Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Mì gói – “Người bạn” không thể thiếu trong những chuyến công tác

Cái cảm giác nhìn thấy mì gói Việt Nam trên kệ hàng siêu thị nơi xứ người, đan xen giữa rừng những món đồ chữ Tây, tạo cho tôi cảm giác bồi hồi, tự hào và xao xuyến.

Một buổi chiều mùa đông ba năm trước, tôi đẩy xe rảo quanh các kệ hàng trong một siêu thị nước ngoài ở Golden Grove, Adelaide (Úc). Chuyến công tác xa nhà lần đầu này đưa tôi đến với muôn vàn những thứ mới lạ và cả những điều xa lạ. Cũng chính chuyến đi này đã để lại trong tôi một kỷ niệm sâu sắc, khó quên.

Những ngày công tác ở Adelaide, không sống gần cộng đồng người Việt thì không dễ để tìm thấy hàng hóa Việt Nam. Người Việt mình đôi khi có xu hướng chuộng hàng ngoại. Thế nhưng, phải đi xa và trải nghiệm rồi mới biết “bánh ngoại không phải lúc nào cũng ngon và đồ ngoại không phải cái nào cũng phù hợp với mình”. 

Dòng suy nghĩ miên man bị cắt đứt khi chợt tôi nhìn thấy gói mì Việt Nam trên kệ, lại là món mì khoái khẩu, đậm vị chua cay truyền thống mà tôi thường nhâm nhi những lúc làm đêm muộn. Quá bất ngờ, tôi với tay chộp lấy gói mì, cứ như sợ có ai nhanh tay hơn giành mất. Cái cảm giác nhìn thấy món hàng Việt Nam nơi xứ người, đan xen giữa rừng những món đồ chữ Tây, tạo cho tôi cảm giác bồi hồi, tự hào và xao xuyến.

Thương nhiều lắm gói mì bé nhỏ trên tay! Lúc ở Việt Nam, đi mua năm, ba gói thì thấy bình thường. Xa Việt Nam rồi, gói mì bình dị ấy là điều hiếm hoi và quý giá. Nó cho tôi cái cảm giác rằng mình không đơn độc. Nơi trời Tây xa xôi, tôi vẫn tìm thấy hình bóng quê nhà, nhờ vào món hàng Việt Nam và những dòng chữ Việt thân thuộc. Mân mê gói mì lại làm tôi càng nhớ gia đình, thương người đồng hương. Ngộ làm sao món mì “chống đói” thường ngày hôm nay lại cho tôi một mùi vị mới. Mùi vị thân thương mà tôi chưa bao giờ trải nghiệm.

Cho đến tận bây giờ, cái kỷ niệm lần đầu nhìn thấy gói mì Việt Nam nơi nước Úc vẫn khơi gợi trong tôi nhiều xúc cảm. Ký ức đó không dễ dàng phai đi. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mình đứng ở kệ hàng, vẫn nhớ chính xác vị trí thứ ba từ dưới đếm lên của gói mì Việt Nam trong một siêu thị nước ngoài.

Chắc hẳn ai cũng có những món hàng Việt Nam ưa thích, những thương hiệu Việt Nam ưa chuộng. Nhưng với tôi, tôi gọi tên cảm giác này là “thương”. Thương hàng Việt Nam và thương cả doanh nghiệp Việt Nam, những người đồng hương đang dốc bao tâm huyết và cố gắng từng ngày để mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Càng thêm tự hào vì tôi tin chắc rằng, hàng Việt Nam có thể trụ vững trên thị trường quốc tế nghĩa là chất lượng của nó phải được yêu thích và đón nhận.

Ngày nay, khi thị trường mua sắm ngày một đa dạng, các thương hiệu Việt Nam không chỉ cạnh tranh với nhau, cùng giúp nhau phát triển, mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng là động lực để doanh nhân Việt Nam phấn đấu và phát huy tiềm lực. Kinh tế mở cửa trao tay chúng ta nhiều cơ hội, đi kèm những thách thức, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải sáng tạo không ngừng để luôn giành được thế thượng phong trên sân nhà.

Vẫn biết luôn có một tâm lý mập mờ rằng “hàng ngoại giá cao là hợp lý vì thương hiệu, mẫu mã và chất lượng vượt trội”. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc hàng ngoại không thể là lựa chọn của hết thảy mọi người, đặc biệt là người có thu nhập thấp.

Vậy nên, hàng Việt với chất lượng ổn định và giá cả phải chăng mang đến cơ hội mua sắm và trải nghiệm cho mọi tầng lớp người lao động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt của tất cả người dân. Chính vì lý do này, sẽ là bất công và không chính xác cho hàng Việt khi ai đó vội kết luận rằng “hàng ngoại đang nhanh hơn hàng nội một bước”. Vấn đề sâu xa nằm ở chi phí sản xuất, điều mà các doanh nghiệp Việt luôn phải cân nhắc và suy xét, nhằm cung ứng cho thị trường những sản phẩm đạt chất lượng với mức giá hợp lý nhất.

Theo DNSG