Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Lộ diện những doanh nghiệp lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất trong quý 3/2022

Lộ diện những doanh nghiệp lợi nhuận tăng  trưởng mạnh nhất trong quý 3/2022

Hàng loạt doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận bốn chữ số trong quý 3/2022.

Mùa cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022 dần khép lại với nhiều gam màu tươi sáng. Trong đó nhiều doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng khả quan và sớm “cán đích” kế hoạch lợi nhuận năm.

Lộ diện những doanh nghiệp lợi nhuận tăng  trưởng mạnh nhất trong quý 3/2022 - Ảnh 1.

Thống kê 15 doanh nghiệp vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất có 7 doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng trên 1.000%, số còn lại cũng ghi nhận mức tăng trưởng ba chữ số.

Lộ diện những doanh nghiệp lợi nhuận tăng  trưởng mạnh nhất trong quý 3/2022 - Ảnh 2.
Lợi nhuận sau thuế quý 3 (Đơn vị: Tỷ đồng)

“Quán quân” tăng trưởng lợi nhuận tính đến thời điểm này thuộc về CTCP Thực phẩm Bích Chi (mã BCF) với lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 24 tỷ đồng, tăng gấp 63 lần so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh ấn tượng trong kỳ này giúp BCF báo lãi trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 122 tỷ đồng và 98 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Với kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 100 tỷ đồng, doanh nghiệp đã sớm “vượt đích” gần 22% chỉ sau 9 tháng đầu năm.

Không hề kém cạnh, đại diện ngành xây lắp CTCP Đầu tư Cầu đường CII (mã LGC) cũng báo lãi đậm trong quý 3. Cụ thể, Cầu đường CII ghi nhận doanh thu thuần đạt 350 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, công ty báo lãi sau thuế đạt gần 110 tỷ đồng, tăng gấp 36 lần so với cùng kỳ.

Sở dĩ, hoạt động kinh doanh của LGC khởi sắc do doanh thu từ hoạt động thu phí – mảng kinh doanh chủ lực tăng mạnh so với mức nền thấp năm 2021 khi phải thực hiện chỉ thị giãn cách trong dịch Covid-19.

Trên thị trường, sau chuỗi tăng phi mã và lập đỉnh lịch sử vào cuối năm 2021, cổ phiếu LGC cũng giảm theo xu hướng chung của thị trường. Thị giá LGC từng có thời điểm trượt dài xuống vùng giá cách đây 2 năm, trước khi hồi phục đôi chút lên mức 48.550 đồng/cp (chốt phiên 1/11), tương đương giảm 41% so với đỉnh cũ.

“Ông lớn” ngành bán lẻ CTCP Vincom Retail (mã VRE) cũng lọt top tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý 3. Cụ thể, VRE ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.005 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước.

Đóng góp cho đà bứt tốc ngoạn mục của doanh thu là hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư ( cụ thể là kinh doanh trung tâm thương mại) đóng góp chính với 1.837 tỷ đồng, tăng 152,3% so với cùng kỳ năm 2021. Khấu trừ chi phí, Vincom Retail ghi nhận 794 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng gấp 33 lần so với cùng kỳ.

Với vị thế dẫn đầu, SSI Reseach dự báo đến năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông mẹ của VRE lần lượt đạt 9.000 tỷ đồng và 3.100 tỷ đồng, tăng 24% và 35% so với cùng kỳ. Động lực đến từ các trung tâm thương mại mở mới giai đoạn 2022 – 2023 thúc đẩy doanh thu cho thuê và hoạt động bán shophouse, doanh thu bán bất động sản phục hồi mạnh vào năm 2023.

Sự phục hồi của ngành hàng không cũng là “cú hích” giúp CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (mã SAS) ghi nhận doanh thu, lợi nhuận tăng vọt trong quý 3. Theo đó, doanh thu thuần của Sasco tăng gấp 7 lần lên mức 414 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp tăng hơn 9 lần lên 216 giúp biên lợi nhuận cải thiện từ 40% lên 52%. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 35 tỷ đồng, tăng đợt biến 17,5 lần so với cùng kỳ.

Những nhịp tăng giảm đan xen khiến cổ phiếu SAS chỉ mất khoảng 26% so với mức giá cao nhất trong năm 2022. Tuy nhiên, thị giá của SAS cũng đã trở về vùng đáy hồi tháng 8/2020.

Cũng nằm trong danh sách những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận cao, CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI (mã IDI) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ba chữ số. Cụ thể, doanh nghiệp thuỷ sản đạt 99 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 10 lần so với mức nền thấp trong năm 2021.

Lũy kế 9 tháng, IDI ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.222 tỷ đồng, tăng 44,3% và lợi nhuận sau thuế 534 tỷ đồng, gấp 9,2 lần cùng thời gian năm ngoái. Trong đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ gấp 10 lần cùng kỳ, đạt hơn 521,8 tỷ đồng.

Doanh thu từ sản phẩm cá tra và bột cá, mỡ cá vẫn là nguồn thu chủ yếu của doanh nghiệp, lần lượt mang về cho công ty 2.834 tỷ đồng và 2.289 tỷ đồng trong 9 tháng.

Sau chuỗi tăng bốc vào hồi đầu năm, cổ phiếu IDI cũng đang trong xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Theo đó, IDI đang dừng ở mức 12.100 đồng/cp (chốt phiên 1/11), tương ứng mất 55% giá trị so với mức đỉnh hồi đầu năm.

CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa (mã TIP) cũng báo lãi sau thuế quý cao nhất kể từ quý 1/2021. Cụ thể, trong quý 3 TIP ghi nhận doanh thu thuần 99 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước nhờ ghi nhận doanh thu bất động sản từ hai công ty con. Khấu trừ mọi chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 41 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ.

Cùng chiều với đà giảm của cổ phiếu bất động sản, thị giá TIP đã rơi về vùng đáy cũ 27 tháng về 17.200 đồng/cp, giảm 69% so với mức giá hồi đầu năm.

Theo Nhịp sống thị trường