Những khảo sát gần đây cho thấy, tình hình lạm phát dai dẳng và khủng hoảng lao động tạo áp lực lên mức lương của người lao động ở châu Á năm 2023.
Đường chân trời của khu vực tài chính Mumbai. Ấn Độ dự kiến là quốc gia có mức độ tăng lương lớn nhất khu vực vào năm tới. (Ảnh: Reuters)
Từ Ấn Độ đến Việt Nam, các nhà tuyển dụng buộc phải tăng lương nếu không sẽ có nguy cơ mất nhân tài vào tay các doanh nghiệp đối thủ. Dự kiến, trong năm 2023, tỷ lệ tăng lương sẽ lớn hơn so với dự báo lạm phát tại những quốc gia này, mang lại hy vọng tăng trưởng thu nhập thực tế ở châu Á sau khi chi phí sinh hoạt đã tăng đáng kể trong năm nay.
Theo công ty dịch vụ Aon, ngân sách tăng lương trung bình giữa các ngành trong năm tới được dự báo ở mức 6,8% đối với Indonesia, 5,1% đối với Malaysia, 6% đối với Philippines, 4,7% đối với Singapore, 5,1% đối với Thái Lan và 7,9% đối với Việt Nam. Ngoài Malaysia, tỷ lệ tăng lương tại những quốc gia này trong năm 2023 đều lớn hơn so với năm 2022.
Đây là dự báo từ cuộc khảo sát của Aon trong cuộc thăm dò ý kiến về mức độ tăng lương và tỷ lệ nghỉ việc của hơn 700 công ty trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong tháng này.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng: xu hướng tăng lương ở các quốc gia ASEAN không chỉ đến từ áp lực lạm phát, mà còn đến từ sự thay đổi cung cầu nhân tài trên thị trường lao động. Tỷ lệ nhân viên rời khỏi công ty tăng cao trong năm 2022 là một trong những lí do chính khiến các nhà tuyển dụng phải tăng lương, nhằm giảm áp lực tuyển dụng trong năm tới.
Rahul Chawla, người đứng đầu bộ phận giải pháp nguồn nhân lực khu vực Đông Nam Á của Aon cho biết: “Để hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp có tính cạnh tranh, vào năm 2023, các doanh nghiệp cần cân nhắc tăng lương cho nhân viên. Mặc dù việc xác định được mức độ tăng lương đối với mỗi nhóm lao động và mỗi tính chất lao động khác nhau là một việc hết sức khó khăn, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng xem xét lại những nguyên tắc trả lương của mình”.
Tháng trước, kết quả khảo sát của hãng tư vấn Mercer cũng cho thấy khu vực Đông Nam Á sẽ tăng lương vào năm tới. Khảo sát tiết lộ, các công ty trên khắp thị trường châu Á – Thái Bình Dương dự báo mức lương tổng thể sẽ tăng trung bình 4,8% vào năm 2023 – tăng nhẹ so với mức 4,6% vào năm 2022.
Khảo sát của Mercer cũng cho thấy sự khác biệt về mức độ tăng lương giữa các quốc gia. Năm tới, Ấn Độ dự kiến có mức tăng lương cao nhất (9,1%), trong khi Nhật Bản dự kiến có mức độ tăng lương thấp nhất (2,2%). Theo đó, mức độ tăng lương ở cả hai quốc gia trong năm tới sẽ cao hơn một chút so với năm nay, với tỷ lệ tăng lương của Ấn Độ là 8,79% và của Nhật Bản là 2,14%.
Trung Quốc là thị trường duy nhất được dự đoán sẽ có mức lương năm 2023 giảm nhẹ so với năm 2022, ở mức 5,38% (năm 2022, mức tăng lương của Trung Quốc đạt 5.4%), khi nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn đang phải vật lộn với tình hình kinh tế tăng trưởng chậm. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Mercer, tỷ lệ tăng lương của Hồng Kông trong năm tới được dự đoán đạt 3,71%, cao hơn mức 3,55% của năm nay.
Tại hầu hết các quốc gia châu Á, khảo sát của Mercer chỉ ra rằng, kỳ vọng tăng lương của khu vực vượt xa tỷ lệ lạm phát dự báo trong năm 2023. Cụ thể, theo khảo sát, dự báo lạm phát của Ấn Độ đạt 5,1%, của Nhật Bản đạt 2,2%, của Trung Quốc đạt 2,2% và của Hồng Kông đạt 2,4%.
Ở các quốc gia, một số người lao động mong muốn rằng mức lương tăng lên không chỉ bù đắp được chi phí vật giá leo thang, mà còn đáp ứng được nhiều điều hơn thế.
Khảo sát tiền lương toàn cầu của công ty tuyển dụng Robert Walters vào tháng trước cho thấy những người chuyển đổi công việc mong đợi mức lương của họ sẽ tăng lên từ 15% đến 20% – và lên tới 40% đối với những người có kỹ năng công nghệ chuyên sâu.
Khảo sát cho thấy 80% nhân viên ở Singapore có thể sẽ yêu cầu tăng lương, và 71% trong số đó mong muốn người sử dụng lao động sẽ xem xét kỹ vấn đề sinh hoạt phí đang tăng cao khi đánh giá tăng lương hoặc tăng thưởng trong năm tới.
Theo khảo sát của công ty Robert Walter đối với 316 ứng viên và 105 công ty ở Singapore trong tháng 9 vừa rồi, hơn 78% người lao động sẵn sàng xem xét thay đổi công việc vào năm tới nếu mức tăng lương của họ thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Tuy vậy, tiền lương có thể không phải là vấn đề duy nhất.
“Đối với nhiều ứng viên, tiền không phải là yếu tố duy nhất khi đưa ra quyết định nghề nghiệp. Chúng tôi nhận thấy rằng khi nhân viên cảm thấy kiệt sức, hoặc buồn chán vì họ không thể học thêm được điều gì nữa từ công việc, họ sẽ tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp khác”, Ông Monty Sujanani, giám đốc của Robert Walters tại Singapore cho biết.
Theo Nikkei Asia