, ông Tuấn đưa ra quan điểm.

Sắp tới, nhu cầu ngành tài chính ngân hàng vẫn tăng đều đặn, có ba lĩnh vực sẽ chứng kiến thay đổi quan trọng là số hóa ngân hàng (digital banking), tài chính tiêu dùng (consumer finance) và nhu cầu đối tác (partnership).

Các chuyên gia đều dự báo thị trường tương lai của ngành sẽ cạnh tranh dữ dội, không chỉ yêu cầu ngoại ngữ là tiếng Anh, mà còn yêu cầu của tiếng Nhật, Hàn, Trung.

Theo nghiên cứu của đơn vị Navigos Search, người sử dụng lao động mong muốn ứng cử viên có thái độ và sự thích ứng văn hóa chiếm tỉ lệ cao hơn cả kỹ năng mềm. Tuy nhiên, đa số các ứng cử viên đều muốn thể hiện cái mà họ có.

Một vấn đề nữa mà ông Tuấn đặt ra đối với việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành là đạo đức nghề nghiệp, điều mà không có bất kỳ công cuộc số hóa nào thay thế được.

Vị chuyên gia nói: “Tôi cho rằng vấn đề đạo đức trong nghề rất quan trọng. Tôi không biết từ đâu có xu hướng tư vấn hướng nghiệp cho rằng làm nghề ngân hàng phải ham tiền. (Chúng ta – PV) phải xác định mê tiền là mê như thế nào, chứ không phải mê tiền là lấy tiền người khác bỏ vào túi mình”.

Theo thông tin của ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hoạt động liên quan đến vốn và tín dụng nói chung trên địa bàn ước tính chiếm 30%-31% quy mô cả nước. Nhân sự theo tính toán khoảng 97.800 người.

Phương Danh

Theo Trí Thức Trẻ