Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Năng lực mới cho lãnh đạo trong bối cảnh mới

Trong bối cảnh hiện nay, việc quay về với năng lực lõi và giá trị nền tảng sẽ là điều làm nên chân dung nhà lãnh đạo đích thực.

Năng lực mới cho lãnh đạo trong bối cảnh mới
TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Học viện Quản lý PACE

Xuất thân là một bác sĩ, ông Võ Tiến Huy dấn thân vào con đường khởi nghiệp và kinh doanh cách đây 10 năm để rồi đến nay đã gặt hái được nhiều thành công với chuỗi thẩm mỹ viện Kangnam, quy mô hơn 1.000 nhân viên.

Trong nhiều năm đầu khởi nghiệp, ông từng cho rằng có thể thuê những người giỏi về làm cho mình nếu không giỏi về quản trị. Với tư duy đó, ông đã từng thuê các lãnh đạo giỏi hoặc cử các quản lý trong doanh nghiệp đi học về lãnh đạo.

“Nhưng cả hai cách này đều thất bại. Nếu tôi không đủ năng lực thì không thể giữ chân người giỏi, không quản trị được họ, không phát huy được tài năng của họ”, ông Huy chia sẻ trong buổi buổi lễ tốt nghiệp niên khóa 2022 của Học viện PACE.

Doanh nghiệp càng lớn, nhiều bài toán lớn càng được đặt ra buộc người doanh nhân, người đứng đầu doanh nghiệp phải suy tính kỹ càng và việc nâng cao năng lực quản trị của mình. Ông Huy quyết định tham gia các khoá học về lãnh đạo và nhiều chương trình khác.

Nhờ vậy mà tư duy của ông dân thay đổi. Ông nhận ra rằng quản trị doanh nghiệp không thể dựa trên cảm tính mà nó là một môn khoa học và nghệ thuật, quản trị và cai trị là hai thứ khác biệt.

“Tôi cũng thay đổi tư duy về sự học. Tôi học về con người một cách toàn diện, học thay đổi tư tưởng trong kinh doanh để có góc nhìn đúng về kinh doanh và chọn được hướng đi đúng. Học để nâng cao khả năng tự học, học kiến thức và kỹ năng để quản trị doanh nghiệp linh hoạt hơn, trang bị công cụ để quản trị doanh nghiệp hiệu quả”, ông Huy nói.

Nói về sự học, TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Học viện Quản lý PACE cho rằng sự học của ai cũng đẹp và đáng trân trọng nhưng sự học của người lãnh đạo lại còn mang nhiều ý nghĩa vì không chỉ thay đổi mình mà còn làm thay đổi cả một tập thể và thậm chí tác động tích cực đến xã hội.

Những năm vừa qua, cùng với chuyển động của thế giới, nền kinh thương Việt Nam đã trải qua những thăng trầm và biến động chưa từng có. Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, ngay giữa bối cảnh bất định, các nhà quản lý và lãnh đạo đã chứng tỏ được sự kiên định của mình với nỗ lực không ngừng nghỉ, với con đường thực học và thực làm để phát triển năng lực lãnh đạo và đạt được thành công bền vững.

Bước vào “thời hoang mang” như bối cảnh hiện nay, việc quay về với năng lực lõi và giá trị nền tảng sẽ là điều làm nên chân dung nhà lãnh đạo đích thực.

Mô tả về bối cảnh văn hoá của thế giới hiện nay, ông Trung nhấn mạnh ba từ: biến động, chóng mặt và khôn lường. Bối cảnh bên ngoài biến động dữ dội, con người cuối cùng cũng quay về với chính mình để tìm sự vững chãi từ bên trong.

“Khi mà vô số giá trị, chuẩn mực và niềm tin hàng ngàn năm nay bị lật đổ, trong khi những giá trị, chuẩn mực và niềm tin mới lại chưa được hình thành, hoặc đã được hình thành nhưng chưa vững chắc, thì đây là lúc chúng ta quay về với giá trị nền tảng của con người. Đó là các giá trị có tính phổ quát và trường tồn, những giá trị mà sẽ đúng với mọi người ở mọi nơi và mọi thời”, ông Trung nói.

Năng lực mới cho lãnh đạo trong bối cảnh mới
Lễ tốt nghiệp niên khoá 2022 của Học viện PACE

Nhà sáng lập Học viện PACE cũng cho rằng trong bối cảnh mới đó, các nhà lãnh đạo mới cần có những năng lực mới.

Bên cạnh những chức danh lãnh đạo vốn đã rất quen thuộc như tổng giám đốc (CEO), giám đốc nhân sự (CHRO), giám đốc tài chính (CFO), giám đốc marketing (CMO)…thì nhiều chức danh lãnh đạo mới cũng được hình thành trong ban lãnh đạo doanh nghiệp theo xu hướng phát triển của thời đại. Chẳng hạn giám đốc chuyển đổi số (CIO) hay giám đốc hạnh phúc (CHO) là những chức danh như vậy.

Để có được một thế hệ lãnh đạo mới, ông Trung cho rằng có hai cách. Một là tuyển dụng các lãnh đạo mới nhưng việc này không hề dễ dàng. Hai là làm mới lãnh đạo cũ với cách làm tốt nhất là bước vào hành trình thực học vì dân trí của chính người lãnh đạo và của doanh nghiệp.

Khung năng lực gồm 4 cấu phần dành cho bất cứ ai ở bất kỳ vị trí nào trong doanh nghiệp bao gồm: văn hoá, chuyên môn, lãnh đạo và các kỹ năng bổ trợ.

Về năng lực văn hoá, ông Trung đặc biệt nhấn mạnh hai chữ nhân bản bởi đó chính là giá trị nền tảng. Nhân là người, bản là gốc. Nhân bản tức là lấy con người mà cụ thể là phẩm giá, độc lập, tự do và hạnh phúc của con người làm gốc. Giá trị đó cần được đặt trên nền tảng của khai minh. Khai là “mở” và minh là “sáng”. Khai minh tức là mở ra con người tăm tối của mình để đưa ánh sáng vào và làm cho con người mình sáng ra.

Về năng lực lãnh đạo, Hiệu trưởng Học viện PACE cho rằng tương lai của lãnh đạo phải là lãnh đạo bằng văn hoá và tự lãnh đạo.

“Bên cạnh cạnh phương thức quản trị truyền thống xưa nay là quản trị theo mục tiêu và chính sách thì phải làm sao để giúp người khác tự lãnh đạo chính họ. Quản trị cuộc đời là nền tảng của mọi quản trị”, ông Trung nói.

Về năng lực chuyên môn, ông Trung cho rằng học không chỉ để lấy bằng hay lấy nghề như trước đây mà thực học của ngày nay phải là học đa ngành và đa kiến thức để có năng lực giải quyết vấn đề. Điều cần bàn đến khi nói về một người lãnh đạo không phải là họ giỏi nghề gì mà là họ giải quyết được vấn đề gì cho tổ chức. Đó mới là giá trị của người lãnh đạo trong bối cảnh mới.

Theo The Leader