Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Nghỉ việc lương cao tại ngân hàng đầu tư sau 2 năm để làm công việc lương thấp hơn, tôi nhận ra tất cả chỉ là ‘trong chán ngoài thèm’

Một số người bạn nói với tôi rằng họ muốn nhảy việc nhưng cùng lĩnh vực để họ có thể tiếp tục “tận dụng tấm bằng đại học của mình”. Đừng giới hạn bản thân trong tâm lý đó.

Khi tôi còn là sinh viên kinh tế, tôi không biết mình sẽ làm gì trong tương lai. Tôi không có ý niệm gì về sự nghiệp của mình sẽ như thế nào hay tôi phải làm gì để có việc.

Tất cả những gì tôi biết là tôi muốn thành công.

Hồi đó, đối với tôi, định nghĩa thành công là đủ giàu – đủ để sở hữu một chiếc xe hơi, một ngôi nhà và các vật chất khác mà tôi muốn. Đó là khi con người ở trong tình trạng tiền không phải là vấn đề. Không phải để hào nhoáng và phô trương sự giàu có, mà là để sống một cuộc sống thoải mái mà không phải lo lắng về tiền bạc cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Việc sở hữu một chiếc Porsche hay một chiếc Toyota hầu như không phải là vấn đề, miễn là tôi có thể thoải mái trả khoản vay đó.

Để thành công (theo định nghĩa của riêng tôi ở trên), thì kế hoạch là: Hãy vào một ngân hàng đầu tư, cống hiến mươi mười lăm năm, thăng chức và kiếm được nhiều tiền trong khoảng thời gian đó và nghỉ hưu.

Sau 2 năm thực hiện kế hoạch trên, tôi quyết định từ bỏ.

Khoan… mà điều gì đã thay đổi?

Rất nhiều. Sự thay đổi lớn nhất là quan điểm của tôi – định nghĩa về thành công và những gì tôi muốn từ sự nghiệp của mình.

Ở trường đại học, hầu hết mọi người không biết mình muốn gì cho sự nghiệp. Nhiều người làm những công việc đầu tiên dựa trên những công việc của những người bạn học đồng trang lứa có cùng bằng đại học và chuyên ngành. Rất ít người có niềm đam mê thực sự với công việc của họ và ít ai biết được mình sẽ gắn bó với công việc đó trong bao lâu.

Đối với bản thân tôi, tôi học kinh tế với chuyên ngành thứ hai về tài chính. Quyết định làm về tài chính của tôi được xác định khá sớm khi còn là sinh viên năm nhất. Tôi nhớ mình đã tham dự khá nhiều buổi định hướng nghề nghiệp khi là sinh viên năm nhất, 9 trong số 10 diễn giả là các tổ chức tài chính. Họ hứa hẹn cùng 1 điều – môi trường làm việc năng động, cơ hội phát triển nghề nghiệp và mức lương cạnh tranh. Trong các lĩnh vực như ngân hàng đầu tư và thị trường toàn cầu, họ đưa ra mức lương 5 con số (USD) cho sinh viên mới tốt nghiệp.

Đối với những cá nhân tham vọng, điều đó đủ để kích thích khát khao của họ.

Để hiện thực định nghĩa về thành công của mình, đối với tôi, làm việc trong lĩnh vực tài chính là một điều hiển nhiên. Giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa khác, chúng tôi đã xem đó là một ‘lộ trình nhanh nhất’ để đi đến thành công – nơi thành công được định nghĩa là kiếm được nhiều tiền trong khoảng thời gian ngắn nhất. Hạnh phúc, suy nghĩ cẩn thận, sự hài lòng trong công việc, phúc lợi? Chúng tôi không bao giờ xem xét những khía cạnh đó.

Những gì người ta gọi là “đứng núi này trông núi nọ” (không hài lòng với những gì mình có và luôn so sánh với người xung quanh) còn có thể nói cách khác là “trong chán ngoài thèm”.

Sau khi làm việc trong ngân hàng đầu tư của một chương trình sau đại học ‘đáng mơ ước’, tôi nhận ra vài điều chỉ sau 2 năm.

Sự nghiệp là một cuộc đua marathon, không phải là chạy nước rút

Bất kỳ một cá nhân hiểu về tài chính nào cũng sẽ nói với bạn rằng tiền tích lũy hiện tại đáng giá hơn tiền tích lũy trong tương lai. Nói cách khác, 1 USD bây giờ có giá trị hơn so với 1 USD trong tương lai. Đó là khái niệm cơ bản về giá trị thời gian của đồng tiền, phải không? Vậy tại sao bây giờ người ta lại bỏ một công việc lương cao hơn?

Từ quan điểm tài chính thuần túy, kiếm được nhiều tiền hơn hiện tại sẽ có ý nghĩa nếu chúng ta làm việc với giả định rằng thu nhập sẽ tăng theo thời gian. Tuy nhiên, rõ ràng, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập.

Một yếu tố quan trọng là động lực. Biểu đồ trên minh họa cách tôi nghĩ về nó.

Trước khi chúng ta bàn về các vấn đề chuyên sâu hơn như tỷ lệ chiết khấu để bác bỏ lý thuyết của tôi, tôi phải nói rõ ràng rằng đây chỉ là một sự khái quát hóa đơn thuần). Hơn nữa, để có động lực ở dạng đam mê, bạn cần có mục đích.

