Tính đến năm 2021, Heineken Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu không rác thải chôn lấp tại các nhà máy, sớm hơn 4 năm so với mục tiêu của tập đoàn mẹ trên toàn cầu.
Là doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất, kinh doanh bia, với nhiều dòng sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng như Heineken, Tiger, Larue, Bia Việt, nước táo lên men Strongbow…, khó có thể tưởng tượng khối lượng bao bì khổng lồ được Heineken Việt Nam sử dụng để cung ứng sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Nằm trong nhóm doanh nghiệp phải thực thi công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với ngành hàng bao bì kể từ năm 2024, tuy nhiên, hoạt động tái chế, tái sử dụng bao bì nhằm hạn chế chất thải ra môi trường đã được Heineken Việt Nam thực hiện từ rất sớm.
Cụ thể, 100% chai thủy tinh của Heineken được thiết kế để tái sử dụng tới hơn 30 lần. Nhờ vào đó, tỷ lệ chai thủy tinh tái sử dụng đạt 97%, ngoài ra 100% chai thủy tinh hết hạn sử dụng hoặc bị vỡ đều tiếp tục được đưa vào tái chế.
Két nhựa đựng chai bia cũng được thiết kế theo hướng tái sử dụng nhiều nhất có thể. Theo đại diện Heineken, những chiếc két bia của hãng có tuổi thọ từ 5 – 10 năm và cũng được tái chế sau khi hết hạn hoặc hư hỏng.
Đối với sản phẩm đóng lon, Heineken sử dụng thùng giấy carton và lon nhôm, cũng có khả năng tái chế lên đến 100%. 40% nguyên liệu nhôm và 100% giấy carton là sản phẩm tái sinh.
Nói về công cụ EPR trong quản lý chất thải rắn, đại diện Heineken Việt Nam cho biết đang tích cực nghiên cứu cách thức thực thi trong thực tế, với những điều kiện liên quan đến cơ sở hạ tầng thu gom, tái chế để tìm ra phương án thích hợp cho thực thi EPR.
Những năm gần đây, mô hình của Heineken và nhiều doanh nghiệp khác hướng đến nâng cao tỷ lệ tuần hoàn tài nguyên, giảm rác thải ra môi trường hiệu quả, nhận được những phản hồi tích cực. Đây là kinh nghiệm tốt cho Heineken cùng các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện cơ chế thực thi EPR trong tương lai.
Đại diện Heineken Việt Nam cho biết công ty đang tiếp tục hướng tới những kết quả cao hơn cho mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như thực thi công cụ chính sách EPR, ví dụ như tăng tỷ lệ nguyên liệu tái sinh trong lon nhôm, trên tinh thần “tăng cường hợp tác và áp dụng kinh tế tuần hoàn trong toàn chuỗi giá trị”.
Đến năm 2025, Heineken đưa ra cam kết tái chế 100% rác thải, bù hoàn 100% nước và sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho hoạt động sản xuất. Trong đó, riêng đối với rác thải, công ty đã đạt được tỷ lệ 100% phụ phẩm, phế phẩm trong khâu sản xuất được tái sử dụng hoặc tái chế, do đó không còn rác thải chôn lấp.
Bù hoàn nước là một chiến lược quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất đồ uống nói chung, được hiểu là việc trả lại tự nhiên lượng nước sạch tương ứng với lượng nước sử dụng trong quá trình sản xuất.
Tính đến nay, Heineken đã cam kết tài trợ cho 25 dự án về nước sạch, đạt tỷ lệ 13,4% lượng nước được bù hoàn, cộng với khoản tài trợ trị giá 30 tỷ vào cuối năm ngoái để thực hiện kịp thời cam kết 2025.
Đối với việc sử dụng năng lượng tái tạo, hiện tại 52% năng lượng cho dây chuyền sản xuất của Heineken là nguồn năng lượng sạch. Công ty kỳ vọng nâng cao hơn nữa tỷ lệ nay thông qua cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) đang được Bộ Công thương lên kế hoạch.
Bền vững trong gian khó
Luật Bảo vệ môi trường 2020 được xây dựng, phê duyệt và chính thức có hiệu lực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
Thực tế, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, nhiều quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp đề nghị giãn, hoãn thời hạn thực thi công cụ chính sách mới để tránh tạo tác động tiêu cực tới tiến trình phục hồi.
Có hoạt động kinh doanh gắn liền với ngành bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, Heineken phần nào chịu những tác động tiêu cực từ cơn bão Covid-19. Tuy nhiên, đại diện Heineken khẳng định, “ngay cả trong giai đoạn biến động nhất”, phát triển bền vững vẫn là “kim chỉ nam cho mọi hoạt động”.
Đại dịch Covid-19 khiến vấn đề hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ y tế được đặt lên hàng đầu. Heineken Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, với những hoạt động như hỗ trợ trang thiết bị cho Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, hỗ trợ tiền và khẩu trang cho cán bộ y tế tham gia phòng dịch…
Những hoạt động kể trên cũng thuộc một trong những trọng tâm phát triển bền vững của Heineken, được công bố bởi tập đoàn Heineken toàn cầu vào tháng 4/2021, bao gồm không phát thải ra môi trường và xây dựng thế giới công bằng, lành mạnh hơn.
Song song với chiến lược không xả rác, bù hoàn nước, Tập đoàn đặt mục tiêu không phát thải khí thải carbon vào năm 2030 cho hoạt động sản xuất và năm 2040 cho toàn bộ chuỗi cung ứng, sớm hơn 10 năm so với cam kết của Việt Nam.
Một số hoạt động hướng tới phát triển bền vững của Heineken Việt Nam chịu ảnh hưởng phần nào do tác động của dịch bệnh, ví dụ như hiệu quả sử dụng năng lượng hay số lượng việc làm được Heineken hỗ trợ trong các nhà hàng, khách sạn.
Tuy nhiên, Covid-19 cũng đặt ra khoảng lặng để cộng đồng doanh nghiệp cũng như các chính phủ nghiêm túc nhìn nhận lại mô hình tăng trưởng, nghiêm túc xem xét lại các mục tiêu bền vững.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 hay cam kết tại COP26 của Việt Nam là câu trả lời rõ ràng cho lựa chọn phát triển xanh, bền vững, cũng là động lực quan trọng cho các doanh nghiệp tiên phong với mô hình kinh tế tuần hoàn như Heineken.
Chia sẻ với TheLEADER, đại diện Heineken Việt Nam đặt kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ sử dụng năng lượng tái tạo như cơ chế DPPA, cũng như các dự án đầu tư xây dựng ngành công nghiệp thu gom, tái chế được đẩy mạnh hơn nữa để tiếp sức cho Heineken cũng như cộng đồng doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bao trùm, thịnh vượng và bền vững.
Theo The Leader