Nội dung này có thể là một hướng gợi mở, sau một quá trình không dùng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư quy định quy chế quản lý và sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Một trong những nội dung của dự thảo đề cập đến là Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia được sử dụng để chi cho các khoản phát sinh để thực hiện chính sách tiền tệ, trong đó việc góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Điểm nội dung này trở nên đáng chú ý, khi gợi mở một hướng giải pháp mới để Ngân hàng Nhà nước có thể trực tiếp tham gia thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống.
Từ năm 2011 đến nay, khi triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, cũng như trong quá trình hoạt động, đã có một số trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc với giá 0 đồng, cũng như đưa vào diện được kiểm soát đặc biệt.
Từ đó cho đến nay, ngân sách nhà nước không tham gia và không bố trí nguồn cho quá trình này, cũng như nguyên tắc không được sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu…
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có văn bản kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh các nghị quyết trước đây, để có thể bố trí nguồn cho việc tăng vốn các ngân hàng thương mại nhà nước. Trong kiến nghị đó cũng nêu rõ không bao gồm các ngân hàng thương mại đã mua lại bắt buộc.
Với dự thảo thông tư cùng điểm nội dung trên, nếu thông qua và ban hành, ít nhất về cơ chế sẽ mở ra một hướng mới: Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Tuy nhiên, sau khi có dự thảo trên, có ý kiến chuyên gia cho rằng, việc góp vốn, mua cổ phần như vậy thuộc chức năng của Bộ Tài chính.
Mặt khác, nguồn lực của Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia cũng có hạn, với số dư thực có không được vượt quá vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước, theo chế độ tài chính mà Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định.
Liên quan đến nguồn của Quỹ, cơ chế cho phép được trích 20% chênh lệch thu chi hàng năm của Ngân hàng Nhà nước để bổ sung. Nguồn này hàng năm là đáng kể, nhưng lại vướng giới hạn về quy mô vốn pháp định nói trên.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội mới đây, dự toán thu từ chênh lệch thu – chi Ngân hàng Nhà nước năm 2020 là 7,8 nghìn tỷ đồng; năm 2019 dự toán thu từ chênh lệch thu – chi Ngân hàng Nhà nước là 4,5 nghìn tỷ đồng nhưng ước thực hiện đang là 11,8 nghìn tỷ đồng, tăng tới 162,2%.
Theo Minh Đức
BizLive