Tầng lớp giàu có ở Việt Nam đang tìm kiếm bất động sản cao cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và xa hơn là Châu Âu và Hoa Kỳ.
Trong hơn một thập kỷ qua, hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã được lột xác bằng những tòa tháp kính hào nhoáng, những biểu tượng của tiến bộ kinh tế. Đó cũng là dấu hiệu của một thị trường bất động sản xa xỉ đang phát triển.
Nếu đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi đô thị hiện đại hóa nhanh chóng, thì tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Việt Nam cũng vậy. Tài sản cá nhân của họ tăng lên cũng đồng nghĩa với sự tăng trưởng tài chính của đất nước. “Trên khắp đất nước Việt Nam, và đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh, bất động sản cao cấp đã thúc đẩy một làn sóng quan tâm và đầu tư ở địa phương và ở nước ngoài”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam cho biết.
Thị trường bất động sản hạng sang bùng nổ đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh – sau đó mở rộng ra thủ đô Hà Nội và các địa phương khác. Giờ đây, sự quan tâm đến bất động sản cao cấp còn mở rộng ra ngoài biên giới Việt Nam khi ngày càng nhiều cá nhân tìm đến các cơ hội đầu tư quốc tế.
Kể từ khi mở cửa đầu tư nước ngoài và gia nhập WTO, Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Năm ngoái, Bloomberg đã báo cáo rằng Việt Nam – từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 7,08%, trở thành một trong những quốc gia có thành tích tăng trưởng tốt nhất trên toàn cầu. Các dự báo trong tương lai vẫn khá tích cực dù tình hình thế giới biến động.
Sự nổi lên của như một trung tâm sản xuất và xuất khẩu toàn cầu cũng đã mang lại sự giàu có cho một tầng lớp mới. Theo The Wealth Report 2019, do Knight Frank, nhà tư vấn bất động sản Anh công bố, số triệu phú ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 12.327 năm ngoái lên 15.776 vào năm 2023, tăng 28%.
“Vì thế, người Việt Nam giàu có đang đầu tư vượt ra ngoài biên giới đất nước”, theo ông Troy Griffiths, phó giám đốc điều hành tại Savills Vietnam.
Bà Dương Thùy Dung nhận xét: “Càng ngày càng có nhiều người Việt Nam đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài. Mười năm trước, chỉ những người có người thân là Việt Kiều mới mua bất động sản ở nước ngoài, để họ có thể sống gần cha mẹ hoặc anh chị em của họ. Nhưng ngày nay, xu hướng cha mẹ giàu có gửi con đi du học quốc tế đang gia tăng, và những phụ huynh này cũng đang đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài cho con cái họ”.
Theo bà Dung, các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Úc và Anh là phổ biến nhất đối với người Việt Nam, vì đây được cho là những điểm đến có cơ hội đầu tư và chất lượng giáo dục tốt nhất. Tuy nhiên, giá cả đắt đỏ khiến những quốc gia đó ngoài tầm với của hầu như tất cả mọi người – trừ những người giàu có nhất.
“Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy người Việt đầu tư nhiều hơn vào các nước châu Âu, nơi dễ dàng có được quyền công dân hơn, bao gồm Síp, Malta, Bồ Đào Nha, Hungary và một số quốc gia Đông Âu”, bà Dung nói.
“Các tài sản được mua ở các quốc gia này thường sẽ trở thành nơi cư trú vĩnh viễn cho một số người hoặc tất cả các thành viên trong gia đình”. Ông Griffiths lưu ý rằng bất động sản ở châu Âu được người dân Hà Nội rất ưa thích, trong khi thị trường nói tiếng Anh còn lại thì phổ biến hơn với cư dân thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Dung quan sát thấy rằng, chỉ những người giàu có nhất mới có thể đầu tư vào Anh, Hoa Kỳ, Úc và Canada. Do chương trình EB-5 không hạn chế nơi các nhà đầu tư có thể mua bất động sản, nhiều người bị lôi kéo đến các bang có cộng đồng người Việt, như California, New York và Washington, D.C.
Chương trình thị thực EB-5 của Hoa Kỳ cho phép các nhà đầu tư nhập cư trở thành cư dân thường trú bằng cách đầu tư ít nhất 500.000 USD (con số này sẽ tăng lên 900.000 USD sau ngày 21 tháng 11).
Xét về các loại tài sản được người mua Việt Nam tìm kiếm, nhà phố hoặc biệt thự được đầu tư thường xuyên nhất. Chỉ riêng tại Mỹ, người mua Việt Nam thường sẽ đầu tư vào các dự án đang xây dựng, phần lớn là các dự án chung cư.
Nhưng tất nhiên, người Việt Nam giàu có cũng đang đầu tư vào bất động sản cao cấp tại quê nhà. Bà Dung cho biết: “Có lẽ 95% khách hàng của chúng tôi là người địa phương”. Ông Griffiths đồng tình: “Người mua Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn”.
Quận 1 đang phát triển những khu dân cư cực kỳ cao cấp như The Marq và Vinhomes Golden River. “Giá đất rất cao, chỉ có một vài khu dân cư phát triển ở đây và đều là những khu xa xỉ”, bà Dung nói. “Chúng tôi có một số nhà đầu tư rất giàu có đang nhắm tới thị trường bất động sản xa xỉ ở Quận 1. Tuy nhiên, hầu hết đang tìm kiếm lợi nhuận mua bán thay vì cho thuê, bởi vì lợi nhuận từ cho thuê của phân khúc này chỉ có thể là 4% hoặc 5%”.
Phần lớn các nhà đầu tư ở Thành phố Hồ Chí Minh mua bên ngoài Quận 1 là các nhà đầu tư muốn tận dụng nhu cầu của người nước ngoài. Hầu hết các công ty quốc tế lớn ở Việt Nam đều có văn phòng và chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy nhu cầu thuê của người nước ngoài là rất lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh và nó đang tăng lên hàng ngày.
Bà Dung tiết lộ rằng mặc dù lợi nhuận bị chững lại gần đây do cung vượt xa nhu cầu, lợi suất cho thuê trung bình ở Thành phố Hồ Chí Minh ngoài Quận 1 vẫn nằm trong khoảng từ 6% đến 7%, cao hơn so với 4% đến 5% tại Hà Nội. Mặc dù sẽ mất thêm hai đến ba năm nữa để cơ sở hạ tầng được hoàn thiện, người mua đang đầu tư rất lớn.
Hiện tại, các nhà đầu tư cũng tìm kiếm bất động sản Hà Nội, với các khu nhà liền kề, thay vì nhà chung cư. Giá đất ở Hà Nội đã tăng trưởng cao hơn nhiều so với tại thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy đối với những người đầu tư vào bất động sản, họ sẽ kiếm được lợi nhuận cao hơn tại thủ đô.
Hoàng An
Theo Trí thức trẻ/Mansion Global