Hàng trăm triệu người trẻ đang ôm mộng trở thành những game thủ chuyên nghiệp, kiếm tiền nghiêm túc từ việc chơi game.
Một năm trước, Ceng Guohao đã vượt 1000 km từ quê nhà Hồ Bắc để tới Thượng Hải theo đuổi giấc mơ… chơi video game.
Khi ấy, Ceng mới 18 tuổi. Anh chuyển đến một tòa nhà 2 tầng, cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Anh trở thành một trong hàng tá những game thủ chuyên nghiệp sống trong tòa nhà này – được gọi là “nhà game” được điều hành bởi startup streaming Trung Quốc là Bilibili.
Ceng chuyên về game Liên Minh Huyền Thoại – một trong những game trực tuyến lớn nhất cả nước. Nó được phát triển bởi Riot Games – một chi nhánh của gã khổng lồ Internet Tencent Holdings. Liên Minh Huyền Thoại hiện được chơi bởi 10 triệu người trên khắp thế giới.
Cha của Ceng – người từng phản đối kịch liệt quyết định trở thành game thủ chuyên nghiệp của anh giờ đã thay đổi quan điểm. “Hiện tại, tất cả những gì ông ấy nói với tôi chỉ là: Con lại tăng cân rồi đấy. Hãy chú ý đến việc ăn uống”.
Trung Quốc hiện là nơi tập trung “dân số” chơi game lớn nhất, lên tới trên 500 triệu người và những tựa game cạnh tranh đã trở thành một ngành kinh doanh khổng lồ. Doanh thu liên quan tới lĩnh vực esport tại Trung Quốc đạt 51,3 tỷ NDT (tương đương 7,3 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2019 và đang sắp vươn lên mức 100 tỷ NDT.
Có hơn 5.000 đội chơi game hoạt động trong ngành công nghiệp này, với hơn 440.000 nhân lực tham gia.
Điều đó đồng nghĩa với việc cạnh tranh vô cùng gay gắt. Ceng và gần 60 game thủ khác tại “nhà game” của Bilibili phải luyện tập nhiều giờ mỗi ngày. Họ chia làm 3 nhóm: Nhóm đầu, nhóm thứ 2 và nhóm thực tập sinh.
Phụ thuộc vào từng hợp đồng, các thực tập sinh được trả khoảng 10.000 NDT mỗi tháng, trong khi đó nhóm game thủ trung bình và chuyên nghiệp hẳn kiếm được 50.000 USD mỗi năm.
Riêng game thủ thuộc hàng top như Ceng kiếm được trên 91.000 USD mỗi năm.
Những con số này có nghĩa là ngay cả những thực tập sinh cũng kiếm được nhiều tiền hơn trung bình một công nhân tại nhà máy ở Thượng Hải làm được– những người chỉ nhận được khoảng 4.000 – 5.000 NDT mỗi tháng.
Video game chính thức được xác nhận như một môn thể thao bởi chính phủ Trung Quốc vào năm 2003. Khi game được Bộ giáo dục công nhận là một môn chuyên nghiệp vào năm 2016, những game thủ Trung Quốc bắt đầu kiếm được tiền.
Game video là một lực lượng góp phần cho tăng trưởng mạnh ở thị trường game – thứ mà chính phủ xem như một nền tảng tiềm năng cho những gã khổng lồ công nghệ như Tencent.
Công ty này hiện đạt vốn hóa thị trường 411 tỷ USD. Mảng game của họ là cỗ máy in tiền cho toàn công ty, đạt doanh thu hàng năm lên tới 18 tỷ USD, chiếm 40% tổng doanh thu.
Video game đã chuyển từ một thú vui, trò tiêu khiển thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD và hiện nó nhận được sự đầu tư ổn định từ các doanh nghiệp.
Nhiều công ty tài trợ cho các đội tuyển như Bilibili. Họ thường để các game thủ sống cùng nhau trong 1 tòa nhà để xây dựng tinh thần đồng đội.
