Nhiều chuyên gia đánh giá, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đang đối diện quá nhiều rủi ro bất định từ cả bên ngoài và bên trong, rất khó có thể dự đoán.
Áp lực tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm 2022 sẽ là rất lớn và khó lường
Ba rủi ro bất định cho nền kinh tế
GDP Việt Nam quý I/2022 tăng 5,03%, đây là mức cao so với năm 2020 và 2021, tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, con số tăng trưởng này chưa phản ánh đúng thực chất của nền kinh tế và khả năng hấp thụ của thị trường.
Mặc dù tăng trưởng trên nền thấp của năm 2021, nhưng con số tăng trưởng của quý I/2022 vẫn chưa bằng các thời kỳ 2018 và 2019.
Đáng nói, theo ông Kiên, áp lực tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm 2022 sẽ là rất lớn và khó lường. Ngay từ đầu năm 2022, ba yếu tố rủi ro bất định đã phát sinh trong quý I gây ra những tác động mạnh mẽ đến kinh tế vĩ mô, vượt ra ngoài những gì Chính phủ dự báo khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội từ cuối năm 2021.
Thứ nhất là khủng hoảng năng lượng, nhiên liệu toàn cầu. Đây là bài toán khó dự đoán. Dù Mỹ tuyên bố cấm vận, nhưng vẫn nhập mạnh dầu từ Nga và quay lại đàm phán mua dầu nặng từ Venezuela, Nga.
Thứ hai, xung đột Nga – Ukraine đã đẩy thế giới vào vòng xoáy lạm phát. Hiện tại, lạm phát Mỹ đã tăng cao nhất trong 31 năm qua, tương tự lạm phát nhiều nước EU cũng đã cao khiến Việt Nam đứng trước thách thức phải nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài.
Thứ ba là kinh tế vừa phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, rất khó dự báo được phản ứng của thị trường.
“Lúc đầu, chúng ta dự báo sau khi mở cửa, sống chung với dịch bệnh, sẽ có làn sóng “mua trả thù” từ người dân sau 2 năm bị gò bò, giãn cách xã hội. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, điều này là không đúng, hoặc chỉ đúng trong ngắn hạn, còn trung và dài hạn từ 6 tháng trở lên thì không đúng”, ông Kiên nhận định và dẫn chứng ở các doanh nghiệp dệt may, quý I tăng trưởng tốt, nhưng sang đến quý II, số lượng đơn hàng đã giảm đi nhiều.
Có thể thấy, các đơn hàng quý II chính là nhằm phục vụ nhu cầu của mua Thu – Đông năm 2022 của các nước phương Tây. Như vậy, số lượng đơn hàng giảm chứng tỏ không hề có một sự “tiêu dùng trả thù”. Thay vào đó, người dân các nước đang ngày càng thắt chặt chi tiêu do lo ngại rủi ro lạm phát và bất ổn kinh tế, chính trị kéo dài. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp trong nước và cả nền kinh tế Việt Nam.
Báo cáo của World Bank cũng cho thấy, riêng khu vực châu Á, kịch bản tăng trưởng năm 2022 có thể sẽ giảm 0,5%. Với Việt Nam, kịch bản xây dựng tăng trưởng năm 2022, dự báo sẽ tăng 6-6,5%. Song, tính đến thời điểm hiện tại, kịch bản tươi sáng nhất cho nền kinh tế có lẽ cũng chỉ ở mức cận dưới của dự báo. Trong trường hợp xấu nhất, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 4%.
Về lạm phát, nếu không có gì thay đổi, lạm phát của Việt Nam sẽ giữ ở mức 4% (+/- 0,3%). Cộng thêm gói kích cầu 300.000 tỷ đồng, lạm phát trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ lên đến 5%, nhưng nếu giữ tốc độ tăng trưởng 6% thì vẫn sẽ giúp nền kinh tế phục hồi tốt hơn.
“Nếu hết quý II/2022, Nga – Ukraine đạt thỏa thuận ngừng bắn, chúng tôi phải chờ diễn biến gỡ cấm vận của Nga rồi mới tiếp tục dự báo kinh tế của quý III và quý IV phục hồi ra sao. Đây có thể cũng sẽ là dự báo không mấy khả quan so với dự báo hồi tháng 12/2021. Hy vọng các nước không chịu cú sốc kinh tế kéo dài”, ông Kiên chia sẻ.
Chủ động trước những bất ổn kinh tế
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước nhiều bất ổn, đặc biệt là giá nguyên liệu tăng cao, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp kiểm soát lạm phát.
Lạm phát ở Việt Nam phần lớn phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng và lương thực thực phẩm. Theo đó, khi giá xăng tăng 10% thì lạm phát tăng thêm 0,36%, nếu giá xăng tăng thêm 10% nữa thì lạm phát tăng thêm 0,29% và giá xăng 10% tiếp theo thì lạm phát tăng thêm 0,23%. Như vậy tổng cộng 3 lần xăng giá tăng trong tháng vừa rồi có thể làm lạm phát ở Việt Nam tăng 0,9-1,1% so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, lạm phát còn bị tác động bởi giá lương thực thực phẩm, tác động này cũng khá lớn. Ông Nghĩa dự tính lạm phát tăng thêm khoảng 0,4% vì giá lương thực thực phẩm.
Nhiều người nói rằng, Việt Nam nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài vào rất lớn thông qua nguyên vật liệu, nhưng chúng ta cũng xuất khẩu lạm phát qua con đường xuất khẩu. Tổng số lạm phát nhập vào và tổng số lạm phát xuất ra sẽ làm lạm phát tăng khoảng 0,9%, tổng lại những yếu tố này, thì lạm phát trong năm nay sẽ vào khoảng 3,9% hoặc 4%.
Đồng tình với những rủi ro bất định đối với kinh tế Việt Nam năm 2022, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, kinh tế thế giới và trong nước năm nay có quá nhiều yếu tố tác động khó lường. Với những diễn biến như hiện nay, không thể dự báo trước 1, 2 tháng cho tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Mại, nhiều tổ chức trên thế giới đã thay đổi các dự báo của mình hàng tuần để bắt kịp với diễn biến mới của tình hình thế giới và có giải pháp ứng phó kịp thời. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ Việt Nam cũng cần cập nhật tình hình thế giới, dự báo trước những tình huống có thể xảy ra để chủ động ứng phó.
Đơn cử như vấn đề về giá xăng dầu tăng cao và nguy cơ lạm phát, vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần theo dõi kịp thời để có phương án cụ thể về bình ổn giá xăng dầu, qua đó kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
“Không chỉ đưa ra giải pháp đối với những vấn đề kinh tế đã hiện hữu, các cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ cần dự báo trước được những diễn biến mới để chuẩn bị sẵn các kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu rủi ro”, ông Mại nhấn mạnh.
Theo The Leader.vn