Loading...

Hotline: 0934.119.383 - 028.6680.9898

Kinh nghiệm tăng tốc bền vững từ startup NextSmarty và Axie Infinity

Theo lời nhắn nhủ của 2 co-founder của startup NextSmarty và Axie Infinity, thì để có thể thu lại lợi ích lớn nhất từ chương trình Saola Accelerator đồng thời tăng tốc một cách bền vững, founder của các startup đi sau nên chú ý 2 điều: hạ cái tôi xuống một chút để nhìn lại mình cũng như doanh nghiệp.
Team NextSmarty

Saola Accelerator là một chương trình hỗ trợ tăng tốc cho các doanh nghiệp startup Việt Nam còn tương đối non trẻ của quỹ đầu tư 500 Startups Vietnam – thành viên của 500 Startups.

Mặc dù chương trình chỉ diễn ra trong khoảng 3 tháng, nhưng với co-founder của NextSmarty và Axie Infinity (2 trong 6 startup vừa tốt nghiệp chương trình), những thứ họ và doanh nghiệp nhận lại từ Saola Accelerator là không thể đong đếm.

NextSmarty – kinh doanh và kỹ thuật không phải là 2 bộ phận tách rời, hạ cái tôi xuống để doanh nghiệp phát triển tốt hơn

Theo chia sẻ của Trịnh Xuân Tuân – Co-founder của NextSmarty, thì để được nhận vào Saola Accelerator, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần thỏa vài điều kiện sau: ý tưởng tốt và khác biệt hay nôm na phải có ‘đổi mới sáng tạo’, có thể khác về mặt thị trường – mô hình kinh doanh – sản phẩm; đội ngũ nhân sự có chất lượng và bổ trợ cho nhau.

Saola Accelerator đã giúp không chỉ bản thân tôi mà cả đội ngũ NextSmarty thay đổi tư duy, ví dụ: trước đây, chúng tôi luôn nghĩ bộ phận kỹ thuật và kinh doanh tách rời nhau, nhưng sau khi vào Saola mọi người mới biết rằng chúng là một thể và bổ sung cho nhau.

Thứ hai là chúng tôi được đào tạo thêm những kiến thức về kinh doanh, luật pháp… hay làm sao gây dựng và duy trì được mối quan hệ. Đặc biệt, NextSmarty là B2B, hướng đến thị trường Đông Nam Á, nên kiến thức luật pháp như thế rất quan trọng với chúng tôi.

Thứ ba, Saola cung cấp một bộ khung – framework để mọi người nhìn vào đấy thực hiện và phối hợp công việc dễ dàng hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được rất nhiều những lời khuyên để làm sao tìm ra được sản phẩm đúng nhu cầu thị trường – market fit.

Mặt khác, ngoài tiền hay kiến thức, chúng tôi còn được giới thiệu các mối quan hệ. Với những công ty B2B như NextSmarty, muốn mở rộng thị trường nhanh chóng cần có các nhà đầu tư chiến lược phù hợp“, anh Trịnh Xuân Tuân cho biết.

Trịnh Xuân Tuân – Co-founder của NextSmarty

Theo anh Tuân, với startup đang phải tự bơi như NextSmarty, muốn tồn tại cần phải có doanh thu, ngay cả trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Muốn thế, họ phải thay đổi bản thân liên tục: như làm thế nào để thay đổi sản phẩm mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Điều đó vô cùng quan trọng! Theo đó, họ hải hiểu được khách hàng. Nhưng làm thế nào để hiểu khách hàng và tìm đúng điểm bế tắt mà họ đang gặp phải?

Sau 3 tháng, qua những chương trình giáo dục – mentor đến từ Saola Accelerator, đội ngũ NextSmarty đã một phần nào đó nắm được phương pháp trả lời những câu hỏi trên.

Và sở dĩ, NextSmarty có thể nhận được nhiều nguồn lực như thế là bởi Saola Accelerator có các mentor và coaching nhiều kinh nghiệm – có những người làm startup 3 đến 4 lần, có những người đã exit công ty hàng trăm triệu USD. Đó là những con người vừa có kiến thức nền tảng vững chắc khi từng tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng như Cambridge và có vài lần khởi nghiệp thành công. Những kiến thức của họ không chỉ về lý thuyết mà còn là kinh nghiệm thực tế.

Hơn nữa họ vừa là những doanh nhân chuyên khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ vừa có mối quan hệ rất rộng. Mục tiêu của 500 Startups và Saola Accelerator giúp các startup – như NextSmarty trưởng thành và phát triển bền vững thay vì đốt cháy giai đoạn.