Tìm hiểu xem, điều gì làm bạn hứng thú.

Đối với tôi, có mục đích có nghĩa là hào hứng với công việc bạn làm và cộng hưởng vào các giá trị mà công ty hướng đến.

Điều từng làm tôi phấn khích là sự phức tạp của các sản phẩm tài chính và khả năng xổ một tràng từ ngữ chuyên ngành tài chính chỉ vì muốn nhìn thấy khuôn mặt bối rối của mọi người. Tôi đã từng thích làm trong một ngành mà bất cứ ai không có chuyên môn về tài chính sẽ trưng ra một bộ mặt ngờ nghệch khi bạn cố gắng giải thích cho họ những gì bạn đang làm.

Những điều trẻ trâu đó đã từng làm tôi phấn khích, giờ thì hết rồi.

Theo thời gian, tôi đã không còn thấy một thách thức lớn hay một mục đích lớn trong công việc tôi đang làm. Tôi thích tìm hiểu về phần mềm (ví dụ: Power BI, Tableau, UiPath, Alteryx) và mã (ví dụ: Python) hơn là tìm hiểu về các sản phẩm ngân hàng khác nhau. Tôi đã bị mê hoặc vào việc công ty có bao nhiêu dữ liệu và phương pháp học tập để sử dụng chúng.

Tôi muốn nhiều hơn trong sự nghiệp của mình. Tôi muốn hàng ngày đi làm trong một tâm thế hào hứng với công việc mình sẽ làm. Mọi chuyện không chỉ đơn giản là tôi kiếm được bao nhiêu tiền. Tiền chỉ là một sản phẩm phụ đi kèm với công việc – điều đó đúng với mọi công việc ngoài kia.

Đừng để hoàn cảnh quyết định bạn

Trong khi làm việc, tôi đã nói chuyện với nhiều người không hài lòng và cả những người cảm thấy bình thường về công việc của họ. Đối với họ, công việc chỉ đơn giản là một phương tiện để kiếm tiền – và như vậy là ổn rồi.

Nhưng đối với những người hay bất mãn, cằn nhằn nhưng chưa làm được gì để thay đổi hết, thì đây là lời khuyên của tôi: Đừng phàn nàn nữa.

Đổi việc là một công việc rất khó khăn, nhưng đối với những người chẳng làm gì khi cảm thấy mình không hạnh phúc, thì đổi việc là gần như không thể. Học điều mới và phát triển kỹ năng gần như là bắt buộc trong thời đại công nghệ này. Hãy tiếp tục học hỏi và tiếp thu các kỹ năng mới nếu bạn muốn tiếp tục công việc hoặc thay đổi.

Tôi nhận ra điều đó và tôi đã nhảy sang lĩnh vực AI trong 2 năm. Một số người bạn nói với tôi rằng họ muốn nhảy việc nhưng cùng lĩnh vực để họ có thể tiếp tục “tận dụng tấm bằng đại học của mình”. Đừng giới hạn bản thân trong tâm lý đó – bất kỳ ngành nghề nào bạn làm và với bất kỳ vai trò nào, nền tảng giáo dục của bạn sẽ giúp bạn theo cách này hay cách khác (mặc dù không hoàn toàn liên quan).

Đừng chờ đợi sự thay đổi… Hãy chủ động thay đổi.

Một điều làm tôi hối tiếc trong cuộc sống là không thay đổi mọi thứ khi tôi có thể.

Khi tôi còn là sinh viên, các lựa chọn nghề nghiệp được trường tôi giới thiệu rất hạn chế và điều đó đã thu hẹp tầm nhìn của tôi rất nhiều.

Trong bối cảnh đó, nhóm phát triển nghề nghiệp của khoa tôi liên kết với các công ty bên ngoài để tổ chức các buổi định hướng nghề nghiệp, các chuyến tham quan công ty và những lần kết nối. Trong các sự kiện này, các tổ chức tài chính luôn được ưu tiên nhất, trong khi các lĩnh vực khác ít cơ hội hơn. Lý do đơn giản cho là: Những tên tuổi lớn sẽ thu hút sinh viên. Để được như vậy, các tổ chức tài chính bỏ ra nhiều ngân sách hơn trong tài trợ thực phẩm, đồ uống và quà tặng cho sinh viên. Đổi lại, họ tiếp cận được nhiều hơn. Một tình huống đôi bên cùng có lợi – khoa có vẻ vui do tỷ lệ đăng ký lớn, và các nhân viên ngân hàng thì hạnh phúc.

Điều này kéo dài và thậm chí quy mô của các tổ chức tài chính ngày càng lớn. Tôi nhận thức được điều này, nhưng tôi chọn cách ngó lơ.

Tóm lại câu chuyện dông dài trên – hãy là người thay đổi, có thể là tại nơi làm việc của bạn hoặc bất cứ nơi nào khác. Con người không thích thay đổi vì họ thích sự ổn định. Họ không muốn ra khỏi vùng thoải mái của mình. Nhưng nếu thay đổi có thể cải thiện cuộc sống theo cách này hay cách khác, hãy là người thay đổi. Hãy là chất xúc tác.

Mai Lâm

Theo Nhịp Sống Kinh Tế/MD