Bằng việc khai thác, tận dụng tiềm lực và lợi thế của nhau, mô hình kinh doanh du lịch – hàng không giúp gia tăng lợi ích cho mỗi thương hiệu cũng như cả tập đoàn.
Mô hình kinh doanh hàng không kết hợp du lịch, khu nghỉ dưỡng đang là xu thế được các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam theo đuổi thời gian gần đây. Ông lớn ngành du lịch FLC đã ra mắt Hãng hàng không Bamboo Airway vào giữa tháng 8 năm ngoái. Mới đây, cái tên Vinpearl Air cũng khiến công chúng xôn xao về bước đi mới của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Mô hình “một người khỏe, hai người vui” này không phải quá mới lạ khi ở Anh, một tỷ phú cũng đã triển khai thành công hàng chục năm trước và duy trì đến ngày nay.
Đó là Richard Branson, doanh nhân, tỷ phú người Anh, nổi tiếng với Tập đoàn đa ngành Virgin của mình.
Cha là luật sư, mẹ làm tiếp viên hàng không nhưng Branson đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình khi mới 16 tuổi bằng việc phát hành tạp chí Student. Sau đó, ông thành lập một hãng thu âm đặt hàng qua thư với tên Virgin Records vào năm 1970. Đây cũng khởi đầu cho một tập đoàn khổng lồ, nơi kiểm soát hơn 400 công ty, sử dụng gần 70.000 lao động tại 35 quốc gia trên toàn thế giới.
Các công ty của Branson bao gồm các hãng hàng không, truyền thông không dây, đài phát thanh, khách sạn, y tế, kinh doanh dịch vụ tài chính, câu lạc bộ đêm Heaven, công nghệ tái tạo.
Hai trong những công ty nổi tiếng của ông là Hãng hàng không Virgin Atlantic và Virgin Holidays, chuyên cung cấp các tour du lịch khắp thế giới.
Virgin Atlantic
Trong một lần đi đến đảo Virgin của Anh, Branson đã bị mắc kẹt ở Puerto Rico sau khi chuyến bay của ông bị hủy vì không đủ hành khách. Vị tỷ phú đã giải quyết vấn đề bằng cách thuê một chuyên cơ riêng và cho cả những người bị lỡ chuyến như mình đi cùng. Branson còn viết chữ “Virgin Airlines” lên một chiếc bảng đen, đánh dấu ngày ông lấp đầy chiếc máy bay đầu tiên của mình.
Năm 1984, Hãng hàng không Virgin Atlantic chính thức ra mắt. Ngay từ những ngày đầu, Virgin Atlantic đã chinh phục được khách hàng bởi dịch vụ vượt trội. Đây là hãng hàng không đầu tiên cung cấp màn hình TV cá nhân với đa dạng các kênh cho hành khách ở cả ghế hạng sang và hạng thường vào năm 1991.
Virgin Holidays
Virgin Holidays được thành lập sau Virgin Atlantic một năm, là công ty chuyên cung cấp, sắp xếp các kỳ nghỉ tới hơn 45 địa điểm trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Nam Phi, Trung Đông, Ấn Độ Dương.
Công ty này đặc biệt nổi tiếng với tour xuyên Đại Tây Dương lớn nhất, cũng là cái tên hàng đầu ở thị trường Hoa Kỳ và Caribê.
Kết hợp du lịch – hàng không: Mô hình “một người khỏe, hai người vui”
Dù cùng thuộc một tập đoàn nhưng Virgin Atlantic và Virgin Holidays là 2 công ty hoạt động hoàn toàn độc lập. Tuy nhiên, sẽ thật lãng phí nếu những nguồn lực từ 2 thương hiệu không hỗ trợ, bổ sung cho nhau để tăng thêm lợi ích cho khách hàng cũng như cho chính doanh nghiệp.
Chiến dịch quảng cáo chung
Năm 2018 đánh dấu lần đầu tiên cặp thương hiệu anh em này liên kết, tung ra chiến dịch quảng cáo chung sau hơn 30 năm thành lập. Chiến dịch gồm 2 video quảng cáo cho 2 thương hiệu riêng nhưng cùng được lên sóng trong thời gian nghỉ của chương trình The X Factor. Ngoài ra, video còn được chạy trên đài phát thanh, kỹ thuật số, điện thoại di động và phương tiện truyền thông xã hội khác.
Cả 2 video quảng cáo tập trung vào các điểm đến chính bao gồm New York, Las Vegas, Florida, đặc biệt là Bờ Tây Hoa Kỳ và Caribe, nơi Virgin Holidays cung cấp những tour du lịch nổi tiếng.
Amber Kirby, giám đốc tiếp thị và khách hàng của Virgin Holidays chia sẻ về chiến dịch trị giá hàng triệu bảng Anh rằng: “Chúng tôi là 2 thương hiệu anh em, với bản sắc riêng biệt và có nhiệm vụ khác nhau. Nhưng có nhiều điểm chung xung quanh kinh nghiệm và ý thức phục vụ của Virgin, bắt đầu trên chuyến bay Virgin Atlantic và được tiếp tục ở điểm đến với Virgin Holidays.”
Mục tiêu của chiến dịch là thu hút những khách hàng mới, tăng 5% số người bay cùng Virgin Atlantic. Dù không có số liệu chính thức về tác động của chiến dịch này đến tình hình kinh doanh của 2 thương hiệu nhưng nó đã nhận được nhiều phản ứng tích cực và thích thú từ công chúng.
Chương trình Virgin Flying Club
Đây là chương trình khách hàng thân thiết của Virgin Atlantic, mang đến những gói ưu đãi tương ứng với 3 mức độ trung thành Red, Silver và Gold.
Tham gia vào tầng Red, bạn sẽ nhận được mức chiết khấu 7% cho các chuyến du lịch của Virgin Holidays, bên cạnh những ưu đãi từ các đối tác khác của hãng. Tại tầng Silver, không chỉ nhận khuyến mãi 7%, khách hàng còn được cộng 2 điểm tích lũy cho mỗi 1 EUR bỏ ra. Còn khi là thành viên của tầng Gold, mức chiết khấu sẽ lên tới 10% và tăng điểm tích lũy tương tự Silver.
Trong báo cáo tài chính thường niên 2016, Virgin Holidays đã ghi nhận một năm kinh doanh thắng lợi với lợi nhuận trước thuế 19,1 triệu bảng, tăng 75,2% so với năm trước. Còn Virgin Atlantic cũng báo cáo lợi nhuận sau thuế 23 triệu bảng. Báo cáo này cũng cho biết hiệu suất lớn của Virgin Holidays là nhân tố quan trọng đóng góp vào hoạt động của Virgin Atlantic và cả tập đoàn.
Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh trên còn khá mới do đòi hỏi về tiềm lực tài chính và tài nguyên lớn. Với việc lấn sân sang thị trường hàng không, Vinpearl Air có thể tận dụng được lợi thế, tiềm lực từ các quần thể du lịch sẵn có để gia tăng lợi ích cho cả 2 lĩnh vực, đồng thời củng cố thêm đế chế Vingroup.
T.Dương
Theo Trí Thức Trẻ