Top Sport – một nhà tài trợ khác sở hữu hơn 8.000 shop đồ dùng thể thao trên khắp Trung Quốc là một ví dụ. Họ lên kế hoạch dành 18 triệu USD trong 5 năm tới để phát triển đội game của chính mình và bản thân cũng đang xây dựng một “nhà game” tại phía đông Thượng Hải.
“Chúng tôi nhắm tới phát triển một đội gồm 100 hoặc hơn game thủ pro”, theo quản lý công ty Guo Hao.
Tại “nhà game” của Bilibili, Ceng phải trải qua một lịch trình khắt khe. Có 2 phiên đào tạo, từ 2 giờ chiều đến tối và từ 7 giờ tối đến 10 giờ tối. Các game thủ sau đó tiếp tục luyện tập và thi đấu cho đến đêm.
Ceng bước vào thế giới game chuyên nghiệp từ 4 năm trước ở tuổi 15 sau khi từ bỏ tham vọng trở thành một vận động viên bóng bàn chuyên nghiệp. Anh đã chơi bóng bàn từ khi 6 tuổi.
Là một người có kỷ luật thép, cha anh không bao giờ cho phép anh nghỉ ngơi. Chính vì vậy, Ceng đã rất chăm chỉ và được chọn là thành viên cho đội bóng bàn quốc gia
“Tôi nghĩ mình cũng có chút tài năng”.
Tuy nhiên, anh bắt đầu cảm thấy lo lắng về việc phải cạnh tranh với những vận động viên giỏi khác ở Trung Quốc. “Một số lượng nhỏ những người giỏi, họ thực sự phải huấn luyện rất vất vả”. Ceng không chắc mình có thể chịu đựng được như vậy.
Lúc tình cờ gặp Warcraft – sau trở thành một video game nổi tiếng, Ceng đã ngay lập tức bị thu hút. Anh đã nhanh chóng thăng hạng trong game này. Anh cảm nhận thấy những thứ hấp dẫn từ game mà bóng bán không có.
Ceng quyết định nắm lấy cơ hội khi nhận được lời đề nghị làm game thủ chuyên nghiệp tại Thượng Hải. Anh hiện là thành viên của 1 trong 5 đội Liên Minh Huyền Thoại hàng đầu ở Trung Quốc. Đó là cơ hội tuyệt vời để gia nhập top 10 toàn cầu.
Tuy nhiên game là một lĩnh vực đầy thách thức. Để duy trì hoạt động của một đội Liên Minh Huyền Thoại cao cấp sẽ mất từ 20 – 40 triệu NDT mỗi năm.
Cuộc sống của những game thủ cũng có phần khác biệt. Li – quản lý đội game ở Bilibili nói rằng 20 – 30% đội esport của công ty được thay thế mỗi năm. Một vài người trở thành huấn luyện viên, bình luận viên game hay quản lý sau khi nghỉ chơi chuyên nghiệp nhưng đa số đều quay lại trường hay chuyển sang lĩnh vực khác.
Nhiều game thủ chuyên nghiệp cũng gặp phải vấn đề về tâm lý và thể chất. Cả Bilibili và Top Sport đều phải thuê những huấn luyện viên thể hình tại “nhà game” của họ.
Việc nghiện game cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới. Điều đó khiến nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu để ý tới và họ tuyên bố những quy định mới về game online với trẻ vị thành niên.
Hiện tại đã có “lệnh giới nghiêm” với trẻ vị thành niên chơi game online. Những game thủ 18 tuổi hoặc trẻ hơn không được chơi game từ 10 giờ tối đến 8 giờ sáng và ngày thường họ chỉ được phép chơi 90 phút. Quy định này cũng giới hạn số lượng tiền mà trẻ vị thành niên được chuyển vào các tài khoản game trực tuyến.
Quy định đó có thể làm nhụt chí nhiều người trẻ đang ôm mộng theo bước đường của Ceng trở thành ngôi sao trong lĩnh vực esport. Điều đó cũng có thể khiến giảm tốc độ tăng trưởng của những công ty game như Tencent và tạo ra những rào cản cho ngành công nghiệp esport của Trung Quốc.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/Nikkei