Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Lê Diệp Kiều Trang và hành trình startup ‘dám chơi dám chịu’

Cùng chồng thành công với Misfit, rồi đầu quân cho Facebook và Go-Viet, Lê Diệp Kiều Trang lại quay về làm startup vì “thích tự làm tự chịu”.

Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) là một trong những đại diện tiêu biểu của thế hệ doanh nhân mới. Sinh năm 1980, cô là ái nữ của ông Lê Văn Trí, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina). Anh trai cô là Lê Trí Thông, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và hiện là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Không chỉ sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, Kiều Trang còn nổi bật với thành tích học vấn cao. Cô tốt nghiệp Song Ưu chuyên ngành Kinh tế tại đại học Oxford (bằng Cử nhân và Thạc sỹ nghiên cứu), và thủ khoa chương trình MBA tại MIT, theo học bổng Legatum Fellow.

Đi một vòng rồi cũng về làm startup

Nhắc đến Lê Diệp Kiều Trang không thể bỏ qua cột mốc cô cùng chồng sáng lập Misfit và startup này sau đó bán cho Fossil Group với giá 260 triệu USD năm 2015. Với thương vụ này, Kiều Trang được cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam ưu ái gọi là “cô gái vàng” trong giới startup.

Sau thành công này, Kiều Trang lại đi làm thuê cho các công ty toàn cầu. Cô giữ vị trí Giám đốc Điều hành Fossil Việt Nam, Phó giám đốc Điều hành Fossil Group rồi trở thành Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam của Facebook trước khi làm Tổng giám đốc Go-Viet. Nhưng thời gian ở Facebook lẫn Go-Viet đều khá ngắn ngủi. Sau đó cô lại về làm startup.

Chia sẻ với VnExpress, Kiều Trang thừa nhận, cuối cùng đam mê lớn nhất vẫn là khởi nghiệp, tạo cơ hội cho những trí thức Việt và hạnh phúc vì dành phần nhiều thời gian trên quê hương.

Lê Diệp Kiều Trang, Đồng sáng lập Alabaster, Chủ tịch Harrison.ai và tạm kiêm nhiệm Giám đốc tài chính Arevo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tại Facebook và Go-Viet, Kiều Trang kể được trao quyền rất nhiều trong kinh doanh. Cô thấy những vị trí này hấp dẫn vì làm giám đốc của một công ty có vị trí mở đường, thay vì một đơn vị đã ổn định.

Tuy nhiên, Kiều Trang vẫn thích sự độc lập hơn nếu làm công ty riêng. “Nó cũng là một sự thoả mãn, mình thấy được điều gì tạo ra tác động, mình chủ động, tự quyết, tự chịu trách nhiệm… Kiểu có chơi có chịu”, cô giải thích.

Kiều Trang giờ là Đồng sáng lập của Alabaster, chuyên rót tiền vào các giải pháp có tác động tích cực ở cấp độ toàn cầu. Alabaster đã có hơn 30 khoản đầu tư giai đoạn đầu vào các lĩnh vực như khoa học vật liệu, chất bán dẫn và công nghệ sinh học.

Cô cũng là Chủ tịch Harrison.ai, công ty Australia phát triển phần mềm tự động phân tích các hình ảnh X-quang và cung cấp cho các bác sĩ hỗ trợ quyết định theo thời gian thực. Cô cũng đang tạm thời là Giám đốc tài chính tại Arevo, công ty in 3D tự động hóa dùng cấu trúc polyme gia cố bằng sợi carbon (CFRP).

Giấc mơ xuất khẩu trí tuệ Việt Nam

Nhiều người sẽ nhớ đến Misfit – thành công startup của Kiều Trang vì con số 260 triệu USD bán được cho Fossil Group. Nhưng Kiều Trang, “tác giả” của nó lại nhớ tới đội ngũ khoảng 10 kỹ sư Machine Vision (Thị giác máy), nhận diện hình ảnh bằng Machine Learning (Máy học) của Misfit. Gần một thập niên “lăn lộn” khởi nghiệp cũng là chừng ấy thời gian Kiều Trang trải nghiệm với công việc “săn” nhân tài.

Năm 2011, khi còn đang yêu thích công việc tại McKinsey, ông Sonny Vũ, chồng cô khuyến khích về khởi nghiệp với Misfit. Kiều Trang nhận chiêu mộ kỹ sư cho dự án và bắt đầu say mê với công việc đi khám phá những nhân tài còn “ẩn dật” hay chưa được mài dũa.

Ban đầu, cô “săn tìm” các du học sinh thạc sỹ, tiến sỹ Việt Nam sang Mỹ theo học bổng VEF (Học bổng cao học dành cho sinh viên ưu tú Việt Nam của chính phủ Mỹ). “Về Việt Nam, các bạn chỉ có đi dạy chứ không có điều kiện làm nghiên cứu. Vì vậy, tôi gọi về Misfit. Các bạn về sau trở thành đầu tàu để hướng dẫn cho nhóm kỹ sư tốt nghiệp tại các trường đại học của Việt Nam”, cô kể.

Năm 2015, khi Misfit được bán đi cũng là giai đoạn các công ty nước ngoài nhộn nhịp tìm đến Việt Nam mở văn phòng để tuyển kỹ sư xây dựng sản phẩm. Thị trường kỹ sư công nghệ phần mềm chuyên làm R&D bắt đầu phát triển.