Đối với tôi, 1 co-founder xuất thân từ công nghệ, cái tôi của tôi lớn – luôn nghĩ sản phẩm mình tốt nhất, nhưng mà chúng ta nên hạ cái tôi của mình xuống 1 chút để sản phẩm và công ty có thể phát triển được. Quan trọng nhất là giải quyết được ‘điểm nghẽn’ của khách hàng, quan trọng nhất là tìm được market fit“, anh Trịnh Xuân Tuân đã trả lời như thế khi chúng tôi hỏi anh có lời khuyên gì với những startup tiếp theo gia nhập Saola.

Axie Infinity – ‘tự vấn bản thân’ để nhìn rõ hơn con đường mình đi để đi xa hơn

Còn theo chia sẻ của Trung Nguyen – Co-founder và CEO của Axie Infinity, thì đây không phải lần đầu tiên anh tham gia 1 chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Trước đó, với tư cách là co-founder của Lozi, anh cũng đã từng tham gia một chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong giai đoạn đầu tiên ở với một quỹ khởi nghiệp khác.

Cái khác nhau đầu tiên của Saola Accelerator có lẽ đến từ chính bản thân công ty của tôi. Hồi đó, startup mà tôi tham gia mới có ý tưởng, ra sản phẩm ban đầu và cần nhiều thời gian hơn nữa để chinh phục thị trường, còn startup hiện tại đang ở giai đoạn lớn hơn chút xíu, chúng tôi cũng đã có nhiều kiến thức – kinh nghiệp hơn về vận hành cũng như đưa ra thị trường. Axie Infinity cũng đã được khai thác thương mại 1 thời gian rồi.

Điểm khác biệt nữa giữa Saola và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp khác, theo quan điểm của tôi: chúng tôi như có người ‘thúc sau lưng’, bắt buộc mình phải suy nghĩ kỹ hơn, suy nghĩ nhiều hơn – mình là ai, mình đang giải bài toán gì và mình phải là gì để phát triển được công ty. Làm kinh doanh là phải nghĩ tới sự phát triển, nhưng áp lực khi tham gia Saola không chỉ là phát triển mà còn phải hiểu mình, hiểu thị trường, mình phải đi lục lại bài toán mình đang giải”, anh Trung Nguyen nhận định.

Trung Nguyen – Co-founder và CEO của Axie Infinity

Hai tuần đầu tiên, Axie Infinity – như tất cả startup khác trong chương trình, đều phải thực hiện việc ‘tự vấn bản thân’. Khi startup đã có một hiểu biết nhất định về bản thân, sau đó chỉ đơn thuần là họ thu nạp thêm kiến thức mới vào doanh nghiệp của mình, rồi áp dụng vào thực tế.

Việc đề nghị các học viên nhìn nhận lại bản thân và bài toán mình đang giải quyết vẫn là khác biệt lớn nhất của Saola Accelerator so với các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp khác. Rồi sau đấy Saola mới nói với các startup phải phát triển như thế nào“, Trung Nguyen khẳng định.

Theo đó, sau khi ‘tốt nghiệp’ Saola Accelerator, founder và cả bản thân doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn những gì bản thân mình muốn làm, thay vì trước đây họ hành động dựa vào chủ quan của founder nhiều hơn. Ví dụ: trước đây cũng có đo đạc nhưng không quá nhiều, giờ Axie Infinity nhìn rõ ràng hơn con đường mà mình đi. Axie Infinity biết rõ hơn thị trường và có kế hoạch rõ ràng để thực hiện tất cả các dự định mà doanh nghiệp muốn làm.

Với bản thân Trung Nguyen, theo anh thú nhận, trước đây nhiều khi anh hơi tự tin vì quá tâm huyết với ‘bài toán’ mà anh và team đang giải và lời giải của mình, nên nhiều khi anh không nghĩ lại quá nhiều. Trung Nguyen hay nghĩ: được rồi, cái này hay, mình cứ làm cái này đi đã. Lúc đó, thỉnh thoảng anh cũng đặt câu hỏi về những việc mình vừa hoàn thành cho bản thân, nhưng không nhiều.

Bây giờ, sau khi được đào luyện trong Saola Accelerator, làm bất cứ việc gì, tôi luôn luôn có sự nghĩ lại để biết việc mình làm có ý nghĩa hay không và nó có thực sự mang lại nhiều giá trị hay không. Tôi đã hạ cái tôi của mình xuống 1 chút xíu trong việc giải quyết vấn đề. Hay trước khi quyết định đi con đường nào mình phải nhìn xem đích đến đó có đúng hay không?“, Trung Nguyen kết luận.

Quỳnh Như

Theo Trí Thức Trẻ