Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Ngành công nghiệp cơ khí “bắt nhịp” với công nghệ 4.0

Trải qua nửa đầu năm 2019, ngành cơ khí của Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thay đổi và thách thức. Đây cũng là ngành nghề được các chuyên gia dự báo có nhiều tiềm năng phát triển lớn mạnh để tham gia vào nền kinh tế công nghiệp 4.0.

Đó là thông tin được đưa ra tại “Họp báo giới thiệu Triển lãm Quốc tế lần thứ 17 về Máy, Công cụ, Cơ khí chính xác và Gia công kim loại tại Việt Nam – MTA VIETNAM 2019” diễn ra tại Tp.HCM mới đây. Triển lãm hiện đang diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 2-5/7/2019).

Ngành cơ khí từng bước “bắt nhịp” với xu thế cách mạng 4.0

Theo các chuyên gia, nửa đầu năm 2019 ngành cơ khí của Việt Nam tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thay đổi và thách thức. Kết thúc quý 1/2019, mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,8%, trong đó sự đóng góp từ các ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 8,6% – cao nhất trong các ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Theo dự báo của các chuyên gia, ngành công nghiệp được dự báo sẽ dẫn đầu sự tăng trưởng GDP trong thời gian tới với các nguồn vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cho phân khúc công nghiệp sản xuất.

Chuyên gia có cái nhìn khả quan về về ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam. Ảnh: P.N

Hiện nay, khi thế giới đang tiến đến kỉ nguyên công nghiệp 4.0 thì trình độ sản xuất của ngành công nghiệp Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn khởi động và gặp nhiều hạn chế về các công nghệ mới, thông ton, kỹ năng và cơ sở hạ tầng. Theo các chuyên gia, với những bước đi non trẻ, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam vẫn được dự báo sẽ có nhiều tiềm năng lớn mạnh và tham gia vào chuỗi sản xuất có giá trị lớn của nền công nghiệp thế giới, nếu các doanh nghiệp trong lĩnh vực này biết tận dụng các cơ hội và được tạo điều kiện để phát triển.

Đại diện MTA Việt Nam, tính khả thi của công nghiệp 4.0 nên bắt đầu từ những bước nhỏ và đơn giản. Bản thân các nhà sản xuất nên mạnh dạn đổi mới công nghệ và không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ với nhau để tối đa hóa hiệu quả. Theo MTA, triển lãm cũng là cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thực sự bứt phá cũng như xây dựng và đưa ra chính sách phát triển công nghiệp cơ khí mang tính khả thi trong thời kì công nghiệp mới.

Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Đài Loan về máy móc công nghiệp

Trong khuôn khổ triển lãm, tại “diễn đàn máy móc Đài Loan, công nghệ đột phá mới”, bà Karen Pai – Phó giám đốc Phòng phát triển ngành – Hiệp hội xúc tiến thương mại Đài Loan (TAITRA) thông tin: Năm 2018, tổng xuất khẩu máy công cụ Đài Loan sang Việt Nam lên 121,9 triệu USD, cao hơn năm 2017 15 triệu USD và đạt mức kỉ lục từ trước đến nay. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Đài Loan, các loại máy như máy công cụ tạo hình kim loại, máy tiện và máy mài đều có nhu cầu cao.

Theo bà Pai, TAIWAN là nhà sản xuất công cụ của Đài Loan lớn thứ 7 trên toàn thế giới, với tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2018 của Đài Loan đạt trên 5 tỉ USD.

Trong xu thế công nghệ 4.0, theo bà Pai các doanh nghiệp Đài Loan có chuỗi cung ứng từ linh kiện chủ chốt, mô – đun tự động hóa, đến hệ thống tích hợp. Từ đó, cung cấp các giải pháp về tự động hóa, rô – bốt, cảm ứng và điều khiển. Trong khuôn khổ triển lãm, Phó giám đốc Phòng phát triển ngành – Hiệp hội xúc tiến thương mại Đài Loan cũng tiết lộ, năm nay các doanh nghiệp Đài Loan sẽ tập trung vào “các giải pháp sản xuất thông minh”. Trong đó, những thiết bị chính xác đang được kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI Technology) để hình thành những chiếc máy thông minh. Tiếp đến là những máy này kết hợp để tạo ra hệ thống sản xuất thông minh.

Cũng theo bà Pai, kim ngạch song phương giữa Việt Nam và Đài Loan đạt 14,5 tỉ USD trong năm 2018, tăng 6.5% so với năm 2017. Đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Đài Loan và Đài Loan trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.

“Hiện tại Việt Nam là điểm đến đầu tư thứ 2 của Đài Loan, đang có khoảng 4.600 doanh nghiệp Đài Loan hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ được dự báo có nhiều tiềm năng phát triển lớn mạnh để tham gia vào chuỗi sản xuất có giá trị lớn của nền công nghiệp thế giới trong thời kì 4.0”, bà Pai nhấn mạnh.

Phương Nga

Theo Trí Thức Trẻ