Anh Phạm Thanh Tùng – còn được biết đến với cái tên Tùng Kiến Trúc, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Từ khi còn là sinh viên, anh luôn là người nghĩ nhiều, làm nhiều và nung nấu tinh thần khởi nghiệp gắn liền với lĩnh vực kiến trúc.
Hiện nay, anh đang sở hữu ba thương hiệu riêng về kiến trúc, về Farmstay và tham gia tư vấn chiến lược cho các huyện, tỉnh về phát triển vùng đất.
Riêng mảng Farmstay, anh thành lập Công ty Cổ phần Defarm chuyên về tư vấn, thiết kế, quản trị Farmstay với mục tiêu phát triển thành đơn vị hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực quản trị và thiết kế Farmstay.
Từ trăn trở về du lịch nông nghiệp cho đến định vị thương hiệu hàng đầu Việt Nam
Thương hiệu chuyên về quy hoạch Farmstay được anh bắt tay xây dựng năm 2019, sau thành công của HanaLand Ecostay – một dự án nông trại kết hợp nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng.
Anh cho biết trước giờ luôn dành sự quan tâm và niềm thôi thúc muốn phát triển tiềm năng du lịch nông nghiệp Việt Nam. Lúc còn là sinh viên, anh đã tìm hiểu và đọc nhiều về đề tài này. Tình trạng “được giá mất mùa” liên tục xảy ra khiến anh trăn trở, luôn mong muốn tìm ra giải pháp để khắc phục tình hình cho bà con nông dân Việt Nam.
“May mắn là khi làm dự án Hana Land, tôi nhận thấy con đường Farmstay là đúng đắn để mình phát triển theo hướng này”, anh kể lại lý do chọn khởi nghiệp với du lịch canh tác.
Từ đó, anh bắt đầu học sâu về Farmstay, không chỉ riêng về thiết kế, mà còn về cả quản trị, pháp lý và tiềm năng phát triển của Farmstay tại Việt Nam.
Anh Tùng với vai trò tư vấn, đánh giá tiềm năng du lịch, thảm thực vật tại làng Đại Bình – Quảng Nam.
Sở dĩ anh cấu trúc thương hiệu toàn diện và bao hàm các bộ phận như vậy là bởi xuất phát từ mục tiêu định vị thương hiệu trở thành “top of mind” tại Việt Nam. Chia sẻ về tầm nhìn này, anh không đặt kỳ vọng vào tiền bạc. “Tôi chỉ đơn giản muốn trở thành người có thể dẫn dắt người khác làm những điều tốt đẹp tương tự, đó là một phần tính cách và mục tiêu của tôi” – anh bày tỏ.
Đã từng có kinh nghiệm về khởi nghiệp kiến trúc, cơ cấu lãnh đạo và vận hành công ty không còn là bài toán khó với anh. Tất cả đều được đúc kết từ những bài học, vấp ngã và mất mát những lần trước.
Sau một năm, anh đã dần dần đưa thương hiệu định hình lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực. Nỗ lực tiếp theo của anh là vươn đến vị trí đơn vị tư vấn, thiết kế, quản trị Farmstay tốt nhất Đông Nam Á.
Không chỉ riêng phần thiết kế, khách hàng được tư vấn toàn diện về chuỗi giá trị làm nên một mô hình Farmstay, bao gồm chiến lược phát triển và đầu tư, marketing, pháp lý cho chủ sở hữu.
Để làm được điều này, ở mỗi bộ phận, anh đều lựa chọn kết hợp với những chuyên gia trong ngành, phát triển thành một đội chuyên môn. Đơn cử như mảng tư vấn pháp lý Farmstay, đối tác của anh là một công ty luật. Tuy nhiên, cả hai bên không dừng lại ở tính chất giới thiệu công việc mà xây dựng thành một đội ngũ chung, hợp tác lâu dài.
Thay vì tập trung biến một mảng cụ thể thành thế mạnh, anh Tùng cho rằng thương hiệu chỉ phát triển tốt nhất nếu được đầu tư toàn diện và đa chiều.
Tận dụng kiến trúc thuận tự nhiên để bền vững
Trong số những dự án Farmstay từng làm, dự án cải tạo khu nghỉ dưỡng ở Lâm Đồng để lại dấu ấn nhiều nhất. Năm 2018, anh nhận cải tạo nơi này với hiện trạng là một khu du lịch đang xuống cấp. Vì không muốn việc quy hoạch kiến trúc làm ảnh hưởng môi trường, anh áp dụng nguyên lý kiến trúc thuận tự nhiên.
