Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Mô hình chia sẻ phát triển ở Trung Quốc, mở app là không phải lo bất kỳ dịch vụ nào

Thị trường mua sắm trực tuyến được đánh giá là lớn nhất thế giới của Trung Quốc đang phát triển theo những cách mới khi dữ liệu thu thập từ dân số khổng lồ của quốc gia này được đưa trở lại nền kinh tế kỹ thuật số.
Quần áo gắn thẻ điện tử được vận chuyển tự động trong nhà kho tại Nam Thông của Yi23.

Những doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh doanh đăng ký (khách hàng trả phí định kỳ để sử dụng sản phẩm và dịch vụ) tại Trung Quốc đang có động lực và cơ hội phát triển nhờ mạng lưới phân phối rộng khắp trên toàn quốc và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Hai yếu tố trên đang thúc đẩy sự thay đổi trong việc chia sẻ nhiều thứ hơn trong cuộc sống và tạo ra nhiều dịch vụ thương mại điện tử độc đáo.

Hình thức đăng ký đã trở nên phổ biến với người dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, truyền hình trực tuyến và giờ đây là cả hàng tiêu dùng hữu hình như quần áo, xe đạp, hoa và mỹ phẩm.

Các dịch vụ này cho thấy thị trường mua sắm trực tuyến được đánh giá là lớn nhất thế giới của Trung Quốc đang phát triển theo những cách mới khi dữ liệu thu thập từ dân số khổng lồ của quốc gia này được đưa trở lại nền kinh tế kỹ thuật số.

Thành phố Nam Thông, cách Thượng Hải khoảng 120 km về phía bắc là nơi có nhà kho khổng lồ của YCloset, dịch vụ cho thuê trang phục cho phép người dùng nữ tiếp cận với một tủ quần áo không giới hạn thay vì lượng trang phục giới hạn mà họ sở hữu tại nhà.

Với khoản phí cố định là 499 NDT (tương đương 70 USD) mỗi tháng hoặc 4.888 NDT (khoảng 686 USD) mỗi năm, khách hàng có thể thoải mái lựa chọn quần áo từ ứng dụng trên điện thoại thông minh và được YCloset giao hàng đến tận nhà trong vài ngày. Sau khi sử dụng xong, họ chỉ cần gửi lại những gì đã mặc cho công ty.

YCloset (hay còn được biết đến với tên gọi Yi23) là startup được tập đoàn Alibaba hậu thuẫn cho biết đến nay, công ty đã có hơn 20 triệu người dùng đăng ký dịch vụ. Startup này chỉ phụ thuộc vào công nhân là con người để làm sạch 600.000 sản phẩm thời trang tại Nam Thông. Những công đoạn còn lại của dịch vụ, từ lưu trữ đến vận chuyển đều tự động.

Quần áo gắn thẻ điện tử được vận chuyển tự động trong nhà kho tại Nam Thông của Yi23.

CEO của Yi23, Liu Mengyuan cho biết: “Lợi thế của chúng tôi đến từ việc nắm bắt công nghệ trí tuệ nhân tạo”.

Yi23 phân tích mức độ phổ biến của từng sản phẩm, kết hợp với lịch sử tìm kiếm và đặt thuê của khách hàng để đưa ra đề xuất phù hợp trong những lần sau. Ví dụ, khi người dùng thuê một chiếc váy ngắn, họ sẽ nhận được đề xuất cho một chiếc áo phù hợp với chiếc váy đó. Một nữ khách hàng 30 tuổi chia sẻ: “Nhờ ứng dụng của Yi23, tôi không còn phải vắt óc nghĩ mặc gì đi làm mỗi ngày nữa”.

Đối với dịch vụ cho thuê trang phục, sản phẩm bị hư hỏng là một vấn đề không thể tránh khỏi, tuy nhiên, nhiều công ty cho phép khách hàng dễ dàng đền bù thiệt hại hoặc thay thế sản phẩm khác thông qua ứng dụng.

Một số cái tên đáng chú ý trong lĩnh vực đăng ký hàng tiêu dùng tại Trung Quốc là Reflower, công ty cung cấp dịch vụ cắm hoa hàng tháng và dịch vụ cung cấp các loại đồ ăn nhẹ và sản phẩm dinh dưỡng hàng tháng cho mèo MollyBox.

Sau khi rút ra bài học từ sự bùng nổ dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc, Hellobike, đơn vị được Alibaba hậu thuẫn cũng đang áp dụng mô hình kinh doanh đăng ký. Tuy người dùng có thể trả tiền cho mỗi chuyến đi nhưng công ty khuyến khích nên đăng ký thành viên với mức phí 18 NDT (khoảng 2,5 USD) mỗi tháng.

Ngoài ra, việc liên kết với Alibaba cũng đem lại lợi ích cho Hellobike. Được biết, công ty sẽ miễn phí tiền đặt cọc cho người dùng có điểm tín dụng tốt trên nền tảng Sesame Credit. Theo Han Mei, CEO của Hellobike, những người này thường có xu hướng làm hỏng xe đạp thấp hơn 30% so với khách hàng khác.

Các đối thủ như Ofo hay Mobike đã từng gây bão trên thị trường với mức phí chạm đáy là 0,5 NDT cho một chuyến đi 30 phút. Mặc dù vậy, họ đều đang khá chật vật để duy trì mức giá này.

Gia Vũ

Theo Trí Thức Trẻ/Nikkei