Xu hướng người dùng chuyển sang mua sắm qua thiết bị di động, như các ứng dụng mua sắm, giao hàng, sẽ là điểm nhấn mà các doanh nghiệp nên chú trọng đầu tư.
Theo Sách trắng về thương mại điện tử (TMĐT) do Bộ Công thương công bố có đến 92% người dân sử dụng điện thoại di động để truy cập internet, tăng 3% so với 2017, trong khi đó chỉ có 75% sử dụng máy tính để truy cập internet
Thời gian truy cập Internet trung bình mỗi ngày phổ biến từ 3-5 tiếng với tỷ lệ 30%. Đáng chú ý tỷ lệ trên 9 tiếng tăng vọt lên 24% so với 15% năm 2017.
Di động là công cụ để đặt hàng trực tuyến phổ biến nhất với 81%, cộng với đó chủ yếu người dân vẫn sử dụng website TMĐT để mua sắm 74%, tiếp theo là Mạng xã hội với 36%, giảm so với 51% năm 2017, Đặc biệt tín hiệu từ thiết bị di động tăng hơn 10% lên 52% so với năm 2017.
Điều này cho thấy việc phát triển TMĐT trên nền tảng di động IOS, Android được coi là “mảnh đất” màu mỡ, đầy tiềm năng cần được khai thác triệt để phát triển.
Theo Báo cáo “Kinh tế Internet Đông Nam Á 2018” do Google – Temasek thực hiện và công bố, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam giai đoạn 2015 – 2025 được dự báo ở mức 43%, đưa Việt Nam trở thành nước có nền TMĐT tăng trưởng nhanh nhất khu vực. TMĐT đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều giá trị sản xuất và tiêu dùng mới, là động lực phát triển và lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số trong thời gian tới.
Người dùng cũng dần nhận ra là đang dành nhiều thời gian hơn trên chiếc điện thoại thông minh và quen dần với các thao tác “chạm” để xem, để mua sắm. Điện thoại thông minh vô hình trung trở thành công cụ, cũng là môi trường truyền tải thông tin đến người tiêu dùng một cách nhanh chóng hơn so với trên các thiết bị cố định, như máy tính cá nhân.
Trong nghiên cứu xếp hạng top các ứng dụng TMĐT đang được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng của iPrice Insights, trong quý II/2019, ứng dụng di động của Shopee đang dẫn đầu. Nhóm nghiên cứu cho rằng, vị thế này phần nào nhờ vào việc Shopee từ lâu đã theo đuổi chiến lược “mobile-first”, ưu tiên nền tảng di động.
Bên cạnh các chiến dịch marketing để hút lượt tải về, Shopee cũng đầu tư khá mạnh để phát triển ứng dụng di động. Trong một báo cáo, Công ty nghiên cứu thị trường Econsultancy đã phân tích: “Shopee tập trung vào ứng dụng di động ngay từ đầu và xây dựng giao diện người dùng xung quanh mục tiêu ấy, nên trải nghiệm mua sắm trên di động của Shopee nhanh và trực quan”.
Đứng ngay sau là ứng dụng của Lazada Việt Nam. Theo thống kê số lượt truy cập trên hệ thống hơn 33.000 trang web khách hàng của Sapo Web năm 2018 ở Lazada, số lượng người mua sắm qua ứng dụng di động (mobile apps) của Lazada đến cuối năm 2018 đã tăng 60% so với hồi đầu năm và số lượng đơn hàng từ ứng dụng di động chiếm 70% tổng đơn hàng của Lazada.
Một chuyên gia đánh giá, đầu tư vào nền tảng di động phục vụ cho giao dịch B2C được nhiều doanh nghiệp bán hàng xác định là hướng đầu tư chiến lược trong tương lai, thể hiện ở tỷ lệ đầu tư vào nền tảng di động chiếm tới 68% trong cơ cấu đầu tư vào nghiên cứu các nền tảng công nghệ mới.
Tuy nhiên, cơ cấu đầu tư vẫn tập trung chủ yếu vào hoạt động truyền thông, chiếm 73%, trong khi đầu tư vào công nghệ chỉ chiếm 27%. Đối với hoạt động bán hàng B2C, thống kê từ doanh nghiệp và các giao dịch thực tế cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng truy cập thông qua các thiết bị di động như smartphone, tablet chiếm 28%, tuy nhiên số lượng giao dịch được thực hiện thông qua các thiết bị di động chỉ chiếm 13%.
Ngoài ra, theo sự ghi nhận của các công ty nghiên cứu thị trường, khoảng 70% lượng thời gian trực tuyến của người tiêu dùng là qua thiết bị di động và cứ hai lần mua sắm trực tuyến thì có một lần đặt qua điện thoại. Đồng thời, người tiêu dùng vẫn duy trì thói quen xem hàng trên di động, đặt mua hàng trên máy tính vì quá trình thanh toán rõ ràng hơn (có lẻ do màn hình to hơn).
Do đó, nếu nền tảng thanh toán trên di động làm tốt hơn nữa trong thời gian tới, số lượng khách hàng chuyển qua mua sắm qua di động có khả năng tăng nhanh so với hiện nay.
Nguyễn Long
Theo Diễn đàn doanh nghiệp