Với kinh phí 22,1 triệu USD và thực hiện trong 5 năm, dự án USAID LinkSME sẽ giúp cải thiện hệ sinh thái kết nối chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 24/9 đã khởi động Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” do USAID tài trợ (USAID LinkSME).
Hiện dự án đang hỗ trợ ngành điện tử và kim khí và kế hoạch sẽ mở rộng sang các ngành khác.
Các DNNVV khi tham gia sẽ được kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi quan tâm tìm kiếm chuỗi cung ứng trong nước và tăng hàm lượng nội địa hóa sản phẩm cùng với việc tiếp cận với các quy trình, thủ tục đấu thầu mua sắm của doanh nghiệp đầu chuỗi.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp nhận được hỗ trợ về kỹ thuật nhằm năng cao năng lực.
Ngoài cải thiện hệ sinh thái kết nỗi chuỗi cung ứng cho DNNVV, dự án còn nâng cao năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp này.
Việc kết nối các DNNVV với những doanh nghiệp hàng đầu sẽ thúc đẩy tầm nhìn về tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và hỗ trợ mục tiêu của USAID Việt Nam là giúp mở rộng tăng trưởng bao trùm, theo định hướng thị trường và do khu vực tư nhân dẫn dắt.
Theo đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, dự án LinkSME sẽ giúp DNNVV tại Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, tạo việc làm cho cộng đồng, cải thiện đời sống và khích lệ tinh thần đổi mới kinh doanh.
Phát biểu tại lễ khởi động, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh dự án LinkSME gắn kết quá trình cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể với quá trình nghiên cứu, cải cách theo ngành cũng như gắn kết những chỉ đạo cải cách từ Chính phủ với những nỗ lực thay đổi từ dưới lên, từ bản thân doanh nghiệp.
Dự án góp phần tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống của môi trường kinh doanh thông qua các hoạt động cải cách thể chế, đơn giản hoá quy định, thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, LinkSME đồng thời tạo ra các thay đổi cơ bản về khả năng hội nhập, kết nối với khu vực và quốc tế cũng như với chuỗi giá trị toàn cầu của các DNNVV.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá:“Việc hỗ trợ phát triển các DNNVV của Việt Nam theo dự án LinkSME sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững và khả năng thoát khỏi bẫy các nước có thu nhập trung bình của Việt Nam trong những thập niên tới”.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện cả nước có hơn 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 97% có quy mô nhỏ và vừa.
Cùng với sự bùng nổ về số lượng, các DNNVV đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của quốc gia thông qua tạo việc làm, nâng cao đời sống người lao động, góp phần quan trọng giảm khoảng cách giàu nghèo, phát triển các cơ hội đầu tư vào các thị trường ngách.
Những doanh nghiệp này cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, hình thành nên những cụm liên kết ngành điện tử, dệt may, thủy sản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng do quy mô nhỏ bé nên DNNVV Việt Nam chưa có khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất.
Đa số doanh nghiệp có trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực nhỏ bé cả về lượng và chất. Đặc biệt, mối liên kết của các DNNVV cũng như giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn còn nhiều hạn chế.
Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan (30%) hay Malaysia (46%).
Theo The Leader