Nhận thấy nhu cầu thị trường cao về Machine Vision, gia đình Kiều Trang giúp Fossil cấu trúc và bán nhóm kỹ sư cho công ty khác. Kết quả, một công ty Mỹ chuyên phát triển súng điện cho cảnh sát Mỹ đã mua lại. Đội ngũ từ 10 người thời ấy nay đã hơn 70 người.

Cuối 2019, Kiều Trang “tái xuất” tại “Diễn đàn lãnh đạo trẻ Việt Nam 2019” sau khi rời Facebook và Go-Viet với vai trò đồng sáng lập quỹ Alabaster. Trong các dự án mà quỹ rót vốn có Harrison. Công ty này có dữ liệu hình ảnh X-quang tại Australia nhưng thiếu chuyên gia để dạy cho AI học cách đọc.

Thế là, cô tìm các bác sỹ Việt Nam. “Ban ngày, các bác sỹ làm việc ở bệnh viện, ban đêm họ dạy cho các máy học. Hiện giờ, dự án này chúng tôi có hơn 150 bác sỹ cộng tác tại TP HCM”, Kiều Trang nói.

Đến dự án Arevo, Kiều Trang kỳ vọng vào việc xây dựng vào lực lượng kỹ sư sản xuất ưu tú. Thông qua tự động hóa, Arevo có thể đẩy nhanh thời gian ra mắt sản phẩm lên đến 500 lần và giảm chi phí sản xuất lên tới 20 lần so với một vật liệu nhẹ nhưng chắc chắn. Sản phẩm đầu tiên của Arevo là những chiếc xe đạp in 3D.

“Hiện chúng tôi là người duy nhất trên thế giới giữ bản quyền công nghệ in 3D CFRP. Lõi công nghệ thì mình đã có, giờ kỹ sư Việt Nam chưa phải là người phát minh ra công nghệ đó nhưng có thể người thương mại hoá được nó”.

Nói là làm, Trang cùng chồng quyết định mở nhà máy ở Khu công nghệ cao quận 9, TP HCM. Nhà máy đang chờ giấy phép cuối, máy in đã lên thuyền từ Mỹ chuẩn bị cập cảng và lắp máy vào tháng sau.

Trong quá trình thực hiện niềm đam mê là tạo cơ hội cho những kỹ sư giỏi, Kiều Trang nhận thấy năng lực khoa học của trí thức Việt Nam rất tốt nhưng không có môi trường phát triển. Cùng với đó, nhóm kỹ sư giỏi tiếng Anh còn ít nên cơ hội đi nước ngoài “thao luyện” chưa nhiều. Hoặc nếu đi được thì đầu quân cho các công ty lớn như Google, Facebook xong cũng chỉ dừng lại ở đó, khó có khả năng xây được một dự án kinh doanh và mang về nước.

“Và nếu họ không về nước khởi nghiệp mà về nước làm việc thì cũng không có môi trường chuyên nghiệp như Google, Facebook. Cuối cùng, mình lại chảy máu chất xám. Họ ở lại đó luôn cũng không trách được”, Kiều Trang nói.

Cô thấy điểm chung giữa Misfit, Alabaster, Harrison hay Arevo… là đều thiên về công nghệ cao và phi kỹ thuật số (non-digital), những điều khá hiếm trong một hệ sinh thái khởi nghiệp đang chỉ mới sôi động ở mảng kỹ thuật số (digital) với thương mại điện tử, gọi xe, fintech…

Trang cho rằng Việt Nam có những người “deep tech” như vậy nhưng họ là kỹ sư, không phải người kinh doanh. Sản phẩm của họ có thể không phải là thứ thị trường cần. Ngoài ra, họ cũng không biết cách gọi vốn, tổ chức kinh doanh. “Do vậy, những công trình nghiên cứu khoa học rất dễ chết yểu”, cô lý giải.

Kiều Trang cho rằng cần phải có thời gian cho startup “deep tech” trưởng thành. “Ngay cả những bạn giỏi về công nghệ, giỏi về kinh doanh nhưng họ ít tìm thấy nhau hoặc khó làm việc với nhau. Vì vậy, cần có thời gian để cải thiện việc này. Nếu có vài dự án thành công sẽ có những nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư “, cô nói.

Khi được hỏi làm sao để nhiều trí thức về nước dành nhiều thời gian hoặc tâm sức cho Việt Nam hơn, cô nói “tất cả chỉ là vấn đề cơ hội”.

“Cơ hội” được hiểu có thể là việc làm, không chỉ thu nhập cao mà còn là cơ hội phát triển nghề nghiệp. Với một số người muốn về startup thì “cơ hội” là điều kiện để xây dựng doanh nghiệp. Ngoài ra là các điều kiện cho con cái họ. “Nếu về Việt Nam thu nhập vẫn tốt, vẫn phát triển được về chuyên môn về cá nhân thì tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ muốn về”, Kiều Trang nói.

Với tố chất của một công dân toàn cầu, Lê Diệp Kiều Trang đương nhiên không phải là người sẽ cố định ở một chỗ mãi nhưng cô nói thích ở Việt Nam. “Được gần giới trẻ quê nhà, tôi cảm thấy sẽ tạo được tác động xã hội nhiều hơn. Chưa kể, con tôi rồi nó cũng sẽ phải dùng nhiều tiếng Anh nên nếu sống ở Việt Nam, được nói tiếng Việt thì cơ hội này không phải dễ có được”, cô tâm sự.

Theo VNE