David Koch, tỉ phú người Mỹ giàu thứ 7 thế giới, trút hơi thở cuối cùng vào ngày 23-8 ở tuổi 79. Xung quanh người đàn ông cao gần 2m này có rất nhiều sự tranh cãi, mà nổi bật nhất là cách ông ta làm từ thiện.
Câu chuyện làm từ thiện của các tỉ phú Mỹ lúc nào cũng có hai mặt nhưng để chính xác nhất, theo ý của ông bạn tôi hay ngồi “chém gió” cà phê mỗi sáng, nên đặt hai chữ từ thiện và nhà hảo tâm trong ngoặc kép.
Nghe có vẻ nghịch lý bởi nếu làm từ thiện cũng gây tranh cãi thì chắc sẽ có ai đó thốt lên rằng: “Ôi, làm người tốt cũng thật khó”. Xin thưa, cách mà David được người ta gọi là “nhà hảo tâm” cũng lắm chuyện để bàn.
Cho đi nhiều
Mấy ngày sau khi David nằm xuống, báo chí Mỹ vẫn còn râm ran những câu chuyện về cách anh em nhà Koch đã giật dây chính trường Mỹ suốt hàng chục năm qua.
Nói sơ qua nhân thân của David một chút để hiểu cách ông ta làm từ thiện. Là con trai thứ của Fred Chase Koch, doanh nhân Mỹ từng thu hàng triệu đôla trong thập niên 1920 và 1930 nhờ vào công nghệ giúp chiết xuất được nhiều khí đốt hơn từ dầu thô, ngay từ nhỏ David đã được dạy rằng “không ai thương mình” và phải liên tục đấu đá, cạnh tranh với 3 anh em trai còn lại.
Dạy con là vậy nhưng khi ông Fred qua đời, các con của ông vẫn được hưởng gia tài kếch sù – nền tảng quan trọng để phát triển trở thành Koch Industries – một trong những tập đoàn “gia đình trị” thành công nhất nước Mỹ.
Trong một lần trải lòng trên tờ New York Post năm 2010, David cho rằng chính lần thoát chết trong tai nạn máy bay đã giúp ông nhận ra cái chết có thể đến rất bất ngờ, nên phải tranh thủ “làm tất cả những việc tốt có thể nghĩ ra”.
Nói là làm, Koch Industries của ông trở thành nhà bảo trợ nhiệt tình cho các hoạt động nghệ thuật và nghiên cứu y tế. Dân New York không ai xa lạ với Bệnh viện New York-Presbyterian, nơi có một trung tâm y khoa mang tên David nằm ngay khu Manhattan.
Lần khác, cũng tâm sự trên báo, David thổ lộ mong muốn sau khi chết đi mọi người sẽ nhắc đến ông là một nhà hảo tâm làm nhiều việc tốt, một nhân cách khác biệt đã cứu sống nhiều người nhờ vào các nghiên cứu chữa trị ung thư.
Bằng chứng là David tặng 100 triệu USD cho Viện Công nghệ Massachusetts năm 2007 để thành lập một viện nghiên cứu ung thư và hàng triệu đôla khác cho các bệnh viện, trung tâm điều trị ung thư trên khắp nước Mỹ.
Đã lấy cũng không ít
Nhưng di sản lớn nhất mà David để lại trong đời mình chính là một Trái đất đang ngày càng nóng lên nhanh chóng. Bắt đầu từ những năm 1970, khi nhận ra việc chính phủ sắp sửa áp thuế lên khí thải cacbon có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc kinh doanh của Koch Industries, David cùng với anh trai Charles đã bắt tay xây dựng một cỗ máy gây ảnh hưởng đến chính trường Mỹ.
“Nhà không có gì ngoài điều kiện”, anh em Koch bắt đầu vung tiền tài trợ cho các nhóm vận động hành lang, những tổ chức nghiên cứu với mục đích tạo tiếng nói dư luận “khách quan” tác động tới chính quyền. David không tiếc tiền đóng góp cho những chiến dịch tranh cử của các chính trị gia chủ trương nói không với hạn chế khí thải cacbon.
Có giai thoại vẫn còn được đồn thổi tới bây giờ về một chính trị gia đã phải thua cay đắng ngay trên sân nhà vì muốn đi ngược lại ý của anh em nhà này ra sao. Tới bây giờ, vẫn chưa có một đạo luật đánh thuế khí thải gây hiệu ứng nhà kính nào được thông qua ở Mỹ, mà “công” không nhỏ thuộc về nhà Koch.
Thế mới thấy ông bà ta nói “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” không hề sai. “Không ai cho không cái gì” và người Mỹ thực dụng ngay cả khi họ làm “từ thiện”.
Tôi nhớ cách đây vài năm, khi Mark Zuckerberg tuyên bố dành tới 99% cổ phần ở Facebook cho sứ mệnh “thúc đẩy bình đẳng và tiềm năng của con người”, nhiều người đã nói “thằng cha này lại bắt đầu nói dóc theo gương các tiền bối”.
Vài lần tôi về Việt Nam, nghe vài người khen Mark tuổi trẻ tài cao lại có lòng nhân đạo mà chỉ biết cười trừ. Họ không biết phần lớn những khoản tiền đóng góp của vợ chồng Mark đều chảy vào các quỹ hoặc dự án do chính họ sáng lập. Đóng góp bằng cổ phần đã bị vạch trần là chiêu trốn thuế thu nhập tinh vi của các tỉ phú công nghệ ở Mỹ, kể cả Warren Buffett hay Bill Gates.
Ông bạn cà phê của tôi, người sống ở Mỹ hơn ba chục năm, nghe đến đây lại phán thế này: “Nếu mấy ông tỉ phú thật sự tốt, muốn giúp người nghèo như tôi, mấy ổng cứ việc vui vẻ đóng thuế đầy đủ, chứ đừng ngẫu hứng một ngày nào đó tuyên bố làm từ thiện”.
Tôi thấy ông ấy nói đúng.
Theo TTO