Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Làm kinh doanh: “Hãy cứ cho đi đã, chưa nghĩ đến việc mình nhận lại điều gì”

Lần đầu tiên, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, trải lòng với báo chí về chuyện đời và góc nhìn về kinh doanh.

Vietjet Air – con đường giúp Madam Thảo hiện thực hóa ước mơ bay

Từ hồi nhỏ, tôi cũng từng không ít lần ngước lên trời nhìn máy bay và mơ ước một ngày mình được ngồi lên đó, được đến những nơi mình chưa bao giờ được đặt chân tới. Thế nhưng điều đó trải qua bao đời vẫn không thực hiện được. Bởi vì với nhiều người, vé máy bay vẫn đắt đỏ bằng cả một gia tài.

Hàng không là lĩnh vực giúp rút ngắn tiến trình hội nhập. Các cường quốc trên thế giới đều sở hữu đội máy bay hùng mạnh, đều có các hãng hàng không lớn. Tôi muốn Việt Nam mình được như vậy nên mới hướng đến một Vietjet như Emirates của châu Á. 

Ban đầu, đề án của Vietjet Air là một hãng hàng không 5 sao. Nhưng rồi trong một dịp gần Tết, thời điểm chuẩn bị cất cánh, chúng tôi đi thăm những gia đình có công với cách mạng ở vùng cao, có một bà mẹ hỏi: “Bao nhiêu tấn thóc để có thể mua được một chiếc vé máy bay, để mế để dành. Mế chỉ mong trước khi nhắm mắt được bước chân lên máy bay”. Câu nói đó khiến chúng tôi giật mình và cứ văng vẳng theo mỗi bước hoàn thành đề án.

Vậy là chúng tôi quay sang nghiên cứu mô hình đại chúng, giá rẻ và nhận thấy mô hình này mang lại cơ hội bay cho rất nhiều người, kéo theo sự phát triển của kinh tế, du lịch, đầu tư rất mạnh mẽ.

Hàng không có một sức cuốn hút mãnh liệt, không phải hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận mà là những thay đổi mang đến cho kinh tế, đất nước, vừa mang Việt Nam ra thế giới, vừa kéo thế giới đến với Việt Nam. Thách thức vô vàn, nhưng đã đi qua. Phải nói là hàng triệu người dân lần đầu tiên có cơ hội đi máy bay là niềm hạnh phúc của chúng tôi.

Như một lần bà có nói mình không biết có bao nhiêu tiền. Hay nói cách khác, một câu đang khá là hot: Tiền nhiều để làm gì?

– (Cười) Tiền nhiều để hiện thực hóa những ước mơ cao đẹp và giúp đỡ được nhiều người hơn!

Mình cứ cho đi đã, chưa nghĩ đến việc mình nhận về gì. Bà mế đã được đi máy bay mà không phải ky cóp mất mấy tấn thóc, hay những kỳ thủ như Lê Quang Liêm trưởng thành từ những giải cờ vua HDBank từ nhỏ, đã mang về vinh quang và định vị trí tuệ Việt Nam trong làng cờ vua thế giới.

Âm thầm tự hào khi cờ vua Việt Nam vươn tới vị trí thứ 7 trong làng cờ thế giới. Hình ảnh Việt Nam qua chiếc tàu bay mang màu quốc kỳ của Vietjet cũng được biết đến nhiều, tự hào lắm chứ.

Bà nhìn nhận về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như thế nào?

– Đầu tiên phải nói đến trách nhiệm kinh tế của doanh nghiệp, trước hết là phải có hiệu quả để nhân viên có thu nhập tốt, đối tác và khách hàng hài lòng. Sau đó là trách nhiệm tạo ra giá trị, hiệu quả. Gần đây, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân được nhắc đến nhiều. Với tôi có lẽ đây là một phần của triết lý kinh doanh lương thiện nó nằm sâu xa đâu đó trong tâm hồn và trái tim lương thiện. Phương tiện giao thông chi phí tốt vừa giải quyết nhu cầu đi lại của người dân vừa tăng năng lực cạnh tranh quốc gia về du lịch và chi phí logistic.

Trách nhiệm xã hội của Vietjet còn thể hiện ở chỗ: Vietjet chỉ sử dụng đội tàu bay mới với tỷ lệ nhiên liệu, khí thải, tiếng ồn giảm nhiều nhằm cùng các doanh nghiệp và quốc gia trên thế giới chống biến đổi khí hậu. Tương tự, HD Bank cũng đang chuyển mạnh sang ngân hàng xanh, cốt lõi là nắm bắt, sử dụng tiến bộ công nghệ mới mang đến những trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho hàng triệu khách hàng, đặc biệt là khách ở khu vực nông thôn.

Bà nghĩ trách nhiệm của mình trong việc truyền cảm hứng với cộng đồng, xây dựng một tinh thần doanh nhân trong xã hội Việt Nam, như thế nào, bằng cách nào?

– Tôi nghĩ trước tiên tôi cần tập trung làm tốt công việc và sứ mệnh của mình. Mình làm tốt sẽ hữu xạ tự nhiên hương, lan tỏa trong doanh nghiệp của mình ra ngoài cộng đồng. Niềm tin, sự phấn khích là động lực cho lớp người khởi nghiệp trong một quốc gia khởi nghiệp. Tôi luôn động viên tinh thần đổi mới sáng tạo, nhất là trong lớp trẻ.

Khi doanh nhân Việt có khát vọng cống hiến, có lòng tự tôn dân tộc như doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và có trách nhiệm, sứ mệnh làm cho khách hàng, xã hội văn minh, tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ có động lực làm giàu giá trị Việt và lan tỏa ra thế giới. Đó là sẽ nguồn cảm hứng mãnh liệt của doanh nghiệp, doanh nhân Việt.

Ánh Dương

Theo Nhịp Sống Kinh Tế