Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Mất 3 năm nghiên cứu thiết bị 3G, khi xuất xưởng thì 4G ra đời, DN thức tỉnh: Trong một thế giới phẳng, tư duy “chậm mà chắc” không còn đúng nữa

Trong thế giới phẳng như hiện nay, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, nếu không có tư duy đổi mới, nắm bắt xu hướng để thay đổi sản phẩm phù hợp, thì đều có thể ngã ngựa bất cứ lúc nào. Chiến lược “chậm mà chắc” đến nay dường như không còn đúng, đặc biệt với giới công nghệ.

Có bốn lý do chính dẫn đến việc thất bại của các startup, đó là: hết vốn, nhân sự không phù hợp, không đủ năng lực cạnh tranh và thị trường không cần đến sản phẩm hay sản phẩm đã lỗi thời.

Câu chuyện lỗi thời càng trở thành bài toán nan giải trong thời đại hiện nay khi những cuộc chạy đua công nghệ khiến vòng đời sản phẩm ngắn đi, chiến lược “chậm mà chắc” như ông cha từng khuyên không còn hiệu quả.

Nhìn từ chuyện “từ chối đổi mới” của Kodak…

Năm 1889, George Eastman thành lập Kodak. Ngay từ khi cho ra mắt những chiếc máy ảnh film đầu tiên, công ty này đã gặt hái được nhiều thành tựu.

Năm 1962, doanh thu của Kodak chạm mức 1 tỷ USD và từng bước trở thành gã khổng lồ trong ngành nhiếp ảnh vào những năm 1970. Năm 1981, công ty thu về 10 tỷ USD, chủ yếu đến từ máy film và máy in ảnh. 

Tuy nhiên sau đó, Kodak lại từ chối sự xuất hiện của máy ảnh kỹ thuật số, xu hướng của tương lai, không phải một mà đến hai lần, vào năm 1975 và 1989. Họ lo sợ rằng máy ảnh số phát triển sẽ đánh dấu chấm hết cho doanh số bán phim máy ảnh, vốn là nguồn thu chính của họ.

Sau những năm 1980, doanh thu của Kodak sụt giảm dần, người tiêu dùng bắt đầu yêu thích và chuyển sang dùng máy film của Fuji do đối thủ này bán rẻ hơn 20%. Đến năm 2012, Kodak đệ đơn phá sản do hết tiền từ bản quyền camera số và nguồn thu từ film giảm sút trầm trọng.

… đến chuyện lỗi thời của một doanh nghiệp công nghệ Việt

Là nhân vật chính trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công số 09, doanh nhân Đỗ Bá Dân chia sẻ bài học lỗi thời từ chính doanh nghiệp của mình.

Xuất thân là học sinh chuyên lý, theo học Đại học Bách khoa với niềm đam mê công nghệ, anh Dân cùng cộng sự thành lập Công ty CP Tập đoàn Trí Nam, chuyên về công nghệ phần mềm. Khoảng năm 2010, nhận thấy thị trường thiếu hụt nghiêm trọng các công cụ hỗ trợ công nghệ 3G mới, doanh nghiệp bắt tay ngay vào nghiên cứu, sản xuất thiết bị truyền video qua mạng 3G và giám sát trạm BTS.

Về phần mềm, vốn có thế mạnh từ trước, doanh nghiệp này chỉ mất 1 năm để hoàn thành. Tuy nhiên, việc sản xuất phần cứng cần đến 3 năm mới hoàn thiện. Kết quả không lạc quan như kỳ vọng.

Đến năm 2013, khi thiết bị truyền video qua mạng 3G của công ty chính thức xuất xưởng thì mạng 4G đã xuất hiện, được một số nơi triển khai. Việc chậm chân trong sản xuất, không cập nhật xu thế mới đã khiến sản phẩm 3G vừa ra đời đã đứng trước nguy cơ “chết yểu”, lỗi thời và không còn hấp dẫn với các nhà mạng. 3 tỷ đồng vốn nghiên cứu cùng công sức của toàn đội ngũ giờ như đổ xuống sông, xuống bể.

“Thay vì hái quả, tôi lại nhận được gáo nước đá. Lỗi nặng nhất thuộc về tôi khi nghĩ rằng mình đủ khả năng để tạo ra mọi sản phẩm và chinh phục mọi khách hàng. Suy nghĩ đơn giản, chủ quan, tôi chỉ mải miết nghiên cứu sản phẩm mà không để mắt đến sự thay đổi của thị trường. Ấu trĩ nhất là chúng tôi lao vào thương trường mà không có phương án back-up nào”, anh Dân chia sẻ.

Nhận thấy không có thế mạnh trong sản xuất phần cứng và khả năng lặp lại bài toán lỗi thời một lần nữa, anh Dân quyết định tiêu hủy hết số hàng, từ bỏ tham vọng cung cấp thiết bị cứng, tập trung vào thiết kế phần mềm phục vụ nhu cầu an sinh, giáo dục, y tế, giao thông.

Đến nay, sau 10 năm, công ty đã phát triển với quy mô 150 nhân sự, cung cấp ra thị trường trên 100 sản phẩm phần mềm, tốc độ tăng trưởng đạt trên 100% mỗi năm.

“Các cụ ta vẫn khuyên chậm mà chắc nhưng dường như điều này đã không còn đúng cho thế giới phẳng hiện nay, đặc biệt là với những người xây dựng và theo đuổi công nghệ như chúng tôi. Bài toán lỗi thời như một quả bom nổ chậm nhắc nhở chúng tôi phải luôn sáng tạo, đổi mới.”

Bàn về case study này, các chuyên gia tại chương trình cũng cho rằng một nhân tố quan trọng khác giúp doanh nghiệp đảo ngược tình thế đó là việc sở hữu đội ngũ nhân sự trung thành.

“May mắn trong ngành của anh là người làm công nghệ thường rất hiền, cắn răng chịu đựng với nhau. Nếu làm trong ngành tài chính, họ “giết” anh liền”, ông Robert Trần bày tỏ.

Làm thế nào để đi nhanh mà chắc?

Theo anh Dân, muốn đi nhanh mà chắc thì cần nhiều “chân”, có nghĩa cần những partner (đối tác) tốt. Thay vì tự làm từ A đến Z thì hãy tập trung vào phần bạn có thế mạnh nhất, đồng thời tìm những phương án cộng sinh từ bên ngoài, qua đó cho ra đời sản phẩm nhanh nhất. Đẩy thế mạnh lên thật nhanh dễ hơn việc đi khắc phục cái yếu.

Thêm nữa, chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa và Robert Trần cho rằng các doanh nghiệp, kể cả quy mô vừa và nhỏ, cần có back-up plan (kế hoạch dự phòng) cho những thất bại.

“Các công ty lớn trên thế giới thường lấy 15% lãi của mỗi năm bỏ vào quỹ dự phòng. Trong khi đó, doanh nhân Việt Nam, mỗi năm thắng lớn, thường đi mua bất động sản, ô tô, hàng hiệu. Nhưng trước khi đi mua hãy giữ 15% cho quỹ dự phòng”, ông Thái Hòa cho hay.

Có thể thấy, lỗi thời là bài toán mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng gặp phải, từ doanh nghiệp nhỏ đến những tập đoàn lớn như Samsung hay Apple. Nếu không chịu quan sát, thay đổi chiến lược phù hợp với xu thế của tương lai thì bất kì gã khổng lồ nào cũng có thể ngã ngựa.

Theo Cafebiz