Theo đó, anh nỗ lực giữ nguyên địa hình càng nhiều càng tốt. Thay vì san phẳng địa hình để xây nhà và canh tác nông nghiệp, anh và đội ngũ tìm những phương án khác xây dựng nhà, giữ nguyên vị trí của thảm thực vật xung quanh.
Theo anh, kiến trúc thuận tự nhiên là giải pháp bền vững cho cuộc sống con người.
Anh chia sẻ trong bài đăng về dự án, hoạt động xây dựng rất dễ ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên. Nếu có thể hạn chế những tác động này, con người và thiên nhiên sinh sống hòa hợp, môi trường được bảo vệ, đồng thời sức khỏe người dân cũng phần nào được cải thiện khi sống chan hòa trong hệ sinh thái.
Đến nay, anh vẫn luôn tự hào bởi dự án được cải tạo khang trang nhưng tuyệt đối không phá rừng, vẫn giữ nguyên từng cây một. Việc triển khai theo mô hình tận dụng điều kiện thiên nhiên khá thuận lợi, người chủ đầu tư cũng chú trọng đến thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Đến khi bắt tay xây dựng Defarm, anh Tùng cũng xác định đơn vị đi theo hướng kiến trúc thuận tự nhiên.
“Tôi gọi đây là phương thức canh tác nông nghiệp sinh thái, tức là không sử dụng hóa chất, sẽ dùng thiên địch hoặc thuốc trừ sâu sinh học để trừ sâu hại” – anh Tùng giải thích.
Nhiều người cho rằng Farmstay là một hình thức quy hoạch đi ngược lại tiêu chí sống gần gũi với thiên nhiên. Đứng trước quan niệm này, anh Tùng cho rằng Farmstay không phải là thứ khiến môi trường bị phá hoại. Chính lựa chọn và hành động của người thực hiện dự án mới ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.
Trong mỗi dự án, anh luôn tư vấn khách hàng lựa chọn kiến trúc sinh thái thuận tự nhiên. Anh Tùng lý giải: “Không chỉ tốt cho môi trường, canh tác thuận tự nhiên còn giúp Farmstay vận hành bền vững như một hệ sinh thái tự nhiên”.
Defarm ra đời như một doanh nghiệp giúp anh truyền tải định hướng và suy nghĩ rằng, Farmstay phải được tiếp cận đa chiều và toàn diện thì mới đạt được sự bền vững về doanh thu lẫn tinh thần.
Theo đuổi lĩnh vực kiến trúc sinh thái, anh đã tạo nên cộng đồng với hơn 10.000 người quan tâm cùng chủ đề nhằm giúp cho nhiều người có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Không chỉ thực hành kiến trúc chuyên nghiệp qua các dự án, anh Tùng truyền tải những kiến thức của mình thành các bài chia sẻ trên mạng xã hội, những buổi trò chuyện trực tiếp với khán giả.
Mong muốn của anh là biến kiến thức chuyên ngành này trở thành một vấn đề được biết đến rộng rãi và dễ hiểu với mọi đối tượng. Với anh, ngoài kiến thức chuyên môn, kiến trúc sư cần biết về thảm thực vật và vi sinh vật trong lòng đất để việc xây dựng không ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Nhiều người sẽ cho rằng giá dịch vụ thiết kế công ty anh cao so với thị trường (hiện tại đang ở mức 800.000 đồng/m2), anh nghĩ tương lai giá sẽ vẫn còn tăng nữa. Lý giải cho việc này, anh cho hay công ty luôn được đầu tư kỹ lưỡng trong quy trình.
Trước khi thiết kế, công ty đều nghiên cứu kỹ càng và cẩn thận. Giá cao vì công ty sử dụng những phần mềm đặc dụng, tiếp cận vấn đề đa chiều chứ không qua loa, số lượng nhân sự tham gia trong dự án cao hơn 5 đến 10 lần và thời gian cũng kéo dài hơn 3 đến 5 lần. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác về kinh doanh là bí quyết riêng của anh trong mỗi dự án.
