Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Lý do khiến người trẻ có bằng đại học thậm chí cao hơn đổ xô đi làm shipper

Với những shipper, thu nhập cao là yếu tố chính thu hút họ.

Liệu thu nhập từ việc làm người giao đồ ăn (shipper) có hơn so với những người làm nghề văn phòng bình thường? Ở Đài Loan, câu trả lời là có. Thậm chí, công việc này có sức lôi cuốn đến nỗi, nhiều sinh viên trẻ sau khi tốt nghiệp đại học quyết định đội lên đầu chiếc mũ bảo hiểm.

Vào thời gian ăn trưa bên ngoài một trường cấp 3 ở Đài Loan, có rất nhiều chiếc xe máy giao đồ ăn. Sinh viên đặt đồ ăn qua điện thoại thông minh và đồ ăn được đóng gói nhanh chóng, mang đi vận chuyển trong những chiếc hộp màu hồng trên xe máy mang thương hiệu Foodpanda – một chi nhánh của hãng giao đồ ăn có trụ sở ở Đức Delivery Hero.

Người trẻ đổ xô đi làm shipper cho các hãng giao đồ ăn.

Với những shipper, thu nhập là yếu tố chính thu hút họ.

“Vừa tự do, không phải rằng buộc với bất kỳ tổ chức nào lại kiếm được nhiều tiền hơn những ngành nghề hấp dẫn khác”, We Zhikai – 26 tuổi nói. Được biết, anh này đã gắn bó với nghề shipper được hơn 1 năm.

Wu nói rằng anh làm việc tất cả các ngày trong tháng 9, chuyển khoảng 50 đơn mỗi ngày trong trung bình 10 giờ. Anh kiếm được 2.300 USD so với mức trung bình 1.300 USD của một nhân viên văn phòng toàn thời gian.

Foodpanda thâm nhập Đài Loan vào năm 2012 nhưng công ty này tăng trưởng vượt bậc trong năm nay một phần bởi họ thu hút được nhiều tài xế hơn. Những quảng cáo việc làm hấp dẫn như thu nhập hàng tháng lên tới 3.200 USD khiến nhiều người không khỏi bị thu hút.

Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ là Uber Eats, thuộc Uber. 2 công ty này gộp lại hiện sở hữu 60.000 nhân viên giao hàng và phục vụ gần 1/5 tất cả những cơ sở đồ ăn ở Đài Loan.

Dải thu nhập gây khá nhiều bất ngờ. Một shipper thực hiện 60 chuyến trong 3 ngày kiếm được 40 USD và con số này tăng lên 90 USD cho 105 cuốc giao hàng.

Những con số đó đủ lực hấp dẫn đối với những người trẻ tại Đài Loan, nhất là ở thời điểm một sinh viên tốt nghiệp đại học cũng chỉ có cơ hội nhận mức lương quanh mức 800 USD một tháng. Trên thực tế, thống kê cho thấy, độ tuổi trung bình của những tài xế giao hàng là 26 và 45% trong số họ có 1 bằng đại học hoặc cao hơn.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chóng mặt của dịch vụ giao đồ ăn cũng tạo ra những hệ lụy. Ở Đài Loan, 2 người đã chết vào tháng 10 trong vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế giao hàng, nguyên nhân là do chạy quá tốc độ, không tuân theo hiệu lệnh đèn và làm việc quá tải.

Các công ty cung cấp dịch vụ giao đồ ăn cũng bị chỉ trích bởi không công nhận các tài xế là nhân viên chính thức. Đáp lại, Foodpanda và những công ty khác đã có những động thái cải thiện tình hình nhưng chưa đáng kể. Dẫu vậy, do sự phát triển quá mạnh mẽ của ngành công nghiệp giao đồ ăn mà phía chính quyền cũng tỏ ra “nhẹ tay”.

“Sự trỗi dậy của phong cách làm việc linh hoạt, tự do đang là xu hướng mà xã hội hướng đến”, một chính trị gia thừa nhận.

Với riêng những shipper, họ cũng có mục tiêu riêng: “Tôi muốn tiết kiệm tiền để cưới vợ dù hiện tại chưa có bạn gái”.

Vân Đàm

Theo Trí Thức Trẻ/Nikkei