Hơn 600 lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia nhân sự trong nước và khu vực đã tham dự sự kiện Vietnam Rewards Summit 2019 do Talentnet – công ty tư vấn nhân sự tại Việt Nam tổ chức. Đây là hội nghị về chính sách lương thưởng và phúc lợi lớn nhất và duy nhất tại Việt Nam, mang đến những góc nhìn chiến lược, đa chiều và cải tiến về cách thức xây dựng chính sách lương thưởng hiệu quả.
Hội nghị cũng đã công bố kết quả khảo sát lương 2019 do Mercer – công ty hàng đầu thế giới về tư vấn nhân sự và Talentnet phối hợp thực hiện. Khảo sát đã thu hút sự tham gia của tổng cộng 605 doanh nghiệp thuộc 16 ngành nghề khác nhau từ công nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm, đến hóa phẩm và sản xuất. Với nguồn thông tin dữ liệu được thu thập từ hơn 342.000 nhân viên trên toàn lãnh thổ Việt Nam, khảo sát lương Mercer – Talentnet tự hào là báo cáo chi tiết và chuẩn mực nhất về toàn cảnh tình hình lương thưởng phúc lợi của các doanh nghiệp tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
Đặc biệt, khảo sát năm nay có sự tham gia ấn tượng của 62 doanh nghiệp trong nước, chủ yếu đến từ ngành hàng tiêu dùng, bất động sản và ngân hàng. Sự đầu tư này cho thấy mức độ quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc chuyên nghiệp hóa chế độ lương thưởng nhằm theo kịp xu hướng thị trường, đồng thời gia tăng lợi thế cạnh tranh để giữ chân nhân tài với các công ty đa quốc gia. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng giám đốc Talentnet “Số lượng các doanh nghiệp tham gia khảo sát lương Mercer – Talentnet ngày càng tăng phản ánh nhu cầu rất lớn của các doanh nghiệp về việc sử dụng một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy trong việc tối ưu hóa chính sách lương thưởng, hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định chiến lược nhân sự, thu hút nhân tài và nâng cao năng lực cạnh tranh với thị trường. Bên cạnh đó, dữ liệu về lương sẽ là nguồn thông tin quý giá cho các Nhà quản lý và ban lãnh đạo trong việc ra quyết định phát triển kinh doanh cũng như lên kế hoạch cho đội ngũ kế thừa”.
Theo kết quả khảo sát Mercer – Talentnet, tỷ lệ tăng lương năm 2019 của nhóm công ty nước ngoài là 8,6% và nhóm các công ty Việt Nam là 8,9%. Nhìn chung, tỷ lệ tăng lương này vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát và tình hình tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019. Các ngành như công nghệ cao, hóa chất và thương mại là ba ngành hàng có tỷ lệ tăng lương cao nhất, ở mức lần lượt là 10,2%, 9,0% và 8,6%. Trong khi đó, các ngành nghề như dầu khí, giáo dục và ngân hàng có mức lương tăng thấp hơn, lần lượt là 4,5%, 6,6% và 6,9%.
Năm 2019, mức lương trung bình của các doanh nghiệp trong nước thấp hơn 26% so với các doanh nghiệp nước ngoài. Tỷ lệ chênh lệch giữa hai nhóm công ty này khi xét theo từng cấp bậc: nhân viên, chuyên viên và quản lý lần lượt là 14%, 25% và 33%. Mức chênh lệch lương có khuynh hướng tăng ở cấp quản lý do các công ty nước ngoài thường trả lương cao hơn cho vị trí quản lý cấp cao để tương thích với mức độ đóng góp và phạm vi công việc.
Tuy nhiên, xét theo một khía cạnh khác, tỷ lệ tăng về mức thưởng dự kiến của các công ty Việt Nam năm nay lại cao hơn tỷ lệ thưởng của khối các công ty nước ngoài (22,6% so với 17,5%), điều này cho thấy sự khác biệt về cơ cấu lương, thưởng của các công ty trong và ngoài nước.
Do đặc thù của ngành, các công ty trong lĩnh vực tài chính bao gồm: các công ty không thuộc nhóm ngân hàng (gồm các công ty cho vay tiêu dùng, quản lý quỹ và bảo hiểm) là nhóm ngành có tỷ lệ thưởng cao nhất trong năm qua, với tỷ lệ thưởng lần lượt là 30,4% và 22,9% so với lương năm. Đặc biệt, năm 2019 ghi nhận tỷ lệ thưởng tăng vượt trội của nhóm ngành nông nghiệp – ở mức 19,4%. Ngược lại, các ngành dịch vụ vận tải – hậu cần, bán lẻ và giáo dục có mức thưởng thấp nhất lần lượt là 13,8%, 14,8% và 15,4% so với lương năm.
Theo DNSG