Quy trình tư vấn chặt chẽ, chuyên nghiệp đã cho ra những thành quả tương xứng về chất lượng. Hợp tác với anh Tùng trong dự án xây dựng Farmstay, chị Hoàng Anh – người sáng lập Hana Group (sở hữu HanaLand Ecostay) cho biết: “Trong suốt thời gian đồng hành với dự án, Tùng luôn luôn lắng chia sẻ và mong muốn của HanaLand để có thể cho ra thành quả hài hòa và tự nhiên nhất. Tôi rất cảm ơn Tùng vì điều này.”
Tinh thần khởi nghiệp là phải hiểu mình
Một thập kỷ qua, từ chàng sinh viên cho đến người làm kiến trúc chuyên nghiệp, anh Tùng cho biết bản thân luôn hừng hực tinh thần khởi nghiệp. Số lượng công ty anh sở hữu khá nhiều, phần lớn đều đạo ra giá trị về lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch. Thành lập nhiều công ty là phương pháp quyết định để tạo độ nhận diện cao nhất cho thương hiệu của mình so với các thương hiệu khác.
Anh thú nhận, bản thân đã trải qua đâu đó 20 lần khởi nghiệp với nhiều đội nhóm và thương hiệu khác nhau. Khi được hỏi anh định hình như thế nào về hướng làm việc của mình, anh cho biết không có thói quen làm lại những gì người khác đã trải qua. Nếu đã quyết định phát triển doanh nghiệp, anh Tùng luôn tìm hướng đi mới và tạo ra những sản phẩm chưa có trên thị trường.
Anh bộc bạch mình đã trải qua nhiều thách thức và thất bại đến nỗi không nhớ rõ khó khăn nhất là gì. Như bao người, con đường khởi nghiệp khiến anh mất đi những bằng hữu, không thể thanh khoản cơ ngơi kinh doanh và phải chia nhỏ ra để bán lẻ tài sản, khó khăn vì chọn sai người đồng hành, chọn sai thời điểm để tung sản phẩm.
“Tôi đã thất bại nhiều lần, mỗi lần đều có nhiều hơn một bài học đáng quý. Theo quy luật, khó khăn cứ xảy ra, còn mình cứ cố vượt qua thôi”, anh chia sẻ.
Khởi nghiệp không tránh khỏi những khó khăn, anh tâm niệm mình cứ cố gắng vượt qua nó để nhận lại bài học xứng đáng.
Là một kiến trúc sư và một nhà khởi nghiệp, anh cho biết việc đưa ra lời khuyên giá trị cho các bạn trẻ, đặc biệt trong ngành thiết kế, thực sự rất thách thức. Anh gửi gắm đến các bạn ba lời khuyên: Đừng giống người khác, làm việc là cách học nhanh nhất và biết mình là ai để trở thành người giỏi nhất.
Thiết kế là sáng tạo, là tìm ra một hướng đi, triết lý và đôi khi là một “đạo” mới. Các bạn trẻ đừng làm giống người khác, hãy tự tạo ra chuẩn mực mới hơn, cao hơn tiêu chuẩn tốt nhất hiện tại.
Cách thành thạo nhanh nhất là tiến hành làm việc. Chắc chắn bạn sẽ sai, nhưng bạn sẽ học được từ cái sai đó. Nếu hiểu rõ và lý giải được mình sai ở đâu, nhận phần lỗi về mình dù đó chỉ là tỷ lệ lỗi sai rất nhỏ, khi sửa chữa được bạn sẽ có cho mình bài học và trở nên tốt hơn.
Anh cho rằng nếu bạn không phải là một nhà lãnh đạo mà chỉ đơn giản là có một chuyên môn yêu thích, bạn rất giỏi trong lĩnh vực đó thì hãy trở thành chuyên gia mà thế giới mong muốn có bạn trong đội ngũ của họ. Người trẻ cần biết được mình là ai, mình giỏi điều gì vì mỗi người đều có vai trò và nhiệm vụ của riêng mình. Từ đó, hãy cố gắng vượt qua những người khác để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực. Anh nói, đó là lúc bạn xác định được tinh thần khởi nghiệp.
Hành trình khởi nghiệp của anh đến nay đã hơn 10 năm, từ vài chục triệu ban đầu với vài người cộng sự là những sinh viên, giờ đây anh đã có cho mình nhiều hơn ba công ty, với đội ngũ đã lên đến con số gần 100 người. Và hơn hết, những dự án cứ đều đặn tăng mỗi năm đã giúp anh có thêm tự tin và động lực để tiếp tục con đường thử thách này.
Theo Cafebiz.vn